Nông dân Nam Trực thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

08:12, 13/12/2021

Những năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Nam Trực đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống, xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu.

Nông dân xã Điền Xá phát triển nghề trồng hoa cây cảnh.
Nông dân xã Điền Xá phát triển nghề trồng hoa cây cảnh.

Năng động, sáng tạo, thường xuyên trau dồi kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, bà Vũ Thị Thanh, hội viên nông dân xóm 13, xã Đồng Sơn đã thành công với mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm lúa với Công ty TNHH Toản Xuân. Trước thực tế sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiên tai, sâu bệnh, thu nhập thấp, nhiều hộ dân đi làm ăn xa, bỏ ruộng không cấy, trong khi gia đình các con đều đang tuổi ăn học chi phí lớn, bà Thanh quyết định nhận khoán diện tích ruộng của các hộ gia đình không có nhu cầu cấy với HTX Nông nghiệp Nam Thành. Từ năm 2010, gia đình bà nhận hơn 3,7ha để canh tác. Sau đó, được tham gia các buổi sinh hoạt, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp do HND các cấp tổ chức, bản thân bà và gia đình đã tích luỹ được kinh nghiệm trong gieo cấy theo phương pháp sản xuất sạch. Từ năm 2015 đến nay, gia đình bà đã mạnh dạn nhận khoán 20,5ha của các hộ gia đình đi làm ăn xa để cấy lúa. Được sự quan tâm của Đảng ủy, UBND xã, Ban nông nghiệp đã cùng HTX Nông nghiệp Nam Thành xây dựng cánh đồng mẫu lớn, khuyến khích người nông dân tham gia chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm trong quá trình sản xuất, nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp. Năm 2016, Công ty TNHH Toản Xuân chính thức ký hợp đồng với HTX Nông nghiệp Nam Thành và các hộ dân  xây dựng mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm, trong đó có gia đình bà Thanh. Với quy trình sản xuất theo chuỗi liên kết này, sản lượng lúa của các hộ được công ty bao tiêu sản phẩm không còn lo bị tư thương ép giá như kiểu sản xuất truyền thống, đảm bảo bình ổn giá. Tham gia mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm với Công ty Toản Xuân, các hộ gia đình còn được công ty cung ứng đầy đủ từ vật tư, giống vốn, kỹ thuật chăm sóc, được trao đổi, học tập kinh nghiệm nên năng suất, chất lượng rất cao. Sau khi trừ chi phí, thu nhập của gia đình bà Vũ Thị Thanh từ năm 2018 đến nay đều đạt trên 200 triệu đồng/năm.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi có sức lan tỏa rộng, tạo động lực khích lệ cán bộ, hội viên nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 của huyện và Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, các xã Đồng Sơn, Nam Tiến đã xây dựng, phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn (150ha), xây dựng được một số mô hình chuỗi liên kết bền vững về sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản hàng hóa chủ lực như lúa chất lượng cao Bắc thơm 7, Koji, ST25. Chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng chăn nuôi trang trại, gia trại quy mô vừa và nhỏ, đảm bảo an toàn dịch bệnh, từng bước áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; số lượng hộ chăn nuôi theo mô hình trang trại ngày càng tăng. Toàn huyện đến nay có 41 trang trại; giá trị sản xuất thủy sản hàng năm bình quân đạt 3.200 tấn... Hàng năm số hội viên nông dân đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp ngày càng tăng, trong đó năm 2020 có 28.864 hộ đăng ký, 15.182 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Bên cạnh đó, để khuyến khích hội viên thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, các cấp HND trong huyện còn đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo nghề cho nông dân; chú trọng xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn. Các cấp Hội thực hiện tốt công tác phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN và PTNT nhận ủy thác, tín chấp cho nông dân vay vốn. Đến nay, tổng dư nợ từ Ngân hàng NN và PTNT đạt 1.215,9 tỷ đồng cho 4.722 hộ vay; dư nợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 170,93 tỷ đồng cho 5.186 hộ vay. Trong 3 năm qua, các cấp Hội trong toàn huyện còn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (HND tỉnh) mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công; chủ động phối hợp với các ngành chức năng, các công ty tổ chức trên 800 buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 68.674 lượt người tham dự. Phối hợp với Công ty Cổ phần Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (Học viện Nông nghiệp) tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi bằng phương pháp sinh học cho 9.500 lượt hội viên, nông dân. Phối hợp với Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Phương Nam, Công ty Cổ phần Việt Tín mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sử dụng chế phẩm vi sinh Sumitri trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời triển khai mô hình trình diễn phân bón hữu cơ sinh học cho lúa và cây màu. Thực hiện sự chỉ đạo của BCH Trung ương Hội và HND tỉnh về tiếp tục xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, các cấp HND trong huyện cũng đã hướng dẫn hội viên thành lập các tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp, góp phần thay đổi tư duy từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho hội viên. Ngoài việc duy trì hoạt động của 2 tổ hợp tác tại xã Nam Mỹ, Nam Toàn, từ năm 2018 đến nay, HND huyện đã chỉ đạo thành lập mới 5 mô hình kinh tế tập thể, nâng số mô hình tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp toàn huyện đến nay là 10 mô hình. Từ phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến với ý chí quyết tâm vươn lên làm giàu, đi đầu trong tích tụ ruộng đất, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn áp dụng tiến bộ công nghệ mới vào trồng trọt, chăn nuôi với quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao, hàng năm thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên. Nhiều hộ có thu nhập từ 500 triệu đến gần 3 tỷ đồng. Tiêu biểu như: ông Đỗ Duy Bắc, xã Điền Xá; ông Trịnh Duy Tuyến, xã Nam Mỹ; ông Phạm Minh Châu, xã Đồng Sơn; các ông Vũ Quang Việt, Vũ Văn Phúc, xã Nam Thái…

Thời gian tới, các cấp HND huyện Nam Trực tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; phát huy nội lực, tính cần cù, sáng tạo của nông dân trong lao động sản xuất, hình thành các vùng kinh tế sản xuất hàng hóa tập trung, vận động người dân cung cấp các loại nông sản an toàn, chất lượng ra thị trường. Hội cũng thường xuyên biểu dương các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi để động viên, khích lệ tinh thần vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng của các hộ nông dân; phấn đầu hàng năm tăng ít nhất 1% số hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, đến cuối nhiệm kỳ (2018-2023) có 25% hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi so với hộ nông dân./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com