Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, cùng lúc ngành GD và ĐT phải thực hiện 2 mục tiêu: Vừa tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 để đảm bảo an toàn về sức khỏe cho giáo viên, học sinh vừa thực hiện công tác chuyên môn. Các cơ sở giáo dục đã có nhiều ý tưởng sáng tạo, linh hoạt trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch, vận động cán bộ, giáo viên, học sinh nhanh chóng thích ứng với hoàn cảnh để thực hiện tốt cả hai nhiệm vụ.
Trường Mầm non Mỹ Xá (thành phố Nam Định) tổ chức phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên trường chuẩn bị đón học sinh đến học. |
Toàn ngành GD và ĐT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 bằng nhiều hình thức với các nội dung phù hợp, hiệu quả như: Tích hợp việc tuyên truyền phòng chống dịch trong nội dung chương trình bộ môn, các hoạt động liên môn; phát động các cuộc thi viết về những tấm gương điển hình có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; sáng tác văn, thơ, hò, vè, nhật ký... tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch COVID-19; sáng tạo các sản phẩm ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp sáng tạo trong dạy - học trực tuyến hiệu quả… Tại Trường Tiểu học Kim Thái (Vụ Bản) học sinh các khối lớp 3, 4, 5 đã sáng tác được 20 bài thơ, vè và 28 tranh vẽ, ảnh chụp... công phu thể hiện suy nghĩ độc đáo, sáng tạo của các em về công tác phòng, chống dịch bệnh; lưu giữ những kỷ niệm trong thời gian nghỉ học để phòng chống COVID-19; những cố gắng của thầy trò trong việc dạy học trực tuyến để đảm bảo chương trình, chất lượng dạy học và giáo dục. Đối với khối THPT, học sinh đã lớn, các nhà trường đã chỉ đạo giáo viên lồng ghép, tích hợp các nội dung phù hợp về công tác phòng chống dịch bệnh vào các bài giảng. Tại Trường THPT Ngô Quyền (thành phố Nam Định), chủ đề về phòng chống dịch COVID-19 được giáo viên “tích hợp” vào một số môn Sinh học, Giáo dục công dân, Địa lý, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử..., hoặc các hoạt động trải nghiệm, các giờ sinh hoạt lớp, qua đó cung cấp cho học sinh các kiến thức, hiểu biết, cách nhận biết về dấu hiệu, triệu chứng bệnh và cách phòng tránh dịch bệnh COVID-19... để các em chủ động phối hợp với gia đình, nhà trường vừa bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa lây nhiễm dịch, vừa hoàn thành nhiệm vụ học tập. Nhóm học sinh lớp 11A6 Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) xây dựng và tổ chức thực hiện dự án liên môn tiếng Anh và Sinh học với chủ đề “COVID-19 - thái độ và hành động của chúng ta” dưới sự hướng dẫn của thầy giáo chủ nhiệm Trịnh Minh Nghĩa (phụ trách môn Sinh học) và cô giáo Đào Thị Thủy Chung (phụ trách bộ môn tiếng Anh). Qua dự án đã cho thấy sự cố gắng, nỗ lực của thầy cô và các em học sinh sáng tạo một sản phẩm truyền thông độc đáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Ngoài việc phát triển cho học sinh những năng lực cần thiết như: năng lực giải quyết vấn đề, năng lực làm việc nhóm, năng lực thống kê, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin..., dự án còn chia sẻ thông điệp sâu sắc “Hãy chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh” bằng việc kêu gọi mọi người phải đeo khẩu trang, giữ gìn khoảng cách tiếp xúc, tăng cường sức khỏe để bảo vệ bản thân... Tại Trường Tiểu học Hải Anh (Hải Hậu), nhật ký “Những ngày không đến lớp” của cô giáo Lê Thị Yến nói về công việc hàng tuần, hàng ngày của cô gắn với các hoạt động của nhà trường trong công tác phòng, chống dịch và những sáng tạo trong dạy học online. Những việc làm của cô và nhà trường trong những ngày phải nghỉ giãn cách phòng dịch; cảm xúc khi phải xa trò, xa trường lớp, mong muốn được đứng trên bục giảng hay những cảm nhận về một “Lớp học không khoảng cách” khi cô và trò cùng tương tác để học trực tuyến… trong “Nhật ký những ngày không đến lớp” được chia sẻ không chỉ lưu lại những kỷ niệm của quãng thời gian không thể quên đối với cả cô và trò, nhưng cô luôn cảm thấy vui, vì dù xa học sinh, nhưng cô vẫn đem đến mà còn giúp động viên đồng nghiệp, học sinh cùng nhau vượt qua khó khăn. Cô tâm sự: “Qua thời gian tạm dừng đến trường và chuyển sang dạy trực tuyến để phòng chống dịch COVID-19, tôi và đồng nghiệp đều nhận thức trách nhiệm phải nỗ lực, linh hoạt thích ứng an toàn trong tình hình mới, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để khẳng định năng lực của mình. Bằng nhiệt huyết và lòng yêu nghề tiếp tục viết lên những trang nhật ký đẹp trong sự nghiệp trồng người”...
Tại các cơ sở giáo dục, chủ đề Corona virus được đưa vào nội dung kiểm tra các môn Giáo dục công dân, môn Ngữ văn với các yêu cầu đánh giá sự quan tâm, nhận biết của học sinh về một vấn đề xã hội lớn và cách giải quyết của các em. Có nhà trường tổ chức cho học sinh viết bài nghị luận, thuyết trình bài thu hoạch cá nhân về chủ đề phòng, chống dịch COVID-19; qua đó hướng các em quan tâm đến những vấn đề xã hội quan trọng trong vai trò của công dân với cộng đồng, nhân loại, tạo thói quen tìm hiểu các chính sách pháp luật có liên quan...
Việc đa dạng, linh hoạt các hoạt động tuyên truyền với nhiều ý tưởng sáng tạo với các hình thức phong phú, dễ tiếp cận của ngành và các cơ sở GD và ĐT đã thể hiện sự nỗ lực, trách nhiệm của toàn ngành trong công cuộc phòng, chống COVID-19. Điều này có tác dụng rất lớn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở giáo dục và lan tỏa các giá trị truyền thống tốt đẹp của ngành GD và ĐT; thúc đẩy việc thích ứng linh hoạt, sáng tạo của cán bộ, giáo viên và học sinh trong bối cảnh mới, góp phần cùng các cấp, các ngành thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “kép” vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội./.
Bài và ảnh: Minh Thuận