Phụ huynh và học sinh chật vật khi học online

08:11, 16/11/2021

Đến nay đã qua 3 tuần học sinh các trường tiểu học ở thành phố Nam Định phải chuyển sang học trực tuyến. Tuy nhiên theo phản ánh ghi nhận tại các tin nhắn chat trên các nhóm zalo được phụ huynh gửi cho phóng viên cho thấy rất nhiều gia đình đang chật vật, đau đầu với việc học của con liên quan đến chất lượng mạng internet.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (thành phố Nam Định) học trực tuyến qua phần mềm Zoom.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (thành phố Nam Định) học trực tuyến qua phần mềm Zoom.

Chị Thu Hương ở phường Phan Đình Phùng (thành phố Nam Định) có con học lớp 4 của một trường trên địa bàn phàn nàn: Ngày nào con học cả nhà cũng náo loạn. Cứ chốc chốc con lại kêu “mẹ ơi con bị “out” rồi”. Có buổi học đến 4-5 lần. Hai tuần đầu con chỉ học hai môn Toán và Tiếng Việt nên dù có bị bật ra/vào liên tục con vẫn còn vớt vát chút thời gian để tương tác với cô giáo, nghe giảng bập bõm. Sang tuần thứ 3 con bắt đầu học đầy đủ các môn, mỗi buổi học xếp 2-3 môn nên thời gian mỗi tiết học ngắn lại. Thế mà có hôm con đăng nhập vào lớp màn hình cứ “quay tít” hoặc “đen xì” vì lỗi. Con mếu máo, mẹ thì sốt ruột. Cô giáo cũng nhắn tin băn khoăn không kém, đề nghị gia đình chuẩn bị thiết bị đầy đủ cho con trước giờ học. Tuy nhiên, chị cho biết, khi thấy ngành Giáo dục có phương án học trực tuyến, chị đã báo nhà cung cấp dịch vụ kiểm tra kỹ thuật đường truyền, thiết bị, tư vấn hỗ trợ… và đều khẳng định là rất tốt (!?). Ngày 10-11, trên nhóm chat zalo có tên Rongvang 4Axxx hàng chục tin nhắn của các phụ huynh nháo nhác hỏi nhau: “- mọi người vào được chưa? con em vẫn chưa vào được”. Rồi “- con em lại bị “out” rồi. Nửa tiếng 3 lần “out” thì còn học làm sao”. Cô giáo thì sốt ruột nhắn “- Đến giờ này cô vẫn chưa thấy bạn Đ, bạn X… vào lớp”. “- Hết 45 phút rồi còn chưa vào được lớp thì học hành gì nữa”… Sau đó nhiều phụ huynh lại rộn ràng chia sẻ kinh nghiệm dịch vụ nhà mạng này tốt, nhà mạng kia không tốt. Người thì bảo nên chuyển sang dùng Viettel; người thì nói “dùng VNPT cũng ok mà”. Có phụ huynh làm công chức thì than thở “không yên tâm làm được việc gì vì cứ thi thoảng con lại nhắn con bị “out” ra, con không vào lớp được(!), trong khi cuối năm công việc dồn lên”. Chị Trần Thị Thúy ở phường Văn Miếu cho biết: Ngày đầu học online, cả 2 đứa con của chị đều nháo nhác ôm máy chạy khắp tầng trên, tầng dưới để tìm sóng vì liên tục bị thoát khỏi phòng học Zoom. Gia đình chị dùng gói cước của VNPT với giá 165 nghìn đồng/tháng và yên tâm bởi đơn vị cung ứng dịch vụ cho biết tặng thêm 50% lưu lượng để đảm bảo việc học hành, làm việc trong thời điểm dịch bệnh. Gói cước này có tốc độ tối đa trong nước là 30Mbps; tốc độ truy cập internet đi quốc tế Upload và Download là trên 200Kbps, đảm bảo đường truyền hoạt động “mượt mà” ở quy mô gia đình khi sử dụng nhiều thiết bị truy cập internet để đọc sách, tìm kiếm tài liệu và xem phim, giải trí trong thời tiết bình thường. Chị được tư vấn đây là gói cước có tốc độ wifi phổ biến nhất trên các đường truyền cáp quang tại Việt Nam, được nhiều người dùng đăng ký sử dụng. Thế nhưng thực tế khi con chị học trực tuyến thời gian qua thì chất lượng không được như quảng cáo.

Làm việc với Công ty Viễn thông Nam Định (VNPT Nam Định), đơn vị cho biết đã triển khai nâng tốc độ đường truyền internet cáp quang lên 80M phục vụ công tác giảng dạy và học tập; hỗ trợ sim Data cho học sinh; hỗ trợ nền tảng dạy và học trực tuyến (VNPT-Elearning). Các doanh nghiệp viễn thông khác trên địa bàn tỉnh cũng đã đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng viễn thông, tăng dung lượng trên trạm 4G; tăng dung lượng dữ liệu data của nhiều gói cước thuê bao internet di động và thuê bao internet cố định lên 50% mà không tăng giá dịch vụ. Phủ sóng internet cho khu vực cách ly tập trung… Tuy nhiên khi các trường đồng loạt tổ chức học trực tuyến, nhiều cơ quan cũng tổ chức từng bộ phận làm việc online khiến nhu cầu sử dụng internet tăng đột biến (tăng bình quân 20%) so với bình thường tại cùng một thời điểm dẫn đến việc kết nối mạng chậm.

