Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành chức năng của tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chế độ chính sách của Nhà nước với người yếu thế đồng thời huy động các nguồn lực chăm sóc, hỗ trợ các đối tượng cải thiện cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Hội từ thiện Chùa Vọng Cung tặng quà cho người nghèo ở thành phố Nam Định. |
Theo Sở LĐ-TB và XH, năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh ước còn 1,8% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025) giảm 0,6% so với năm 2020. Để đạt được kết quả trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo, các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững: hỗ trợ về y tế, giáo dục và đào tạo, học nghề, hỗ trợ về việc làm, nhà ở, chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ hộ nghèo tiền điện sinh hoạt, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; hỗ trợ người nghèo, cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế. Năm 2021, toàn tỉnh có trên 6.000 người thuộc hộ nghèo, 74.948 người thuộc hộ cận nghèo, 177.229 người có mức sống trung bình được hỗ trợ thẻ BHYT; 70.511 lượt người nghèo được khám chữa bệnh miễn phí; 207 lượt hộ nghèo, 4.708 lượt hộ cận nghèo, 3.790 lượt hộ mới thoát nghèo; 782 lượt học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo được vay vốn hỗ trợ tín dụng ưu đãi; 3.503 lượt học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ về giáo dục; 54 hộ nghèo được hỗ trợ xây mới nhà ở từ nguồn vận động của MTTQ và 4 hộ nghèo được hỗ trợ xây mới nhà ở từ quỹ “Ngày vì người nghèo”; 100% hộ nghèo đủ điều kiện được hỗ trợ tiền điện. Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu - 2021, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện trợ cấp đột xuất cho 973 hộ nghèo với số tiền gần 235 triệu đồng. Với các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 17-7-2021 quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh. 100% đối tượng bảo trợ xã hội được đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ trợ cấp, trợ giúp theo quy định của Nhà nước. Dự kiến năm 2021, toàn tỉnh có trên 85 nghìn đối tượng hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội thường xuyên hàng tháng tại cộng đồng. Đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề cho 240 đối tượng được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh. Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu - 2021 gần 81.500 đối tượng Bảo trợ xã hội được trợ cấp đột xuất với số tiền trên 12,2 tỷ đồng; 32.079 người cao tuổi được tặng quà chúc thọ, mừng thọ với tổng số tiền gần 9,7 tỷ đồng.
Bên cạnh thực hiện các chính sách cho hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, các ngành chức năng, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm lo, hỗ trợ các đối tượng yếu thế. Đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có lòng hảo tâm thường xuyên quan tâm tặng quà những hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm động viên họ vươn lên trong cuộc sống. Ở thành phố Nam Định có nhiều tổ chức từ thiện hoạt động hiệu quả như: Chùa Vọng Cung, Hương Thành Nam, Công Bao, Thiện Tâm Nam Định, Hương Từ Bi… Từ năm 2016 đến nay, Hội từ thiện Chùa Vọng Cung nhận hỗ trợ thường xuyên cho 10 học sinh mồ côi cha mẹ ở các phường Ngô Quyền, Cửa Bắc và Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định); tặng 125 xe đạp, trị giá 1 triệu đồng/xe, ủng hộ chương trình “Xe đạp giúp em đến trường”; tặng hơn 50 triệu đồng ủng hộ chương trình “Chắp cánh ước mơ tới trường” do Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức. Khi dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh, Hội từ thiện đã trao tặng kinh phí và các vật dụng y tế cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của nhiều huyện, thành phố; trao tặng quà cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; trao tặng nhu yếu phẩm cho các khu cách ly tập trung, phong tỏa… với số tiền đến hàng trăm triệu đồng. Nhóm thiện nguyện Hương Thành Nam cùng các nhà hảo tâm đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nhân dân trong các khu cách ly và lực lượng tuyến đầu trong và ngoài tỉnh tham gia phòng, chống dịch. Trong đó, Nhóm đã tặng gạo, mỳ tôm cho người dân xóm Trại, tổ dân phố Tây Kênh, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) trị giá 25,8 triệu đồng; tặng nhu yếu phẩm cho người dân xã Yên Cường (Ý Yên) trị giá 22 triệu đồng... Thời gian gần đây, Nhóm thiện nguyện Hương Thành Nam đã đứng ra kêu gọi và vận động các nhà hảo tâm ủng hộ tổ chức trao 200 bộ quần áo bảo hộ y tế, 1.800 khẩu trang, 80 kính chống giọt bắn, 200 giường gấp với tổng trị giá 82 triệu đồng cho lực lượng chức năng và người dân đang cách ly y tế tại Khu cách ly tập trung Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định. Nghĩa cử cao đẹp của Nhóm thiện nguyện Hương Thành Nam và các nhà hảo tâm góp phần cùng ngành chức năng, nhân dân chung tay đẩy lùi dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội. Ở huyện Giao Thủy, với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, nhiều nhà hảo tâm, tổ chức thiện nguyện tích cực giúp đỡ các đối tượng yếu thế trong xã hội, ổn định cuộc sống. Ông Nguyễn Văn Tuyến ở xóm 13, xã Giao Hương nhận giúp đỡ hàng chục hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức hỗ trợ từ 20-30 triệu đồng/năm; thường xuyên trao học bổng cho học sinh nghèo vươn lên đạt thành tích cao trong học tập vào dịp năm học mới và các ngày lễ, tết; tham gia ủng hộ xây dựng nhà văn hóa, hỗ trợ làm đường giao thông; đóng góp cứu trợ lũ lụt, thiên tai, các Quỹ vì người nghèo, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, chất độc da cam... ở địa phương với số tiền hàng chục triệu đồng. Thượng tọa Thích Tâm Thiệu, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo huyện vận động ủng hộ từ 50-100 triệu đồng hỗ trợ cho các hộ nghèo trên địa bàn xã Giao Tiến, giúp nhiều học sinh nghèo tiếp tục đến trường, những mảnh đời bất hạnh vượt qua mặc cảm hòa nhập cộng đồng. Tăng, ni Phật tử Chùa Tiên Chưởng, xã Giao Châu nhận hỗ trợ nuôi 6 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha hoặc mẹ, tàn tật... Từ đầu năm 2018 đến nay, nhà chùa trao tặng quà cho 400 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Giao Châu với số tiền 80 triệu đồng.
Với các biện pháp hỗ trợ đồng bộ, toàn diện, công tác giảm nghèo, chăm lo đối tượng bảo trợ xã hội của tỉnh phần nào vơi bớt khó khăn cải thiện cuộc sống. Thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về tiếp cận nghèo đa chiều, về mục tiêu giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo trợ xã hội, giảm nghèo gắn với các giải pháp nâng cao chất lượng giảm nghèo và giảm nghèo bền vững; động viên các tổ chức, cá nhân tích cực hỗ trợ chăm lo người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội góp phần giúp họ vươn lên ổn định cuộc sống./.
Bài và ảnh: Viết Dư