Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em

08:11, 17/11/2021

Toàn tỉnh hiện trên 463 nghìn trẻ em, chiếm 26% dân số. Những năm qua, các ngành, các địa phương trong tỉnh thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về lao động trẻ em; giám sát, kiểm tra công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, qua đó phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. 

Trẻ em trải nghiệm nghề nặn tò he thủ công truyền thống tại Bảo tàng tỉnh.
Trẻ em trải nghiệm nghề nặn tò he thủ công truyền thống tại Bảo tàng tỉnh.

Để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng về công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, các ngành, các địa phương trong tỉnh thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú như: tổ chức hội thảo, tập huấn, lồng ghép trong các buổi học ngoại khóa ở các trường học. Từ đầu năm đến nay, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện trên 1.300 chương trình phát thanh tuyên truyền và bảo vệ trẻ em, biểu dương các điển hình tập thể, cá nhân trong lĩnh vực bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em ở cơ sở… Các cơ quan truyền thông: Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng các chuyên trang, chuyên đề về chăm sóc, bảo vệ trẻ em, phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Xác định các nhóm trẻ do hoàn cảnh gia đình khó khăn, có nguy cơ bỏ học phải lao động, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan, doanh nghiệp, các quỹ xã hội; tăng cường các hoạt động tặng quà, thăm hỏi, hỗ trợ, trao học bổng cho học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó... Trong 6 tháng đầu năm 2021, Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp đã vận động được gần 2,4 tỷ đồng; Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã trao tặng 65 suất học bổng, 200 suất quà đồ dùng học tập cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập... Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện triển khai đồng bộ công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Xã Quang Trung (Vụ Bản) có nghề rèn truyền thống tập trung ở thôn Giáp Nhất. Với đặc thù quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tận dụng nhân lực sẵn có của gia đình nên trước đây, nhiều trẻ em sau giờ học được bố mẹ huy động phụ việc. Nhằm khắc phục tình trạng này, UBND xã đã tập trung tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh trong các cuộc họp của xã, các ngành, đoàn thể và các xóm và cử cán bộ xã trực tiếp đến các gia đình phổ biến nội dung cơ bản của Luật Trẻ em; không bắt trẻ em làm việc nặng nhọc, nguy hiểm; qua đó nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em... Các nhà trường trong xã cũng tổ chức các diễn đàn để trẻ em bày tỏ tâm tư, nguyện vọng về quyền được học tập, bảo vệ, chăm sóc và có cơ hội phát triển toàn diện... Triển khai các biện pháp đồng bộ, hiệu quả, đến nay, xã Quang Trung được công nhận xã phù hợp với trẻ em. Xã Nam Thanh (Nam Trực) hiện có 2.570 trẻ từ 0-16 tuổi, trong đó có 1.015 trẻ từ 0-6 tuổi. Với đặc thù có nhiều làng nghề dệt ở thôn Thượng Lao, Trung Thắng, Phú Cường, Quần Trà; nghề đúc kim loại thôn Bình Yên, nghề thuỷ tinh mỹ nghệ thôn Xối Trì, nghề thợ nề thôn Xối Tây, Thượng Lao… xã Nam Thanh cũng đối mặt với nhiều thách thức về đảm bảo môi trường sống cho trẻ em, tiềm ẩn nguy cơ trẻ em phải lao động nặng nhọc… Để giải quyết “bài toán” trên, cùng với xây dựng các phương án bảo vệ môi trường làng nghề, xã đã tập trung tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh các nội dung cơ bản của Luật Trẻ em; những tác hại khi để trẻ em làm việc tiếp xúc với chất độc hại… Nhờ đó, thời gian qua trên địa bàn xã không có trường hợp để trẻ làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại, không có trẻ em phải bỏ học, vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội. Các gia đình trong xã luôn quan tâm, ưu tiên cho con em học tập, tạo môi trường an toàn, thân thiện, lành mạnh, thuận lợi cho trẻ được phát triển toàn diện. Ở thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) có trên 3.600 trẻ từ 0-16 tuổi. Ở các khu dân cư, nhất là ở các địa bàn phức tạp, cán bộ Ban công tác Mặt trận đã phát huy vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động người dân sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, nắm bắt thông tin để kịp thời tham mưu cho cấp ủy có những giải pháp trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn. Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và các ban, ngành liên quan phối hợp với lực lượng Công an phát động phong trào thực hiện các mô hình phòng, chống tội phạm, ký giao ước thi đua không để con em, người thân trong gia đình vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội. Công an thị trấn phối hợp với các trường tiểu học, THCS của thị trấn lồng ghép nội dung giáo dục về “Phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em”, phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trong các giờ chào cờ đầu tuần, sinh hoạt ngoại khoá. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân trong thị trấn về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, huy động cộng đồng tham gia phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ xâm hại, bạo lực trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh. Nhờ vậy, nhiều năm thị trấn không có trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực, phải lao động nặng nhọc...

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 28-7-2021 về thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, các ngành chức năng, các địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả luật pháp, chính sách về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Tăng cường truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em cho chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức, người sử dụng lao động, cha mẹ, người chăm sóc trẻ, trẻ em... Triển khai có hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo; hỗ trợ lao động trẻ em, trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em và xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm. Vận động các nguồn lực, huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và cá nhân trong phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com