Thời gian gần đây, công luận không ít lần “đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác” khi trên báo chí và mạng xã hội lần lượt xuất hiện những hình ảnh linh vật tượng hổ dị hình của các tỉnh, thành trên cả nước dùng để trang trí các không gian công cộng phục vụ người dân đi tham quan, ngắm cảnh chơi Tết. Tượng các chú hổ, hay gia đình hổ, cặp hổ ở Phú Thọ, Bạc Liêu, Bình Dương, Thanh Hóa với cách tạo hình và tô vẽ biểu cảm “dở khóc dở cười”: con thì như “hờn dỗi cả thế giới”, con thì ngộ nghĩnh nhưng giống mèo chứ không phải hổ, con thì hung dữ đáng sợ như trong phim kinh dị mà không có vẻ oai phong dũng mãnh đích thực của “Ông Ba mươi”, con thì gầy đói dơ xương, tiều tụy. Đặc biệt, khá nhiều tạo hình các tượng hổ xuất hiện ở các địa phương khiến người xem hoặc bật cười, hoặc không thể hiểu nổi, khi con hổ nhưng nửa sói, mèo, chó, dị dạng, thậm chí có người bình luận châm biếm là hổ biến thể(!)…
Công nhân Công ty cổ phần Công trình đô thị Nam Định trang trí tại khu vực Tượng đài Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định). Ảnh: Viết Dư |
Vài năm gần đây khi xu hướng trang trí linh vật đón Tết theo con giáp của các năm ở các địa phương nở rộ, năm nào cũng có một số trường hợp linh vật trang trí đường phố lập tức “gây sốt” ngay sau khi xuất hiện như: đàn trâu ở Vĩnh Long tết Tân Sửu 2021; đàn chuột với dáng vẻ ngộ nghĩnh, ngáo ngơ dịp Tết Canh Tý 2020 trang trí trong các tiểu cảnh của một số điểm vui chơi công cộng tại các địa phương; “gia đình chó” mừng năm mới Mậu Tuất 2018 ở Mỹ Tho mà người xem thấy “không giống chó”, không mang tinh thần Tết vì quá buồn. Đặc biệt không thể không nhắc đến tượng rồng ở Hải Phòng tết 2017 với tạo hình kỳ quặc mà netizen gọi là “rồng Pikachu”...
Lý giải về những “lỗi” này, đại diện cơ quan quản lý văn hóa của các địa phương đều cho biết các “tác phẩm” này được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, do các nhà tài trợ thực hiện nên không kiểm soát hết… Các sản phẩm sau khi bị phản ánh đều được yêu cầu sửa chữa, khắc phục. Tuy nhiên thực tế là việc sửa chữa gấp rút trong thời gian ngắn kiểu “đẽo cày giữa đường” khó mà làm đẹp được tác phẩm. Trong khi đó, các sản phẩm này thường trưng bày tại các không gian công cộng trung tâm thu hút động đảo người dân các địa phương và du khách đến thưởng ngoạn, chụp ảnh lưu giữ các khoảnh khắc đẹp ngày xuân. Việc xuất hiện những linh vật trang trí phản cảm này đáng tiếc không giúp tô thêm sắc xuân mà thậm chí còn làm xấu đi không gian công cộng khiến người dân bức xúc lên tiếng về trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên môn. Những vụ việc này cho thấy đối với một hoạt động văn hóa có phạm vi quảng bá, tác động rộng rãi, chạm đến cảm nhận văn hóa của cộng đồng thì cơ quan quản lý văn hóa với chức năng nhiệm vụ được giao không thể buông lỏng quản lý để cho nhà tài trợ tùy ý làm như một lãnh đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch một tỉnh mới đây trả lời trên một tờ báo là “không rõ ai làm chủ đầu tư cũng như tác giả của các bức tượng “gia đình hổ” đang gây sốt trên mạng xã hội”. Cũng trên các trang mạng xã hội, rất nhiều bạn đọc đặt câu hỏi đâu sẽ là thước đo cho những giá trị thẩm mỹ công cộng? Khi nào chúng ta mới có những tác phẩm linh vật đáng tự hào? Từ nhiều năm trước linh vật sư tử ngoại lai có dáng vẻ dữ dằn cũng với lý do xã hội hóa các nhà tài trợ tiến cúng, tặng vào các công trình tâm linh, di tích, trang trí công sở vô tội vạ mà các nhà văn hóa từng lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc-Tổng Thư kí Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thì cần phải có quy định, hướng dẫn chuẩn mực cho những việc như thế này du là đầu tư bằng nguồn nào để đảm bảo chuẩn mực thẩm mỹ cộng đồng. Đúng như ý kiến của PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội: “trang trí ở không gian công cộng để người dân vui chơi đón Tết là nhu cầu chính đáng của các tỉnh, thành phố. Thế nhưng, linh vật được trưng bày ở nơi công cộng thì nguyên tắc thẩm mỹ phải được đặt lên hàng đầu”. Linh vật có thể được sáng tạo linh hoạt, sinh động song phải phù hợp với bối cảnh từng không gian, địa điểm trưng bày và trên hết phải đảm bảo thẩm mỹ, tính văn hóa. Đã đến lúc chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn cần xiết chặt quản lý những sáng tạo ở nơi công cộng, không thể để tình trạng lạm dụng xã hội hóa, buông lỏng tùy tiện, để năm nào cũng khiến cộng đồng cười chê khi “món quà tài trợ” được trưng bày./.
Vân Thi