Thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, nhiều hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh đã có những biện pháp phòng, chống dịch trong điều kiện bình thường mới.
Quán phở Thành Nam trên đường Hàn Thuyên (thành phố Nam Định) luôn vệ sinh khử khuẩn sạch sẽ trước và sau khi khách đến. |
Thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn, hoạt động cầm chừng, có thời điểm phải tạm dừng hoạt động. Thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19 nên khi mở cửa hoạt động trở lại, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch nhằm hạn chế nguy cơ dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng. Nhiều hộ kinh doanh, bán hàng ở các chợ, hàng phô-tô, hay các cửa hàng kinh doanh ăn uống… cũng đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như không tiếp xúc gần mà trao đổi hoặc đặt hàng qua zalo, facebook. Chị Cao Thị Hương, chủ cửa hàng phô-tô trên đường Phù Nghĩa (thành phố Nam Định) cho biết: “Quá trình kinh doanh, tiếp xúc nhiều người, tôi luôn tuân thủ các quy định về phòng chống dịch như mang khẩu trang khi ra đường hoặc tại các nơi công cộng; khử khuẩn, giữ gìn vệ sinh nơi làm việc và thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn hay xà phòng; không tụ tập đông người; giữ khoảng cách tối thiểu là 2m tại những nơi đông người để bảo đảm không lây lan mầm bệnh; khai báo y tế đầy đủ”. Tại một số cửa hàng bán hàng ăn, sau nhiều ngày chuyển đổi hình thức kinh doanh từ phục vụ tại cửa hàng sang bán hàng mang về để phòng, chống dịch COVID-19, các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn thành phố Nam Định đã quay lại hình thức phục vụ tại chỗ. Các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được quán ăn đặt lên hàng đầu. Nhân viên phục vụ phải đeo khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn tay và kiểm tra thân nhiệt; một số cơ sở kinh doanh lắp đặt tấm chắn giọt bắn khổ lớn tại nơi giao hàng, thanh toán… Đồng thời nhiều chủ cửa hàng ăn thông tin trên facebook, zalo cá nhân của mình để khách hàng có thể chủ động đặt bàn, đặt suất mang về, đảm bảo trong cùng một thời điểm quán chỉ tiếp đón đúng số khách mà cơ quan chức năng quy định, hạn chế tập trung đông người. Những ngày này, quán phở Thành Nam, đường Hàn Thuyên (thành phố Nam Định) luôn nhận khách đến từ khá sớm, cửa hàng thực hiện đúng theo quy định, phục vụ không quá 50% công suất trong cùng một thời điểm. Chị Nguyễn Thị Lan, chủ cửa hàng cho biết: “Ngay khi nhận được thông báo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phường Vị Xuyên về đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong các cửa hàng ăn uống, chúng tôi đã dọn vệ sinh sạch sẽ, kê lại bàn đảm bảo khoảng cách. Nước rửa tay sát khuẩn đặt ngay cửa ra vào và cả khu vực nhà vệ sinh để khách tiện sử dụng. Nhân viên thường xuyên nhắc nhở khách hàng thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế, quét mã QR-Code trước khi vào ăn. Cá nhân tôi ý thức được rằng việc tiếp tục tuân thủ cam kết đã ký với chính quyền địa phương, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng là giúp việc kinh doanh diễn ra thuận lợi”. Tại các chợ dân sinh, công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã được thực hiện một cách nghiêm túc. Ban quản lý các chợ đều đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch, như: treo băng rôn, pa nô tuyên truyền tại các cửa chính ra vào chợ; đặt các chai nước rửa tay sát khuẩn khu vực trung tâm chợ; phát loa thông báo, nhắc nhở hộ kinh doanh, người dân đeo khẩu trang, tuân thủ quy tắc phòng dịch. Đồng thời, lực lượng quản lý chợ, bảo vệ tăng cường kiểm tra, tuyên truyền và nhắc nhở tiểu thương bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong hoạt động kinh doanh. Các chốt kiểm soát y tế hoạt động tích cực, các thanh chắn được dựng lên nhằm điều tiết lưu lượng người ra vào chợ; yêu cầu 100% người ra vào, tham gia hoạt động tại khu vực chợ phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn và giữ khoảng cách tối thiểu 2m với nhau. Đồng thời cũng yêu cầu các hộ kinh doanh kiên quyết từ chối phục vụ những khách hàng không chấp hành các quy định về phòng, chống dịch. Trong trường hợp khách hàng không chấp hành, có biểu hiện chống đối, sẽ báo cho chính quyền địa phương và lực lượng chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật. Chị Trần Thị Hồng, một tiểu thương tại chợ Hạ Long cho biết: “Được ban quản lý chợ và chính quyền địa phương phổ biến thường xuyên nên các hộ kinh doanh ở đây chấp hành rất tốt việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước khi vào chợ để phòng, chống dịch bệnh. Trong quá trình bán hàng, chúng tôi cũng chủ động giữ khoảng cách từ 2m với khách hàng và nhắc nhở khách hàng đeo khẩu trang đúng quy cách khi đến mua sắm tại các quầy hàng”. Cửa hàng Highlands Coffee đường Nguyễn Du, trung tâm thành phố Nam Định, có lượng khách khá đông trong đó chủ yếu là giới trẻ. Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cửa hàng đã chấp hành nghiêm việc bán đồ mang về, không phục vụ khách trực tiếp. Anh Tuấn Anh, nhân viên cửa hàng cho biết: “Khi chưa có dịch, tình hình kinh doanh của cửa hàng khá tốt, nhưng hiện nay doanh thu chỉ bằng 1/3 so với trước đây. Để linh hoạt thích ứng với dịch, cửa hàng cho nghỉ việc tạm thời một số nhân viên, chỉ giữ lại những nhân viên chính như: pha chế, thu ngân. Ngoài ra, duy trì thu nhập cũng như đủ tiền chi trả nhân viên, ngoài những thức uống có sẵn theo thực đơn hàng ngày, chúng tôi cũng nghĩ thêm một số món mới để phục vụ nhu cầu khách hàng mua về. Trong quá trình làm việc, chúng tôi thường xuyên nhắc nhở nhau thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch. Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh, thành phố dịch COVID-19 sẽ sớm được kiểm soát, khống chế để các cửa hàng kinh doanh được bán hàng và đón khách trở lại”.
Có thể thấy, dịch bệnh đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế và đời sống xã hội cũng như từng gia đình, từng cá nhân, đặc biệt là dịch bệnh kéo dài đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng từ trực tiếp sang trực tuyến. Việc người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu làm cho các dịch vụ mua sắm bị suy giảm. để thúc đẩy các hoạt động mua sắm, các cơ sở kinh doanh buộc phải chủ động nắm bắt tâm lý tiêu dùng, điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với các biến động của thị trường phòng, chống COVID-19 để thích ứng, duy trì hoạt động và vượt qua khó khăn./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh