Hiệu quả từ các giải pháp giải quyết vụ, việc dân sự

08:12, 17/12/2021

Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số lượng vụ việc dân sự trên địa bàn tỉnh gia tăng về số vụ và tính chất phức tạp chủ yếu là tranh chấp đất đai, hợp đồng tín dụng, về di sản thừa kế, đòi tài sản…, tòa án 2 cấp trong tỉnh đã khắc phục khó khăn, áp dụng đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự, làm tốt việc hướng dẫn, giải thích pháp luật cho các bên đương sự về quyền, nghĩa vụ của mình để tự nguyện rút đơn, qua đó góp phần giảm tỷ lệ các bản án và đẩy nhanh tiến độ giải quyết án.

Cán bộ Tòa Dân sự (Tòa án nhân dân tỉnh) trao đổi nghiệp vụ công tác giải quyết các vụ việc dân sự.
Cán bộ Tòa Dân sự (Tòa án nhân dân tỉnh) trao đổi nghiệp vụ công tác giải quyết các vụ việc dân sự.

Đồng chí Trần Văn Kiểm, TUV, Chánh án TAND tỉnh cho biết: Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, ngành Tòa án tỉnh đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ việc nói chung, các vụ việc dân sự nói riêng; khắc phục triệt để tình trạng để các vụ án quá thời hạn chuẩn bị xét xử do nguyên nhân chủ quan. Để đảm bảo tiến độ xét xử các vụ việc dân sự, nhất là đối với các vụ án kinh doanh thương mại nhằm cải thiện Chỉ số thiết chế pháp lý, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), TAND tỉnh đã đề xuất và báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, cho phép các trường hợp đương sự, luật sư hiện đang trong địa bàn thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, đáp ứng đầy đủ các điều kiện về phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của UBND tỉnh, được qua chốt kiểm dịch vào địa bàn tỉnh để tham gia tố tụng tại TAND tỉnh. Nhờ đó, công tác giải quyết các vụ việc dân sự vẫn bảo đảm thời hạn quy định. Đối với công tác nghiệp vụ, TAND tỉnh yêu cầu Tòa dân sự và TAND các huyện, thành phố ngay từ khi thụ lý các vụ việc sơ thẩm phải xác định đúng quan hệ pháp luật cần giải quyết, xác định diện những người tham gia tố tụng và định hướng được việc thu thập các tài liệu chứng cứ cần thiết để giải quyết án; đối với các vụ phúc thẩm thì ngay từ khi thụ lý Tòa dân sự phải nắm bắt được số lượng đương sự kháng cáo và nội dung kháng cáo. Bên cạnh đó, hàng tuần, hàng tháng TAND tỉnh tổ chức họp nghe các thẩm phán được giao làm chủ tọa, báo cáo tiến độ giải quyết án và những khó khăn vướng mắc trong quá trình thu thập các tài liệu chứng cứ, hoặc những vướng mắc trong việc tống đạt các văn bản tố tụng, đồng thời đưa ra các giải pháp để tháo gỡ và ấn định thời gian, kế hoạch cụ thể về từng vấn đề cần giải quyết cho thẩm phán. Những vụ việc kinh doanh thương mại cần giải quyết nhanh đều được TAND tỉnh thành lập tổ công tác hỗ trợ TAND cấp huyện giải quyết án góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh thành công. Cùng với đẩy nhanh tiến độ xét xử, TAND tỉnh xác định công tác hoà giải là vấn đề then chốt và hiệu quả để giải quyết các tranh chấp, nên ngay sau khi Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, TAND tỉnh đã chú trọng lựa chọn bổ nhiệm hòa giải viên; bố trí địa điểm, trang thiết bị đảm bảo cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa. Đồng thời yêu cầu thẩm phán TAND 2 cấp trước khi tiến hành hòa giải phải thu thập thông tin, tìm hiểu rõ vấn đề mấu chốt của sự việc, nắm vững kiến thức pháp luật và tập quán của từng địa phương để lựa chọn thời điểm hòa giải thích hợp. Quá trình hòa giải phải luôn tôn trọng ý kiến của các bên đương sự; lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của các bên, đặt vấn đề để các bên suy nghĩ, bàn bạc, tìm ra hướng giải quyết mâu thuẫn phù hợp. Trong năm 2021, TAND 2 cấp trong tỉnh đã hoà giải được 2.036 vụ việc trong tổng số 2.934 vụ việc đã giải quyết, đạt tỷ lệ 69,3% vượt chỉ tiêu thi đua 9,3%. Thông qua công tác hoà giải, các vụ án được giải quyết nhanh chóng, triệt để góp phần củng cố mối quan hệ đoàn kết trong nội bộ nhân dân.

Với việc triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả TAND 2 cấp trong tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ, chất lượng giải quyết các vụ việc dân sự. Năm 2021, TAND 2 cấp trong tỉnh đã giải quyết, xét xử 2.934/3.049 vụ (trong đó: dân sự 532/626 vụ, việc; hôn nhân và gia đình 2.341/2.359 vụ, việc; kinh doanh thương mại 60/63 vụ và lao động 1/1 vụ), đạt 96,2%; vượt 11,2% chỉ tiêu thi đua đề ra, góp phần giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư cho phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Phát huy những kết quả đã đạt được thời gian tới, ngành TAND tỉnh tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Tỉnh uỷ Nam Định về công tác tư pháp và cải cách tư pháp. Nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án, đảm bảo các phán quyết của Toà án phải đúng pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng công khai, bình đẳng trong xét xử. Làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự. Khắc phục triệt để tình trạng để vụ án quá thời hạn xét xử. Tăng cường tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm; làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật; thường xuyên phối hợp với cơ quan THADS và Viện KSND rà soát các bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thi hành để xử lý theo đúng quy chế liên ngành trong lĩnh vực này. Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ xét xử; nâng cao trách nhiệm của các thẩm phán đối với từng vụ việc cụ thể nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng quá hạn hoàn thành nhiệm vụ xét xử, giải quyết các vụ, việc dân sự đã đặt ra./.

Bài và ảnh: Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com