Liên kết 4 nhà là chuỗi liên kết giữa Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông nhằm đảm bảo lợi ích, tăng cường trách nhiệm của mỗi bên, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững.
HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ Trung Hiếu, xã Nam Điền (Nghĩa Hưng) liên kết với doanh nghiệp, nhận bao tiêu sản phẩm làm từ cói cho hội viên nông dân. |
Thực hiện liên kết 4 nhà, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp; phối hợp bồi dưỡng, trang bị kiến thức về tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, nhất là chủ trang trại, gia trại; tổ chức đoàn nghiên cứu, học tập mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi tại tỉnh Ninh Bình; cử cán bộ, hội viên nông dân tham quan mô hình áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng…; phối hợp mời các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành trao đổi thông tin, kinh nghiệm thực tiễn về các mô hình cây trồng, con nuôi có hiệu quả đã và đang được triển khai trên cả nước, chia sẻ những kiến thức về khởi nghiệp trong cách mạng công nghiệp 4.0. Trong ba năm qua, các cấp Hội đã trực tiếp và phối hợp tổ chức gần 600 buổi tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho gần 55 nghìn lượt hội viên, nông dân; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. HND tỉnh còn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ cho trên 200 cán bộ HND các cấp, tổ trưởng tổ hợp tác, hộ sản xuất, kinh doanh giỏi; tổ chức hội thảo giới thiệu các tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy hải sản trên địa bàn tỉnh cho cán bộ, hội viên nông dân là thành viên tiêu biểu của tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp của 3 huyện tuyến biển Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng; phối hợp triển khai dự án “Xây dựng mô hình liên kết chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nuôi trồng thủy, hải sản vùng ven biển tỉnh Nam Định”. Việc ứng dụng khoa học công nghệ đã thay đổi phương thức sản xuất theo hướng tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất; chuyển đổi cơ cấu sang các giống cây, con có giá trị kinh tế cao, hạn chế dịch bệnh. Hội viên nông dân đã tham gia xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung với 382 mô hình “Cánh đồng lớn” với tổng diện tích trên 20 nghìn ha cho hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh đã tập trung hỗ trợ phát triển các HTX, tổ hợp tác và các trang trại, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX tham gia các dự án sản xuất liên kết theo mô hình chuỗi giá trị. Các cấp HND trong tỉnh đã chú trọng nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, vận động nông dân tích tụ ruộng đất để liên kết với doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung. Đến nay, đã có 20 HTX ứng dụng công nghệ cao, hàng trăm HTX nông nghiệp thực hiện liên kết với doanh nghiệp trong cung ứng và tiêu thụ nông sản cho các hộ thành viên, trong đó có trên 100 HTX tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Tiêu biểu như HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, xã Hải An (Hải Hậu) với mô hình sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị gạo đặc sản tám xoan bao tử. HTX được tổ chức Agritera của Hà Lan hỗ trợ kết nối với Công ty Shanshes tại Hà Nội thành lập Công ty Cổ phần Hải Hậu Oganic; hỗ trợ chuyên gia giúp đỡ xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh gạo hữu cơ; xây dựng thương hiệu gạo tám xoan bao tử sản xuất theo quy trình hữu cơ; đăng ký chất lượng, quyền sở hữu trí tuệ, làm bao bì nhãn mác. Đến nay, sản phẩm gạo tám xoan bao tử của HTX đã tạo được thương hiệu trên thị trường, được tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Toàn tỉnh cũng đã xây dựng được trên 30 chuỗi liên kết sản xuất nông sản hàng hóa; trong đó có 10 mô hình điểm liên kết chuỗi giá trị được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đó là mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu gạo Nam Định giữa Công ty TNHH Toản Xuân, Công ty TNHH Cường Tân với các hộ nông dân; chuỗi liên kết sản xuất chế biến nông sản sấy của Công ty Minh Dương; chuỗi liên kết chế biến hải sản sau thu hoạch của Công ty Hùng Vương; mô hình tổ hợp tác liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cá bống bớp nuôi trên diện tích 200ha ở huyện Nghĩa Hưng; mô hình liên kết chăn nuôi tiêu thụ thịt lợn sạch Minh Long; chuỗi liên kết chăn nuôi - chế biến - tiêu thụ sản phẩm thịt lợn sạch giữa Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Biển Đông với các trang trại, các hộ chăn nuôi có quy mô lớn... Thực tế cho thấy, trong liên kết 4 nhà, những người nông dân được hưởng nhiều lợi ích như được tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất; hỗ trợ chính sách, nguồn vốn và định hướng cây trồng từ Nhà nước; được nhà doanh nghiệp hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, thu mua với giá cả ổn định. Sự liên kết chặt chẽ này đã từng bước nâng cao giá trị nông sản, giúp các sản phẩm tiếp cận và đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Đến nay, đã có 146 sản phẩm của hội viên, nông dân được đánh giá, xếp hạng OCOP 3 sao, 4 sao.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài gây nhiều khó khăn, thách thức đối với sự phát triển ngành nông nghiệp; chi phí đầu vào sản xuất tăng cao trong khi giá bán sản phẩm nông, thủy sản hầu hết đều giảm đã làm gián đoạn, đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng, vận chuyển tiêu thụ nông sản, vì vậy, liên kết 4 nhà càng có ý nghĩa quan trọng, cần được củng cố chặt chẽ hơn nữa qua đó tiếp tục giúp cho người nông dân nâng cao giá trị nông sản sản xuất, tăng thu nhập./.
Bài và ảnh: Lam Hồng