Các chuyên gia công nghệ thông tin của Sở TT và TT và đại diện các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn lý giải hiện tượng trên có nhiều nguyên nhân. Trong đó do nhu cầu sử dung lưu lượng đường truyền tăng đột biến và có quá nhiều mạng truyền dẫn internet cùng cung cấp dịch vụ trong không gian hẹp (chẳng hạn trong một xóm ngõ có nhà dùng dịch vụ của VNPT, nhà khác dùng của Viettel, FPT… Các gia đình lại đều phát sóng wifi) dẫn đến tình trạng nhiễu sóng, gây “nghẽn mạng” cục bộ. Chất lượng một số thiết bị truyền dẫn internet, nhất là thiết bị mà các nhà mạng lắp đặt miễn phí cho hộ gia đình không cao. Chưa kể nhiều nhà trang bị rất nhiều thiết bị nội thất thông minh kết nối internet như bóng đèn thông minh, camera giám sát, ổ cắm điện thông minh... chiếm một lượng lớn dung lượng đường truyền. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc kết nối internet bị chậm hơn. Bên cạnh yếu tố kỹ thuật liên quan đến chất lượng đường truyền thì thiết bị học tập của các em cũng là yếu tố quan trọng quyết định việc tiếp sóng có tốt hay không. Theo đó thiết bị sử dụng để dạy và học trực tuyến càng hiện đại thì tiếp nhận sóng internet càng nhanh; việc dùng đường truyền internet cố định sẽ ổn định hơn dùng sóng 3G, 4G và việc dùng máy vi tính (để bàn hay laptop) sẽ ổn định hơn điện thoại thông minh. Chưa kể người dùng máy tính cá nhân không để ý việc máy bị nhiễm virus, bởi virus có thể sử dụng tín hiệu đường truyền internet và tài nguyên hệ thống cho mục đích khác khiến cho tốc độ kết nối mạng của máy bị chậm. Thêm vào đó, việc học tập bằng phần mềm Zoom (phần mềm được sử dụng phổ biến để dạy và học trực tuyến) cũng đòi hỏi các giáo viên và học sinh có kỹ năng cơ bản xử lý tình huống để nâng cao hiệu quả sử dụng phần mềm.

Về phía ngành quản lý, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông chủ động thực hiện các giải pháp kỹ thuật nâng cao chất lượng đường truyền, đáp ứng yêu cầu làm việc, học tập của người dân trong tỉnh; đẩy mạnh việc tư vấn phương án đường truyền gói dịch vụ phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân; hỗ trợ cước, tăng lưu lượng đường truyền cho thuê bao trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Doanh nghiệp viễn thông chủ động hỗ trợ người dân thay đổi thiết bị đầu cuối, nâng cấp khắc phục chất lượng sóng wifi; ngoài ra tùy theo gói cước và địa hình nhà ở, khách hàng nên trang bị bộ kích sóng wifi để đảm bảo chất lượng nếu nhà có nhiều phòng và các con học trong phòng khác nhau cách xa thiết bị nguồn. Các gia đình có con học trực tuyến chủ động kiểm tra lưu lượng đường truyền nhà mạng cung ứng bằng ứng dụng speedtest.net để kiểm soát, khắc phục những nguyên nhân khiến đường truyền bị chậm như: Nâng cấp thiết bị kết nối wifi mới; ngắt kết nối wifi của những thiết bị khi chưa cần dùng tới, áp dụng “chế độ ưu tiên” dung lượng đường truyền cho việc học online để đảm bảo việc học tập trực tuyến của con cái diễn ra thuận lợi; tuân thủ các quy tắc lắp đặt bộ phát sóng đúng hướng dẫn để wifi hoạt động hiệu quả nhất. Cá nhân người dùng không nên truy cập vào nhiều website, mở nhiều ứng dụng trên internet cùng một lúc. Các thầy cô giáo, học sinh chú ý tìm hiểu rõ các tính năng của phần mềm sử dụng và cách khắc phục những lỗi thường gặp. Đặc biệt với lỗi bị “văng” ra khỏi “phòng học” trong khi lớp vẫn đang hoạt động bình thường, theo các chuyên gia cách khắc phục nhanh nhất là ngắt kết nối mạng internet và sau đó kết nối lại. Trong trường hợp thiết bị bắt sóng được nhiều mạng thì người sử dụng nên thử kết nối với một mạng khác; kiểm tra nguồn điện của các thiết bị và xóa bớt dữ liệu không cần thiết tự động tích hợp trong quá trình sử dụng phần mềm.

Trước diễn biến dịch bệnh COVID-19 phức tạp như hiện nay, việc học trực tuyến có thể sẽ phải kéo dài. Các nhà cung cấp dịch vụ, nhà trường và các gia đình cần phối hợp thực hiện các giải pháp đồng bộ để đảm bảo chất lượng việc học online. Trong đó các nhà cung cấp dịch vụ cần chia sẻ khó khăn với phụ huynh, tăng cường nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đường truyền, tổ chức tốt dịch vụ chăm sóc khách hàng đúng tinh thần “khách hàng là thượng đế”, “khách hàng là người mang đến lợi nhuận”. Các nhà trường, giáo viên cần kịp thời nắm bắt các vấn đề phát sinh về kỹ thuật trong việc dạy trực tuyến để phối hợp với nhà cung cấp và phụ huynh học sinh sớm khắc phục. Tập huấn kỹ kiến thức về công nghệ thông tin, trang bị các “công cụ” cần thiết để giáo viên xử lý khi có sự cố kỹ thuật giờ học online./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com