Ngành Giáo dục thực hiện chuyển đổi số để nâng cao chất lượng dạy, học

08:11, 11/11/2021

Nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số và cơ hội học tập trong bối cảnh đại dịch COVID 19, trung tuần tháng 9, ngay khi bước vào năm học mới 2021-2022, Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) đã tổ chức tập huấn sử dụng các nền tảng công nghệ và nguồn học liệu dạy trực tuyến cho cán bộ, giáo viên nhà trường. Chẳng hạn bộ môn Toán giáo viên được giới thiệu cách sử dụng phần mềm SCRB - công cụ viết bảng trong giảng dạy môn Toán. Với phần mềm này, giáo viên có thể sử dụng thước kẻ, viết và vẽ hình học cơ bản, làm cho bài giảng trực tuyến trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Bộ môn Vật lý có phần mềm OLM có chức năng tạo đề thi thông minh, đăng tải và sử dụng các video có điểm dừng, livestream lớp học trên OLM qua phần mềm zoom, qua đó rất nhiều tính năng, ưu thế của OLM đã được khai thác nhằm phục vụ hiệu quả cho công tác dạy và học trực tuyến. Bộ môn Tiếng Anh giới thiệu và hướng dẫn sử dụng phần mềm Azota - nền tảng tạo đề thi, bài tập online, giúp giáo viên giao bài, chấm, trả bài trực tuyến và có thể thống kê kết quả, theo dõi quá trình học tập của học sinh; đồng thời phần mềm còn cung cấp nguồn học liệu vô cùng phong phú theo các chủ đề môn học... Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện với chủ đề: “Chuyển đổi số và cơ hội học tập suốt đời trong bối cảnh đại dịch COVID-19” của nhà trường, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học, hướng tới giáo dục thông minh.

Một giờ thực hành tin học ở Trường Tiểu học Văn Cao (Vụ Bản).  Bài và ảnh: Minh Thuận
Một giờ thực hành tin học ở Trường Tiểu học Văn Cao (Vụ Bản).

Đối với giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (thành phố Nam Định), những ngày này, hình ảnh dạy, học trực tuyến với cô - trò cùng tương tác đã trở lên quen thuộc khi trước diễn biến mới nhất của dịch COVID-19, nhiều trường học trên địa bàn thành phố (trong đó toàn bộ cấp tiểu học) phải tạm nghỉ đến trường để phòng, chống dịch. Chỉ với thiết bị có kết nối internet như máy tính bàn, laptop, điện thoại thông minh… được cài đặt phần mềm zoom trực tuyến, cô, trò đã có thể thực hiện các giờ học khá sinh động, hiệu quả. Qua những ngày đầu bỡ ngỡ, việc ứng dụng CNTT để dạy và học qua đã không còn quá khó khăn đối với cô, trò nhà trường trong việc bắt nhịp với nội dung bài học.

