Thực hiện Kết luận số 120-KL/TW ngày 7-1-2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể huyện Nam Trực thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở, góp phần phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức của cộng đồng, tạo động lực quan trọng để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Nông thôn mới làng Đồng Lư, xã Tân Thịnh (Nam Trực). |
Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Trực đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong huyện tổ chức quán triệt, triển khai sâu rộng đến các tổ chức, cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện dân chủ gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Đối với các cơ quan hành chính Nhà nước, việc thực hiện QCDC ở cơ sở được gắn với thực hiện cải cách hành chính, xây dựng và thực hiện chính quyền điện tử; tăng cường công tác đối thoại với nhân dân, doanh nghiệp; kịp thời giải quyết những bức xúc, kiến nghị của người dân. MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong huyện tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hướng trọng tâm về cơ sở, luôn lắng nghe, đề xuất giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; thực hiện tốt vai trò tham mưu cho các cấp uỷ Đảng về công tác vận động nhân dân, huy động mạnh mẽ sức dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Tại cơ sở, việc thực hiện QCDC được thể hiện đồng bộ với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ xã, thị trấn đến thôn (xóm), khu phố theo hướng công khai, minh bạch. Trong đó đã thực hiện niêm yết các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; các quy định, trình tự giải quyết thủ tục hành chính; nội dung, cách thức xây dựng NTM; đóng góp xây dựng nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn; bình xét các đối tượng được hưởng chính sách xã hội; các quy ước, hương ước của cộng đồng… tại trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND cấp xã, nhà văn hóa thôn, khu dân cư, hệ thống loa truyền thanh và các buổi họp dân. Cùng với việc công khai để dân biết, các xã, thị trấn vận dụng sáng tạo QCDC xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Đến nay, toàn huyện đã xuất hiện 850 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Tiêu biểu như: Mô hình “Tổ COVID-19 cộng đồng”; “Vận động, thuyết phục nhân dân hiến đất làm đường giao thông”; “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang”; “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Nông dân tham gia vệ sinh môi trường nghĩa trang nhân dân”; “Xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình”; “Dòng sông môi trường”… Thông qua các phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã tăng cường sự gắn bó giữa Đảng với nhân dân, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.
Qua công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu, từ đó đồng thuận, tự nguyện, tích cực tham gia đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền và nhiệm vụ chính trị ở địa phương, nhất là trong xây dựng NTM. Năm 2020 xã Hồng Quang bắt tay vào xây dựng NTM nâng cao. Cùng với việc ban hành nghị quyết chuyên đề, xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các thôn, xóm, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tạo nên sự đồng thuận trong xây dựng NTM. Nhân dân đã tích cực hiến đất, góp công sức, tiền bạc xây dựng các công trình theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, “Dân biết, dân bàn, dân góp vốn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân hưởng thụ”. Các kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng NTM nâng cao đã được UBND xã và các thôn xây dựng chi tiết và niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã; thông báo trên hệ thống loa truyền thanh; đặc biệt trong buổi họp thôn, xóm để người dân tham gia, đóng góp ý kiến trong các khâu lựa chọn công trình, hình thức tổ chức xây dựng, các chính sách về huy động nguồn lực như xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp nhà văn hóa, điện chiếu sáng, khu thể thao, đường giao thông, kênh mương thủy lợi... Những thắc mắc, kiến nghị của người dân đều được giải quyết kịp thời. Trong quá trình thực hiện, nhân dân bầu ra các tổ giám sát từ khi lên phương án thi công đến công tác thanh, quyết toán ngay sau khi hoàn thành. Bằng cách làm công khai, minh bạch như trên, người dân trong xã tự nguyện đóng góp 10 tỷ đồng và “vận động các nguồn lực” 20 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ gần 35% nguồn vốn huy động xây dựng NTM của xã, góp phần đưa xã xây dựng thành công NTM nâng cao; được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020”. Với kết quả đạt được, xã tiếp tục phấn đấu xây dựng NTM kiểu mẫu gắn với đổi mới tổ chức sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.
Đồng chí Lê Quang Huy, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Trực cho biết: Việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả QCDC ở cơ sở theo Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn huyện bước đầu đã thu được kết quả tích cực. Từ năm 2016 đến nay, kinh tế của huyện có bước tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM hoàn thành nhiệm vụ trước kế hoạch đề ra. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 70 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,7%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Thời gian tới huyện tiếp tục xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Phát huy dân chủ gắn liền với kỷ cương, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo giữ vững quốc phòng, an ninh, xây dựng các xã, thị trấn trong huyện đạt các tiêu chí NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu theo kế hoạch./.
Bài và ảnh: Văn Trọng