Chuyển đổi nhận thức và hành vi trong công tác dân số và phát triển

08:12, 27/12/2021

Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng sâu sắc đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có công tác dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ); đặc biệt là các hoạt động truyền thông tập trung đông người, dịch vụ KHHGĐ không thể diễn ra đúng tiến độ. Ngành dân số đã nỗ lực, linh hoạt thực hiện các nhiệm vụ, đều hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu nhiệm vụ công tác dân số - KHHGĐ, khống chế được tốc độ gia tăng dân số: Tỷ suất sinh giảm 0,14%o; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm 0,72% so với năm 2020 (đạt chỉ tiêu kế hoạch). Tỷ số giới tính khi sinh là 113,7 bé trai/100 bé gái, giảm 0,3 điểm phần trăm so với năm 2020 (đạt chỉ tiêu kế hoạch). 

Kiểm tra sức khỏe định kỳ cho phụ nữ có thai tại Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Hưng.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ cho phụ nữ có thai tại Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Hưng.

UBND tỉnh đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương triển khai Kế hoạch hành động của tỉnh thực hiện Chiến lược dân số và phát triển như: Kế hoạch số 32/KH-UBND, ngày 9-3-2021 của UBND tỉnh về kế hoạch hành động giai đoạn 2020-2025 của tỉnh Nam Định thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Kế hoạch 65/KH-UBND thực hiện Chương trình Điều chỉnh mức sinh tỉnh Nam Định đến năm 2030; Kế hoạch số 93/KH-UBND về thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch 67/KH-UBND thực hiện Chương trình Truyền thông dân số tỉnh Nam Định đến năm 2030. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác dân số - KHHGĐ. Trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân số - KHHGĐ; kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản tới các tầng lớp nhân dân. Trong bối cảnh dịch COVID-19, không tổ chức các hoạt động tuyên truyền tập trung đông người như hội nghị, hội thảo, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh: Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Trang thông tin điện tử của Sở Y tế, Đài phát thanh các huyện, thành phố đẩy mạnh truyền thông về dân số và phát triển với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp các nhóm đối tượng. Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân số - KHHGĐ và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; nhấn mạnh chuyển hướng trọng tâm từ dân số - KHHGĐ sang dân số và phát triển, giải quyết toàn diện các vấn đề của công tác dân số trong tình hình mới; mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, hiệu quả của việc thực hiện các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số; mối liên hệ giữa dân số và phát triển kinh tế; dân số và giáo dục; dân số và y tế; dân số và lao động việc làm và những khó khăn thách thức đối với người cao tuổi; tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh dẫn đến hệ lụy mất cân bằng giới tính. Phổ biến kiến thức, lợi ích của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác truyền thông được đẩy mạnh, đặc biệt là khai thác sử dụng mạng xã hội facebook, nền tảng TikTok được các đơn vị tích cực triển khai với các chủ đề, hình ảnh và nội dung phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhiều nhóm đối tượng. Năm 2021, hưởng ứng Cuộc thi Thử thách làm tuyên truyền viên dân số trên nền tảng TikTok do Tổng cục KHHGĐ tổ chức, tỉnh ta có 1.003 bài dự thi của cán bộ, cộng tác viên dân số và các bạn trẻ với nhiều hình ảnh, clip về dân số - KHHGĐ, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục… tạo được sức hút và lan tỏa trong cộng đồng mạng. Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã xuất sắc giành giải Nhất tập thể cuộc thi. Vào các dịp Ngày Dân số thế giới (1-7), Ngày tránh thai thế giới (26-9), Ngày Quốc tế trẻ em gái (11-10), toàn tỉnh đã căng treo hàng trăm băng rôn, khẩu hiệu tại các trục đường chính, các khu dân cư; cung cấp hàng chục nghìn tờ gấp, sách lật tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ. Đội ngũ cán bộ dân số các cấp, nhất là mạng lưới 226 cán bộ dân số ở cơ sở và 3.707 cộng tác viên dân số ở khắp các thôn, xóm thường xuyên “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, tập trung vào đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ, sinh con “một bề” là con gái, tuyên truyền, vận động mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có tối đa 2 con, đảm bảo quyền và trách nhiệm trong sinh con, nuôi dạy con tốt. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; hình thành kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản ở thế hệ trẻ. Tuyên truyền lợi ích của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên; tác hại của việc tảo hôn. Vận động thanh niên tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân; phụ nữ mang thai thực hiện tầm soát, chẩn đoán điều trị một số bệnh, tật trước sinh… Qua đó đã từng bước nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân về công tác Dân số - KHHGĐ trong tình hình mới. Quy mô gia đình có 2 con được các cặp vợ chồng lựa chọn ngày càng rộng rãi. 

Cùng với công tác truyền thông, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện tốt các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài nên không thể tổ chức Chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, các huyện, thành phố đã chủ động triển khai dịch vụ KHHGĐ thường xuyên tại cơ sở, đáp ứng đầy đủ, kịp thời, an toàn và thuận tiện các nhu cầu của người dân trên địa bàn. Kết quả năm 2021, toàn tỉnh có 55.034 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ mới chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại để thực hiện KHHGĐ, đạt 99% kế hoạch giao. Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các đề án, mô hình nâng cao chất lượng dân số như: Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; Đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh”; Đề án “Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng”; tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên, công nhân khu công nghiệp, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dân số.

Hưởng ứng Thành hành động quốc gia về dân số năm 2021 được triển khai từ ngày 1 đến 31-12-2021 với chủ đề “60 năm ngành Dân số - Vì một Việt Nam phát triển bền vững”, UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, vận động và phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, các tầng lớp nhân dân về công tác dân số và phát triển trong tình hình mới. Các ngành chức năng, các địa phương tiếp tục chủ động, tích cực triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 21 nhằm nâng cao chất lượng dân số, kiềm chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh. Tiếp tục nâng cao chất lượng đảm bảo hậu cần dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, hướng tới đáp ứng đầy đủ, kịp thời, an toàn và thuận tiện dịch vụ có chất lượng cho các đối tượng sử dụng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác truyền thông, hướng tới từng nhóm đối tượng, huy động cả cộng đồng thực hiện KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của tỉnh./.

Bài và ảnh: Minh Tân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com