Với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, những năm qua đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh luôn chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung và tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.
Đồng bào Công giáo xã Xuân Tiến (Xuân Trường) phát triển nghề làm bánh đa truyền thống. |
Hàng năm, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đã phối hợp với các ngành, địa phương vận động đồng bào Công giáo trong tỉnh tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của Trung ương và địa phương phát động. Trong đó, nổi bật là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh”, phong trào xây dựng “Khu dân cư 5 không”... Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, bà con giáo dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang cánh đồng lớn, sản xuất theo mô hình trang trại, mở rộng gieo cấy lúa đặc sản giá trị kinh tế cao, đồng thời đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó năng suất, giá trị sản phẩm sản xuất đã tăng đáng kể. Nhiều người dân Công giáo còn chú trọng phát huy ngành nghề truyền thống, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp, tạo được khởi sắc kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Điển hình như giáo dân xứ Kiên Lao, Thánh Danh (Xuân Trường), họ An Tôn, giáo họ Bình Yên, xứ Tương Nam (Nam Trực) duy trì, phát triển nghề cơ khí, đúc nhôm; làng nghề giáo xứ Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực) làm hoa nhựa, hoa vải, đèn ông sao; nghề may áo dài, váy cưới của giáo xứ Đại Đồng (Giao Thủy); giáo dân xứ Phạm Pháo (Hải Hậu), Trung Lao (Trực Ninh) sản xuất đồ gỗ cao cấp và kim hoàn; giáo dân họ Thánh Tâm, xứ Phú Nhai sản xuất đồ gỗ cao cấp với các sản phẩm như chạm kiệu, tòa và sơn son thếp vàng; giáo dân họ nhà xứ Phú Nhai với nghề thêu phục vụ lễ hội; giáo dân xứ Đại Lại (Vụ Bản) sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu. Nhiều tấm gương người Công giáo sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu cho gia đình, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội. Hưởng ứng chương trình xây dựng NTM, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh đã triển khai phong trào “Đẹp xóm làng, đẹp nhà cửa, đẹp xứ họ, đẹp ruộng đồng” đến 172 giáo xứ, 490 họ giáo trong tỉnh. Người Công giáo trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng, hiến tặng trên 20 nghìn m2 đất thổ canh, thổ cư; ủng hộ, đóng góp hơn 200 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương như trạm y tế, trường mầm non, hệ thống nhà văn hóa, khu vui chơi thể thao ở các thôn xóm, góp phần đẩy nhanh phong trào xây dựng NTM. Huyện Xuân Trường là trọng điểm vùng giáo của tỉnh với 2 tôn giáo là Công giáo và Phật giáo, trong đó đồng bào Công giáo gần 56 nghìn người, chiếm khoảng 30% dân số, tập trung chủ yếu tại các xã Xuân Ngọc, Xuân Tiến, Xuân Phương, Thọ Nghiệp… Nhận thức được tầm quan trọng của công tác tôn giáo nói chung và công tác vận động đồng bào công giáo nói riêng, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở thực hiện tốt công tác vận động, tranh thủ sự ủng hộ, phát huy vai trò của chức sắc công giáo để định hướng giáo hội, vận động giáo dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo… Đến nay, toàn huyện có trên 65% gia đình Công giáo được công nhận danh hiệu “Gia đình Công giáo gương mẫu”; trên 80% xứ, họ đạo đạt xứ họ đạo tiên tiến. Huyện Nghĩa Hưng có gần 50% đồng bào theo đạo Công giáo. Những năm qua, bà con giáo dân trong huyện luôn đoàn kết, gắn bó xây dựng quê hương, đẩy mạnh các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, “Thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận”, “Xây dựng giáo xứ, giáo họ không ma túy, tội phạm và tệ nạn xã hội”… Đến nay, hầu hết các xứ, họ đạo trong huyện đều được công nhận là làng văn hóa. Nhiều giáo dân ở các xã Phúc Thắng, Nghĩa Lạc, thị trấn Rạng Đông đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhờ mô hình nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, trồng hoa cây cảnh.
Bên cạnh đó, Ủy ban Đoàn kết Công giáo các cấp tổ chức triển khai xây dựng các phong trào: “Khu dân cư tự quản không có tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội”; “Xứ, họ đạo bình yên”, “An ninh tuyến biển”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”... Các mô hình tự quản về an ninh trật tự trong đồng bào Công giáo tiếp tục được giữ vững và nhân rộng. Các giáo xứ, giáo dân tích cực xây dựng, tham gia vào tổ tự quản, tổ hoà giải, là an ninh viên, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, đoàn kết lương, giáo. Đến nay, mô hình “Xứ, họ đạo tham gia bảo vệ tài nguyên môi trường” được triển khai mạnh mẽ ở 67 xã có đông đồng bào Công giáo. Cùng với đó, đồng bào Công giáo trong tỉnh còn tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Hưởng ứng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” với số kinh phí quyên góp được hàng tỷ đồng, xây mới trên 100 nhà Đại đoàn kết, nhà Tình thương tặng cho người nghèo không phân biệt tôn giáo, góp phần cùng MTTQ tỉnh cơ bản hoàn thành chương trình làm nhà Đại đoàn kết, giúp các hộ nghèo an cư lạc nghiệp, vươn lên thoát nghèo bền vững. Người Công giáo đã ủng hộ hàng tỷ đồng vào các quỹ từ thiện, ủng hộ tiền xây đền thờ liệt sĩ. Khi dịch COVID-19 tái bùng phát, lan rộng ở một số địa phương, các giáo xứ và bà con giáo dân chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch của Chính phủ; các chỉ đạo phòng, chống dịch của chính quyền địa phương; tích cực tham gia ủng hộ tiền mặt cùng nhiều nhu yếu phẩm, vật tư y tế có giá trị khác. Với tinh thần “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, đồng bào có đạo còn quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ các hộ nghèo, những người gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh vươn lên, ổn định cuộc sống.
Từ phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, mang đến những đổi thay tích cực, diện mạo các xứ đạo khang trang và chất lượng cuộc sống người dân ngày càng nâng cao./.
Bài và ảnh: Lam Hồng