Tạo đà cho một năm học "đặc biệt"

08:11, 02/11/2021

Năm học 2021-2022 được đánh giá là năm học “đặc biệt” bởi cùng lúc ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) phải thực hiện nhiều mục tiêu: Nâng cao chất lượng GD và ĐT; tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để đảm bảo an toàn về sức khỏe cho giáo viên, học sinh. Đây cũng là năm học triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 2 và lớp 6 trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19. Vượt qua khó khăn ban đầu, toàn ngành GD và ĐT đang dần ổn định hoạt động, nỗ lực hoàn thành các mục tiêu đề ra. 

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 

Mới đây, trước diễn biến phức tạp của chùm ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng, được sự đồng ý của UBND tỉnh, từ 0 giờ ngày 27-10, thành phố Nam Định đã tổ chức hoạt động giáo dục linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Một loạt trường của các cấp học từ tiểu học, THCS thậm chí có cả trường THPT phải tạm dừng đến trường, tổ chức học trực tuyến. Không riêng thành phố Nam Định mà cả một số huyện, tại các địa bàn phát sinh ổ dịch việc tổ chức học trực tuyến cũng được thực hiện linh hoạt. 

Cô và trò Trường THPT Lê Quý Đôn (Trực Ninh) trong một giờ học môn Lịch sử.
Cô và trò Trường THPT Lê Quý Đôn (Trực Ninh) trong một giờ học môn Lịch sử.

Trước đó, ngay đầu năm học mới, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các nhà trường sớm xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường theo phương án linh hoạt ứng phó với dịch theo phương châm: chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ, tăng cường xây dựng kho học liệu số phục vụ dạy, học trực tuyến, dạy học qua truyền hình để trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh phải tạm nghỉ học tại trường, sẽ chuyển ngay sang hình thức dạy học trực tuyến đảm bảo học sinh được học các kiến thức cơ bản, cốt lõi của chương trình. Thầy giáo Nguyễn Bổng, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ (thành phố Nam Định) cho biết: Ngay khi bước vào năm học mới, trường đã tranh thủ “thời gian vàng” dạy trực tiếp khi dịch bệnh đang ổn định để tăng cường dạy chương trình chính khóa. Theo đó, trường thực hiện chương trình theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc và các hoạt động giáo dục khác để không gây quá tải, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình theo hướng mở đúng theo chỉ đạo của ngành với yêu cầu “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Hiện tại nhà trường đã chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến cho các khối lớp.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Sở GD và ĐT đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nhiệm vụ giáo dục trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 bảo đảm linh hoạt thực hiện mục tiêu kép. Đó là vừa đảm bảo hoàn thành chương trình, kế hoạch năm học; đồng thời bảo đảm an toàn cho giáo viên và học sinh theo phương châm “tạm dừng đến trường, nhưng không dừng học” theo bốn cấp độ của dịch bệnh. Để khắc phục những khó khăn, hạn chế của dạy học trực tuyến, Sở GD và ĐT đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên song song với việc triển khai áp dụng các phần mềm phù hợp, hiệu quả, phấn đấu tất cả các giáo viên, học sinh có thể tiếp cận và đáp ứng được dạy và học trực tuyến. Sở cũng chỉ đạo các trường đồng thời có kế hoạch kiểm tra, dạy bù, phụ đạo, củng cố kiến thức cho học sinh sau khi đi học trực tiếp trở lại để bảo đảm chất lượng; triển khai thực hiện đúng kế hoạch, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2021-2022. Hiện tại 100% trường học trong toàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19. 

Chủ động đổi mới dạy - học thực hiện thắng lợi mục tiêu năm học

Ngay khi bước vào năm học mới 2021-2022, toàn ngành GD và ĐT đã phát động phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”; đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá; đổi mới hoạt động giáo dục khác: các cuộc thi, hội thi để phù hợp tình hình dịch bệnh... Tại các cơ sở giáo dục, nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, thực hiện chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học của các môn học và các chủ đề dạy học thích hợp, liên môn… nhằm mang lại hiệu quả trong quản lý, giáo dục học sinh, đồng thời tạo sự chuyển biến về đổi mới căn bản phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Đặc biệt, để tạo tiền đề cho việc triển khai chương trình GDPT 2018 trong năm học 2021-2022, ngay khi sắp kết thúc năm học 2020-2021, Sở GD và ĐT đã tham mưu với UBND tỉnh một số nội dung để chuẩn bị cho năm học mới, đặc biệt những nội dung liên qua tới triển khai chương trình GDPT 2018. Sở GD và ĐT có văn bản hướng dẫn các Phòng GD và ĐT chỉ đạo các trường tiểu học, THCS chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018 đối với lớp 2, lớp 6: rà soát đội ngũ, chọn lựa, phân công giáo viên có năng lực, chuyên môn tốt giảng dạy lớp 2, lớp 6; rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, sắp xếp, sửa chữa tận dụng tối đa thiết bị dạy học hiện có để phục vụ triển khai chương trình GDPT 2018. Đến nay, các điều kiện về cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng yêu cầu tối thiểu để triển khai chương trình GDPT 2018. Các nhà trường đã tích cực truyền thông về nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đặc biệt về triển khai chương trình GDPT 2018 và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giáo dục và đào tạo; tăng cường phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh, các đoàn thể địa phương trong việc khuyến khích, hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có đủ điều kiện đến trường; rà soát, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trường học, trong đó tập trung các hạng mục công trình như phòng học, thư viện, bếp ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch; huy động các nguồn lực sửa chữa, bổ sung trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, bảo đảm khuôn viên, cảnh quan môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện; đảm bảo đủ nguồn cung cấp sách giáo khoa cho học sinh, không để xảy ra tình trạng thiếu sách, đặc biệt với lớp 2, lớp 6. Sau gần 2 tháng triển khai chương trình GDPT mới, tuy còn gặp không ít khó khăn như thiết bị dạy học còn nhiều khó khăn, hạn chế, không đồng bộ; việc học trực tuyến ở một số địa phương còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ đối với học sinh, nhất là học sinh các khối lớp 1, 2, tuy nhiên toàn ngành đã kiên trì, linh hoạt, chủ động và vận dụng sáng tạo các phương pháp giảng dạy, đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá, thi để thu hẹp khoảng cách giữa “học” và “hành”. Trong quá trình giảng dạy, đội ngũ giáo viên với kinh nghiệm sẵn có, kịp thời điều chỉnh, thiết kế các nội dung cho phù hợp nhằm tạo hứng thú cho học sinh mà vẫn đảm bảo yêu cầu của chương trình mới. Hiện tại, bước đầu các trường học đã bắt nhịp được với những thay đổi của chương trình GDPT, SGK mới.

Tin tưởng, với sự nỗ lực, quyết tâm, toàn ngành GD và ĐT sẽ nỗ lực “vượt khó” hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, giữ vững chất lượng giáo dục toàn diện./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com