Khắc phục khó khăn của các trung tâm học tập cộng đồng

08:11, 16/11/2021

Toàn tỉnh hiện có 225 trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) ở các xã, phường và thị trấn. Từ thực tế hoạt động, trong những năm qua, các trung tâm đã tạo điều kiện tốt cho người dân trong tỉnh, nhất là lao động không có điều kiện học chính quy và những người nghèo, những người trong các nhóm yếu thế có cơ hội học tập, nâng cao tri thức, kỹ năng góp phần xây dựng “Xã hội học tập”.

Người dân thôn An Nông, xã Nam Tiến (NamTrực) tìm hiểu kiến thức tại nhà văn hoá của thôn.
Người dân thôn An Nông, xã Nam Tiến (NamTrực) tìm hiểu kiến thức tại nhà văn hoá của thôn.

Nhờ các trung tâm học tập cộng đồng, nhiều người dân đã được tiếp cận, thụ hưởng các chương trình bồi dưỡng nâng cao hiểu biết, kỹ năng lao động sản xuất từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong năm học 2020-2021, toàn tỉnh đã có 137.052 lượt người tham gia học tập ở 1.192 lớp học tập các chuyên đề thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, y tế, pháp luật; chăm sóc sức khoẻ phụ nữ, trẻ em; thực hiện an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội... Một số trung tâm HTCĐ còn kết hợp giữa phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa với hoạt động của Hội Khuyến học trong khuyến học, khuyến tài, khuyến khích xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”; chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, vấn đề giới và bình đẳng giới, xây dựng gia đình hạnh phúc; tổ chức các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao người cao tuổi; tăng cường vốn sống, kỹ năng sống cho đối tượng vị thành niên…, tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn đã giúp cho việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của tỉnh. Các trung tâm HTCĐ cũng đã góp phần quan trọng trong việc duy trì kết quả xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau biết chữ cho những người trong độ tuổi lao động, nâng cao tỷ trọng và tỷ lệ phổ cập tiểu học của các địa phương, nhất là các huyện ven biển. Hoạt động của các trung tâm HTCĐ đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng hoạt động và nhân rộng mô hình. Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo về mức độ hoạt động; bộ máy quản lý, tổ chức hoạt động, huy động sự tham gia của xã hội… của các trung tâm HTCĐ trong tỉnh trong năm học vừa qua, có 19 trung tâm được xếp loại xuất sắc, 127 trung tâm xếp loại tốt, 73 trung tâm xếp loại khá, 7 trung tâm xếp loại trung bình.

Bên cạnh kết quả đạt được, trên thực tế hoạt động của các trung tâm HTCĐ vẫn đang gặp không ít khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất, cơ chế và kinh phí hoạt động, đội ngũ cán bộ. Hầu hết các trung tâm chưa có trụ sở riêng và đều tận dụng sử dụng cơ sở vật chất hiện có của xã như hội trường, nhà văn hóa xã. Trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của các trung tâm phần lớn đều ít, xuống cấp, khai thác kém hiệu quả; tài liệu phục vụ học tập theo các chuyên đề đều thiếu. Những địa phương có nguồn ngân sách khá thì trung tâm HTCĐ được hỗ trợ thêm kinh phí để tổ chức các lớp học, nhưng cũng chỉ đủ để trả thù lao cho giáo viên chứ không thể đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và liên kết mở rộng ngành nghề... Trong khi đó, nhu cầu được tiếp cận với các kiến thức khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất, chăn nuôi của người dân là rất lớn. Hàng năm, mỗi xã, phường, thị trấn hỗ trợ cho trung tâm từ 10-15 triệu đồng, nên không đủ để chi trả mọi hoạt động hay mua sắm tài liệu và trang thiết bị. Về đội ngũ, toàn tỉnh hiện có 2.014 cán bộ quản lý, giáo viên biệt phái, nhân viên, cộng tác viên, trong đó có 678 cán bộ quản lý, 206 giáo viên biệt phái, 1.130 cộng tác viên chủ yếu công tác trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp, quân sự, công an… Từ năm 2020 đến nay, do tác động của dịch COVID-19 nên việc triển khai mở các lớp bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, báo cáo viên của các trung tâm gặp nhiều khó khăn, chưa được thường xuyên và còn theo thời vụ. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở và cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của trung tâm HTCĐ nên chưa tích cực quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo. Hình thức tổ chức học tập ở một số nơi còn đơn điệu, nội dung chưa thực sự phù hợp với nhu cầu người học. Nhiều trung tâm còn lúng túng, khó khăn trong việc xác định nội dung, phương thức hoạt động nên số người đi học chưa nhiều, hiệu quả đạt được thấp.

Để các trung tâm HTCĐ phát triển bền vững, có hiệu quả, các ngành chức năng, các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và người dân hiểu sâu hơn về tầm quan trọng của việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời; tổ chức khảo sát nhu cầu học tập của người dân đề xuất với trung tâm. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền để chăm lo việc học cho người dân và nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm HTCĐ. Các trung tâm cần đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm các điều kiện để hoạt động, trong đó chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, nắm bắt nhu cầu học tập của người dân, để xây dựng kế hoạch hoạt động, đáp ứng yêu cầu “cần gì học nấy” và sát với thực tế qua đó để Trung tâm HTCĐ thực sự trở thành nơi sinh hoạt hữu ích, góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com