Hải Triều đào tạo nghề cho lao động nông thôn

08:12, 08/12/2021

Xã Hải Triều (Hải Hậu) có 5.068 nhân khẩu, trong đó có 3.150 người trong độ tuổi lao động. Thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, đoàn thể đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giúp các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Làng quê xã Hải Triều hôm nay.
Làng quê xã Hải Triều hôm nay.

Nhiều giải pháp đồng bộ

Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, xã Hải Triều đã tổ chức đánh giá thực trạng các nghề phù hợp ở địa phương; khảo sát nhu cầu việc làm, học nghề, điều kiện, khả năng của người lao động và nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đồng thời tổ chức tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn, đăng ký học nghề phù hợp. Trên cơ sở đó, xã xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp đào tạo nghề như: Nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm sử dụng chế phẩm vi sinh, tập huấn kỹ thuật và chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm bền vững... Hàng năm, xã mở từ 1-2 lớp đào tạo nghề ngắn hạn theo Đề án 1956. Trong quá trình đào tạo nghề, xã tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo dạy và học thực chất, hiệu quả. Sau khoá học, người lao động đều nắm được các kiến thức, kỹ năng cơ bản và sử dụng được kỹ năng nghề để tìm việc làm phù hợp, có thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, xã giao cho các ban, ngành, đoàn thể chủ động đề xuất với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, Trạm Khuyến nông huyện… tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân. Từ năm 2020 đến nay, xã mở 9 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho trên 3.000 lao động địa phương. Qua các lớp tập huấn, nhiều kỹ thuật mới về trồng rau màu, nuôi thủy sản an toàn theo quy trình VietGAP; chăn nuôi an toàn sinh học được người dân tiếp nhận và áp dụng vào thực tế sản xuất. Là địa phương có truyền thống khai thác thủy sản, sau khi được trang bị các kiến thức mới, người dân đã tập trung đầu tư hoán cải, nâng cấp tàu cá; chuyển đổi từ khai thác thủ công sang bán công nghiệp với nhiều thiết bị hỗ trợ khai thác như: thiết bị định vị, thiết bị dò luồng cá; bộ đàm thông tin liên lạc tầm xa… đưa nghề khai thác thủy sản của xã phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong năm 2021, sản lượng khai thác thủy sản của xã ước đạt 2.975 tấn; nuôi trồng thủy sản ước đạt 210 tấn. Trong sản xuất nông nghiệp, Đảng ủy, UBND xã đã đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hỗ trợ nhân dân chuyển đổi đất làm muối kém hiệu quả sang trồng màu; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cải tạo đất, kỹ thuật thâm canh; lựa chọn giống cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên và thị hiếu người tiêu dùng. Toàn bộ diện tích trồng màu được bà con nông dân lựa chọn các giống cây có giá trị kinh tế cao để trồng như cà rốt, dưa lê, dưa hấu, hành hoa và cà chua. Nhiều hộ dân đã đầu tư máy làm đất đa năng; thiết bị tưới nước tự động phục vụ sản xuất. Cùng với đào tạo nghề, xã tạo điều kiện cho người lao động, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, tổng dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) trên địa bàn xã đạt khoảng 15,1 tỷ đồng cho 75 hộ vay vốn phát triển sản xuất, trong đó có 6 hộ nghèo, 89 hộ cận nghèo. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững, có điều kiện phát triển quy mô sản xuất. Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã và sự tích cực tham gia của các doanh nghiệp trên địa bàn, xã Hải Triều đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề trên địa bàn xã đạt 69%; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,47%; thu nhập bình quân đầu người đạt 60,2 triệu đồng/năm.

Người dân hưởng lợi

Gia đình ông Trần Trung Dũng ở xóm Xuân Hương là một trong những gia đình phát triển kinh tế hiệu quả. Từ nguồn vốn vay hơn 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện cùng các nguồn vốn vay hợp pháp khác, ông Dũng đã mạnh dạn đầu tư nuôi trồng thủy sản và trồng rau màu trên diện tích 2.500m2 ao và gần 1 mẫu vườn… Nhờ cần cù, chịu khó, hiện nay gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo, thu nhập từ trang trại nuôi thủy sản và trồng màu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Vũ Huy Hùng, Hội viên Hội CCB xã Hải Triều đã mạnh dạn vay hơn 80 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện để cải tạo diện tích 6.000m2 ao, phát triển nuôi trồng thủy sản với các loại tôm thẻ chân trắng đem lại thu nhập cho gia đình hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, ông Hùng còn đầu tư vào nghề mộc, tạo việc làm thường xuyên cho 5-6 lao động với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn tích cực tham gia các công tác từ thiện nhân đạo, giúp đỡ những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn… Nhiều gia đình khác phát huy hiệu quả kiến thức khi tham gia các lớp tập huấn sản xuất và vay vốn ngân hàng như gia đình ông Nguyễn Văn Sinh, xóm Tây Bình, nuôi tôm công nghiệp, cho thu nhập khoảng 80 triệu đồng/năm; gia đình ông Đặng Văn Hạnh, xóm Việt An, đánh bắt thủy sản, thu nhập trên 90 triệu đồng/năm. Anh Hoàng Đức Thiện xóm Tây Bình, xã Hải Triều là Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Thiên Phú thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm cho người dân; giúp bà con nông dân ở các xã trong khu vực đã chuyển đổi hơn 100ha từ làm muối sang nuôi trồng thủy sản, cho thu nhập gấp từ 5 đến 10 lần. Ngoài ra, Công ty tạo việc làm thường xuyên cho trên 30 lao động, thu nhập từ 7-10 triệu đồng/người/tháng. Nghề làm lưới, vá lưới phù hợp với nhiều đối tượng lao động ở địa phương, đặc biệt, vào khoảng cuối tháng 8 đến hết tháng 9 hàng năm, thường biển động, mưa nhiều, cá ít. Anh Trần Phương Dương ở xóm Tân Minh mở cơ sở sản xuất lưới chấp tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. 

Do định hướng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đúng hướng, chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật, đến nay Hải Triều đã trở thành điểm sáng của huyện Hải Hậu về phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã tiếp tục bám sát các chương trình, kế hoạch của huyện về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; huy động sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác đào tạo nghề, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân học nghề. Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện đào tạo nghề theo địa chỉ nhằm đảm bảo việc làm cho người lao động sau đào tạo; gắn đào tạo nghề với phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com