Nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, hỗ trợ hành khách đi lại thuận lợi, an toàn, nhanh chóng, văn minh, lịch sự; đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường thủy nội địa, đặc biệt là các điểm vượt sông trên địa bàn và vận tải hàng hóa; bảo đảm giao thông thông suốt trước, trong và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân Nhâm Dần năm 2022, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã chủ động xây dựng kế hoạch yêu cầu các cơ quan quản lý của ngành, doanh nghiệp vận tải ô tô khách lập và triển khai thực hiện các phương án đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt.
Thanh tra Giao thông (Sở Giao thông Vận tải) phổ biến, hướng dẫn lái xe chấp hành các quy định phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động vận tải khách. |
Giám đốc Sở GTVT Đinh Xuân Hùng cho biết: Để thực hiện tốt kế hoạch vận tải hành khách trong dịp Tết Nguyên đán trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, Sở đã yêu cầu các cá nhân, đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức chặt chẽ hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch số 2152/KH-SGTVT ngày 20-10-2021 về tổ chức hoạt động vận tải của 3 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển) đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Nam Định. Đối với các đơn vị quản lý khai thác bến xe khách, nơi bốc xếp hàng hóa phải xây dựng kế hoạch, phương án hoạt động rà soát, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và tổ chức thực hiện đảm bảo các điều kiện yêu cầu về phòng chống COVID-19 theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền. Đồng thời thực hiện việc niêm yết, kiểm soát hành khách bằng mã QRCode; kiểm tra điều kiện an toàn phương tiện, việc thực hiện quy định về phòng chống dịch của lái xe, nhân viên phục vụ, hành khách trước khi cho phương tiện xuất bến. Tăng cường tuyên truyền trên hệ thống thông tin của bến để hành khách nâng cao ý thức phòng chống dịch COVID-19; không bố trí, tiếp nhận phương tiện hoạt động trên các tuyến vận tải hành khách cố định đến các địa bàn có dịch ở cấp độ 3, 4. Trong dịp Tết Nguyên đán năm 2022, toàn tỉnh duy trì 415 đơn vị vận tải (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải) tham gia hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ bằng xe ô tô với tổng cộng 2.520 chiếc để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hoá và đi lại của nhân dân. Trong đó có 217 đơn vị hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô với tổng số 1.840 chiếc và 39.220 chỗ; 27 đơn vị vận tải hành khách theo tuyến cố định với 683 xe và 23.046 chỗ; 10 tuyến xe buýt với 71 xe với 2.786 chỗ, bình quân chạy 430 lượt xe/ngày liên tục từ 5-18 giờ hàng ngày; 13 đơn vị vận tải khách bằng taxi với 598 xe và 3.003 ghế; 488 xe vận tải khách theo hợp đồng và 10.385 ghế. Về vận tải hàng hóa, toàn tỉnh có 221 đơn vị hoạt động vận tải hàng hoá bằng ô tô với tổng số 680 xe và 6.234,3 tấn tải trọng.
Để phục vụ tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, Sở GTVT yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải chủ động xây dựng phương án tổ chức vận tải bảo đảm tuân thủ quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Chủ động nắm bắt cấp độ dịch tại địa bàn để tổ chức hoặc không tổ chức hoạt động vận tải hành khách.
