Hội Nông dân Hải Hậu hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

08:12, 10/12/2021

Những năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Hải Hậu đã đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, dạy nghề tạo việc làm, giúp hội viên nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Tham quan mô hình nuôi lươn không bùn của ông Phạm Văn Thành, xã Hải Giang cho thu nhập cao.
Tham quan mô hình nuôi lươn không bùn của ông Phạm Văn Thành, xã Hải Giang cho thu nhập cao.

Các cấp HND đã đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, chất lượng ngày càng nâng lên, thu hút đông đảo hội viên, nông dân thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo, nhiều hộ vươn lên khá, giàu. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay; tạo điều kiện vận động nông dân thực hiện tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô tập trung các sản phẩm nông nghiệp sạch, sản xuất giống và nuôi trồng thủy hải sản thâm canh công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trang trại tổng hợp. Một số hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã tích tụ ruộng đất, đầu tư máy móc, công nghệ, tổ chức sản xuất quy mô lớn, xây dựng thương hiệu và trực tiếp ký kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp để ổn định sản xuất. Năm 2021, toàn huyện có 25.164 hộ đạt nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó có nhiều điển hình tập thể, cá nhân với ý chí vươn lên làm giàu cho bản thân và đóng góp cho xã hội, như ông Nguyễn Văn Công, hội viên nông dân xã Hải Xuân phát triển mô hình chăn nuôi gà lấy trứng sạch; ông Bùi Văn Sớm, xã Hải Quang chuyên trồng, thu mua, sơ chế sản phẩm đinh lăng cung cấp cho Công ty Traphaco; ông Phan Văn Khấn, xã Hải Phúc nuôi tôm; ông Cao Văn Đình, xã Hải Đông với mô hình chăn nuôi VAC; bà Nguyễn Thị Lụa, thị trấn Yên Định sản xuất sản phẩm bánh nhãn đặc sản… Tại hội nghị điển hình tiên tiến và tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015-2020, HND huyện đã biểu dương 90 điển hình tiêu biểu. Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng đã tích cực đẩy mạnh phong trào tương trợ giúp nhau giảm nghèo bền vững thông qua khảo sát, phân loại, nắm chắc đối tượng hộ nghèo, tham mưu với cấp ủy, chính quyền cùng các ban, ngành, đoàn thể tập trung giúp đỡ. Mỗi chi hội nhận giúp đỡ từ 1-2 hộ nghèo/năm về giống, vốn, lao động, kinh nghiệm sản xuất. Qua đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 0,67%.

Để hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển kinh tế, HND huyện đã nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân, hàng năm giao chỉ tiêu tăng trưởng từ các nguồn, trong đó chú trọng việc vận động tăng trưởng ở cơ sở. Đến nay, nguồn vốn của HND huyện là 300 triệu đồng cho 7 hộ vay phát triển mô hình sản xuất; nguồn vốn 34 cơ sở hội là 1.500,571 triệu đồng cho 89 hộ vay phát triển sản xuất. Các cấp HND trong huyện còn phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tín chấp cho 11.899 hộ vay với số dư nợ 2.936,49 tỷ đồng; nhận ủy thác cho 6.500 hộ vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho nông dân nghèo, các đối tượng chính sách xã hội vay phát triển sản xuất, giảm nghèo và thực hiện an sinh xã hội với tổng dư nợ 222,809 tỷ đồng... Bên cạnh đó, HND các cấp quan tâm tổ chức đào tạo nghề, cung ứng vật tư đầu vào, hỗ trợ hội viên khởi nghiệp, sáng tạo, tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. 3 năm qua đã chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 39.129 lượt người tham dự, cung ứng trên 550 tấn phân bón giúp nông dân sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả. Từ năm 2018 đến nay HND huyện phối hợp với Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh, các trường dạy nghề tổ chức khảo sát nhu cầu, tổ chức 30 lớp dạy nghề cho 1.230 học viên tham dự với các nghề trồng trọt, chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi thủy sản, may công nghiệp, uốn tỉa cây cảnh… Các học viên sau khi học nghề được cấp chứng chỉ nghề, nhiều học viên đã áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Các cấp HND trong huyện còn tuyên truyền, vận động và chủ động phối hợp đưa các sản phẩm của hội viên đi tham dự các chương trình dự án khởi nghiệp, hội chợ nhằm quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đăng ký sản phẩm OCOP. Các sản phẩm tham gia quảng bá như trứng gà, trứng vịt quê Công Phượng, sản phẩm của HTX dịch vụ và nuôi trồng thuỷ sản xã Hải Thanh, dưa lê siêu ngọt, nước mắm Ninh Cơ, lạc đỏ Thịnh Long, rượu đinh lăng mỹ nghệ Hải Ninh, bánh nhãn làng nghề Đông Cường, thị trấn Yên Định… Thực hiện chương trình “Mỗi xã 1 sản phẩm” giai đoạn 2018-2020, đến nay toàn huyện đã có 67 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó nước mắm Ninh Cơ, nước mắm Tân Phú, du lịch ECOHOST, thịt lợn đông lạnh của Công ty TNHH Biển Đông DHS đạt 4 sao, còn lại 63 sản phẩm đạt 3 sao. Ngoài ra, các cấp Hội còn vận động cán bộ, hội viên nông dân triển khai xây dựng các mô hình kinh tế tập thể (tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp). Đến nay, toàn huyện đã có 56 HTX được thành lập hoạt động có hiệu quả. Các mô hình tổ hợp tác, HTX đã đem lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên thông qua sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giúp nhau về vốn, khoa học kỹ thuật. Tiêu biểu như tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Hải Hòa, thị trấn Thịnh Long, xã Hải Lộc; HTX dịch vụ - chăn nuôi xã Hải Thanh.

Cùng với việc Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đến phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, sự hỗ trợ của các cấp HND đã động viên cán bộ, hội viên trong huyện thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đưa sản xuất nông nghiệp trong huyện có bước phát triển khá toàn diện. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân tăng từ 0,65%/năm. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển nhanh; cơ cấu cây trồng có sự chuyển dịch tích cực; nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung được hình thành, trong đó có 81 vùng tập trung sản xuất lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, 22 vùng sản xuất cây dược liệu, 10 vùng trồng hoa cây cảnh, 11 vùng trồng rau màu... Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại với quy mô vừa và nhỏ, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng bình quân 0,19%/năm. Hiện nay, toàn huyện có 135 trang trại chăn nuôi (theo quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018), trong đó 81 trang trại lợn, 16 trang trại trâu, bò, dê; 21 trang trại gia cầm, 17 trang trại tổng hợp, tập trung ở các xã Hải Đông, Hải Giang, Hải Ninh, Hải Tây, Hải Lý, Hải Sơn. Giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng bình quân 8,56%/năm. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản được mở rộng, nhất là ở các xã ven biển. Toàn huyện đã chuyển đổi 294ha đất trồng lúa và làm muối kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, cây rau màu kết hợp nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao; trong đó diện tích nuôi công nghiệp, bán công nghiệp tăng nhanh. Sản lượng nuôi trồng thủy sản bình quân hàng năm đạt 14.316 tấn. Chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của nông dân huyện được nâng cao đã góp phần thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại./. 

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com