Tầm quan trọng, hiệu quả của việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong các hoạt động giáo dục đang ngày càng được khẳng định bằng thực tiễn và trở thành xu thế tất yếu của giáo dục hiện đại. Đặc biệt, trước tình hình đại dịch COVID-19, việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giảng dạy và học tập đã và đang được ngành GD và ĐT tích cực triển khai nhằm nâng cao chất lượng dạy và học tại các nhà trường một cách linh hoạt, chủ động. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số đang được Sở GD và ĐT quan tâm đầu tư. Hiện tại, cơ quan Sở GD và ĐT và 100% đơn vị trực thuộc Sở, 10 Phòng GD và ĐT huyện, thành phố đã triển khai Cổng thông tin điện tử theo mô hình tập trung. Hầu hết các trường ở các cấp học trong tỉnh đã được trang bị phòng máy tính, máy chiếu tương đối đầy đủ phục vụ cho việc giảng dạy và học tập; nhiều phần mềm hỗ trợ công tác quản lý, dạy học được áp dụng rộng rãi. Công tác tin học hóa hoạt động quản lý được triển khai trên diện rộng theo hướng sử dụng các hệ thống phần mềm quản lý trực tuyến, tập trung nhằm tăng hiệu quả quản lý, tiết kiệm chi phí đầu tư và nhân lực. Ngành GD và ĐT đã hoàn thiện xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành GD và ĐT kết nối liên thông với phần mềm quản lý nhà trường và phần mềm CSDL ngành của Bộ GD và ĐT. Hiện có 95,1% trường học đã kết nối phần mềm quản lý nhà trường với CSDL ngành; 100% trường phổ thông triển khai sổ điểm điện tử; bước đầu tiến hành chuyển đổi số một trong số nội dung (báo cáo, đề kiểm tra định kỳ, giải quyết các thủ tục hành chính mức độ 3, 4). Khối các trường tiểu học đã có 7.086 máy vi tính phục vụ quản lý và học tập; các trường đã tổ chức dạy môn Tin học cho các lớp 3, 4, 5 theo tinh thần chỉ đạo tại Công văn số 3031/2017/BGDĐT-GDTH của Bộ GD và ĐT. Tại các trường THCS, THPT hiện đã có 431 phòng thực hành Tin học với số lượng 7.540 máy phục vụ dạy học đang sử dụng tốt và 2.399 máy vi tính phục vụ công tác quản lý; trong đó cấp THCS có 298 phòng với 4.751 máy tính phục vụ dạy học và 1.698 máy tính phục vụ công tác quản lý; cấp THPT có 133 phòng với 2.789 máy tính phục vụ dạy học và 701 máy tính phục vụ công tác quản lý. 100% trường THCS và THPT đã tạo tài khoản cho giáo viên trên ứng dụng “Trường học kết nối”, nghiêm túc chỉ đạo tổ, nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên môn tiến hành trực tuyến, thảo luận chuyên đề. Các cơ sở giáo dục tăng cường sử dụng các mô hình dạy học kết hợp giữa lớp học truyền thống và lớp học trực tuyến, khuyến khích giáo viên hỗ trợ việc học tập của học sinh trên nền tảng CNTT có sẵn, ứng dụng CNTT trong quản lý kết quả học tập của học sinh; sử dụng hình thức trực tuyến trong tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT, thi Olympic các môn học, phê duyệt giáo án, đánh giá bồi dưỡng thường xuyên đối với tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn và giáo viên khối trực thuộc. 100% các đơn vị giáo dục đã triển khai sử dụng phần mềm quản lý văn bản điện tử, sử dụng sổ điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử để trao đổi thông tin liên lạc giữa nhà trường và gia đình học sinh, kết nối với phụ huynh qua các trang website của trường. Việc ứng dụng CNTT trong công tác thi cử hoặc tuyển sinh đầu cấp học cũng được thực hiện hiệu quả. Nhiều đơn vị ứng dụng hiệu quả CNTT vào dạy và học như các trường: Mầm non Hải Châu (Hải Hậu), Tiểu học Phạm Hồng Thái (thành phố Nam Định); THCS Trần Đăng Ninh (thành phố Nam Định), THCS Hải Phương (Hải Hậu), THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT Hải Hậu A (Hải Hậu), THPT Lý Tự Trọng (Nam Trực), THPT Tống Văn Trân (Ý Yên)… Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong với đội ngũ giáo viên trẻ giỏi chuyên môn, luôn chủ động, sáng tạo, ứng dụng CNTT để đổi mới phương pháp, phát huy năng lực của người học trong thời đại số và tích cực tham gia “Cộng đồng giáo viên sáng tạo”. Năm học 2021-2022, trước thách thức của đại dịch COVID-19, nhà trường đã xây dựng Kế hoạch Ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, thống nhất lấy Workplace 365 là platform (nền tảng) cho 80% hoạt động có yếu tố số hóa của nhà trường bên cạnh các ứng dụng khác của ngành Giáo dục. Nhà trường cũng đang lập kế hoạch chuyển đổi số dài hơi hơn trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn năm 2030 để xây dựng một trường học thông minh vươn tầm khu vực, quốc tế... 

Việc ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số trong dạy và học đã và đang trở thành một trong những hoạt động thiết yếu, duy trì sự tương tác giữa thầy và trò trong các nhà trường. Qua đó, tạo nền tảng góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình thực hiện chuyển đổi số trong ngành GD và ĐT toàn tỉnh, linh hoạt thích ứng với tình hình dịch COVID-19 để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com