Công bố công khai yêu cầu phòng chống dịch khi vận chuyển đối với hành khách theo quy định, hướng dẫn của các Bộ GTVT, Bộ Y tế. Thực hiện nghiêm việc theo dõi, lưu trữ danh sách hành khách; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát hành trình của phương tiện qua thiết bị giám sát hành trình, camera; nghiêm cấm các phương tiện dừng, đỗ tại các địa phương, vùng có dịch ở cấp độ 3, 4 để đón trả khách. Để tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận tiện trong dịp Tết, Sở đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tổ chức tuyên truyền, quán triệt cán bộ, công nhân, lao động, thành viên hợp tác xã; đặc biệt là giáo dục đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ nâng cao đạo đức nghề nghiệp, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự ATGT. Xây dựng kế hoạch vận tải bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại của nhân dân tăng cao, huy động tối đa lực lượng phương tiện phục vụ khách Tết, hạn chế tối thiểu ùn tắc giao thông. Chủ động kiểm tra, chăm sóc bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện để đảm bảo chất lượng và an toàn kỹ thuật khi lưu hành; đăng kiểm kỹ thuật các phương tiện đúng hạn. Chuẩn bị các phương án đưa đón khách, không để xảy ra tình trạng hành khách không kịp về nhà đón Tết cùng gia đình do thiếu phương tiện vận chuyển. Xây dựng phương án tổ chức vận tải, thực hiện chạy xe đúng lịch xe xuất bến và hành trình đã được phê duyệt; ngoài các tuyến xe đã chạy ổn định cần đưa xe dự phòng vào những giờ, những ngày đông khách; cho phép xe chạy quay vòng tăng chuyến hợp lý, bố trí mỗi nốt có 2 xe trở lên cùng xuất bến khi cần thiết. Riêng các tuyến vận tải liên tỉnh đường dài phải bố trí đủ xe và lái xe dự phòng, đảm bảo thời gian làm việc liên tục và thời gian làm việc trong ngày của lái xe theo quy định. Chấp hành nghiêm các quy định về công khai, minh bạch giá cước vận tải; chở đúng tải trọng, số lượng hành khách được phép chuyên chở; nghiêm cấm tự ý tăng giá cước. Có kế hoạch bố trí phương tiện dự phòng để chuyển tải khách từ những xe bị xử lý san tải, xe gặp tai nạn, sự cố kỹ thuật. Trong trường hợp không có xe chuyển tải, Sở GTVT sẽ huy động phương tiện của đơn vị vận tải khác, đơn vị có xe hạ tải, chuyển tải có trách nhiệm thanh toán toàn bộ chi phí có liên quan. Các đơn vị vận tải đang khai thác tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh có kế hoạch phối hợp với các đơn vị kinh doanh vận tải và các bến xe tại địa phương nơi đến để vận chuyển khách trước, trong và sau Tết. Đối với các tuyến có nhu cầu đi lại cao, căn cứ diễn biến tình hình thực tế hành khách và kinh nghiệm tổ chức phục vụ nhu cầu đi lại hàng năm trong dịp nghỉ lễ, Tết, các đơn vị vận tải xây dựng kế hoạch chi tiết huy động phương tiện trên từng tuyến, báo cáo Sở GTVT để cấp phù hiệu xe tăng cường theo quy định, phối hợp với các bến xe để tổ chức, thực hiện giải tỏa hành khách. Sở GTVT yêu cầu các đơn vị: Công ty Cổ phần Xuân Thiệu Nam Định, Công ty Cổ phần Du lịch vận tải Trường Sơn, Công ty TNHH Ô tô Đại Duy xây dựng kế hoạch chi tiết, chuẩn bị phương tiện xe buýt đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt, bố trí đủ xe và lái xe dự phòng, tăng số chuyến vào những giờ cao điểm và những ngày khách đông; giải tỏa khách khi có yêu cầu; chỉnh trang, vệ sinh toàn bộ hệ thống hạ tầng xe buýt trên địa bàn tỉnh.
Các đơn vị vận tải hàng hóa chủ động xây dựng kế hoạch vận chuyển sớm hàng hóa, những mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt và đời sống nhân dân trong dịp Tết; nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về trật tự ATGT, trật tự đô thị, không được chở hàng quá tải, không để vật liệu xây dựng rơi vãi trên đường. Khi có yêu cầu huy động phương tiện để ứng cứu các tình huống bất thường các đơn vị kinh doanh vận tải, các tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện.
Để đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp cao điểm, Sở GTVT yêu cầu các đơn vị bố trí lực lượng thường trực để kịp thời xử lý các tình huống, đảm bảo cho người và phương tiện lưu thông tuyệt đối an toàn, chấp hành nghiêm việc đóng, mở cầu phao Ninh Cường và vận hành các phà: Đống Cao (trên Quốc lộ 37B), Thanh Đại (trên Quốc lộ 21B) theo đúng quy định. Yêu cầu các đơn vị thi công xây dựng các công trình trong phạm vi hành lang ATGT đường bộ, các đoạn tuyến thi công dở dang phải hoàn thiện hạng mục có điểm dừng, thu dọn nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, vệ sinh môi trường đảm bảo cho nhân dân đi lại trong dịp Tết xong trước ngày 25-1-2022 (tức ngày 23 tháng Chạp năm Tân Sửu). Lực lượng Thanh tra Giao thông tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tổ chức, chấp hành các quy định của pháp luật về vận tải hành khách đối với các lái xe, chủ xe, chủ doanh nghiệp vận tải và các bến xe. Phối hợp các lực lượng chức năng khác kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn việc vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, gian lận thương mại, hàng giả, pháo; gia súc, gia cầm bị bệnh, không rõ nguồn gốc./.
Bài và ảnh: Thành Trung