Huyện Vụ Bản thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa

07:11, 24/11/2021

Huyện Vụ Bản có 3.613 gia đình và cá nhân thuộc diện chính sách người có công, trong đó có 7 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 1 cán bộ tiền khởi nghĩa, 1.027 thương binh, 670 bệnh binh, hơn 872 thân nhân liệt sĩ… Những năm qua, huyện luôn quan tâm đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, huy động các nguồn lực, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo, giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

Lãnh đạo huyện Vụ Bản tặng quà gia đình chính sách nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2021).
Lãnh đạo huyện Vụ Bản tặng quà gia đình chính sách nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2021).

Các ngành chức năng, các xã, thị trấn đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công, nhất là những quy định mới ban hành; các cơ quan hữu quan thực hiện đúng, đủ, chu đáo, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công như: cấp thẻ bảo hiểm y tế, thực hiện chế độ điều dưỡng, chế độ cấp trang thiết bị dụng cụ chỉnh hình cho thương binh, lập hồ sơ ưu đãi về giáo dục, đào tạo nghề cho con em gia đình chính sách… Năm 2020, Phòng LĐ-TB và XH đã thực hiện chế độ điều dưỡng cho 1.819 đối tượng chính sách và chi trả chi phí dụng cụ chỉnh hình cho 55 người có công theo quy định của Nhà nước. Trong 6 tháng đầu năm 2021, cùng với việc thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên cho các đối tượng chính sách, Phòng LĐ-TB và XH huyện phối hợp với các ngành liên quan giải quyết kịp thời chế độ mai táng phí cho 150 đối tượng người có công. Bên cạnh đó, Phòng LĐ-TB và XH thẩm định hồ sơ và đề nghị Sở LĐ-TB và XH giải quyết chế độ ưu đãi cho hàng trăm học sinh, sinh viên là con người có công. Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ “Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở”, đến nay, toàn huyện có 881 hộ được hỗ trợ, trong đó 391 hộ xây mới, 490 hộ sửa chữa. Cùng với chính sách ưu đãi của Nhà nước, phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” được cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện tích cực tham gia với những hoạt động cụ thể, thiết thực như: Nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, đóng góp xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ủng hộ nạn nhân chất độc da cam”, “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”… Hàng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), huyện tổ chức chuyển quà của Chủ tịch nước, quà của tỉnh và quà của huyện cho hàng nghìn lượt người có công, thân nhân người có công. Lãnh đạo huyện và 18 xã, thị trấn tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà, động viên các thương, bệnh binh, gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn. Công tác quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng tôn tạo đài tưởng niệm, nhà bia, nghĩa trang liệt sĩ được chính quyền và nhân dân đặc biệt quan tâm. Từ năm 2020 đến nay, nhiều địa phương thực hiện dự án tu sửa nghĩa trang liệt sĩ xã như: Tân Khánh, Trung Thành, Minh Tân... Nhằm tri ân công lao, đóng góp của các anh hùng liệt sĩ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, năm 2016, Đền thờ Liệt sĩ huyện Vụ Bản được xây dựng tại thị trấn Gôi trên diện tích khoảng 4.687m2 với tổng đầu tư gần 32 tỷ đồng; năm 2019 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đáp ứng tốt nhu cầu học tập, tham quan của học sinh các trường học, cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), Huyện Đoàn phối hợp với Đoàn Thanh niên các xã, thị trấn tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham gia hoạt động thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Đền Liệt sĩ huyện và Nghĩa trang Liệt sĩ của 18 xã, thị trấn; qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Được sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước và xã hội, nhiều thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ trong huyện đã nêu cao ý chí, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, giáo dục con cháu, người thân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tiêu biểu là bệnh binh Vũ Nguyên Bình (65 tuổi) ở xóm Đông, xã Thành Lợi với tỷ lệ thương tật 65%, tích cực tham gia phát triển kinh tế ổn định cuộc sống. Từ chế tạo máy dệt rồi làm hàng đồ gỗ dân dụng, thu mua lương thực, đến năm 2004, ông Bình thuê 540m2 đất công của xã để thành lập xưởng cơ khí, chuyển sang sản xuất máy ép gạch bê tông. Nhờ sự năng động, chịu khó của bản thân, nên gia đình có thu nhập từ 500 đến 700 triệu đồng mỗi năm. Bên cạnh việc phát triển kinh tế, bệnh binh Vũ Nguyên Bình còn mang nghề mộc về địa phương dạy nghề và chuyển giao kỹ thuật cho nhiều xưởng mộc trên địa bàn xã. Ông Vũ Ngọc Hoan (64 tuổi), thương binh tỷ lệ thương tật 81% ở xóm 3, xã Kim Thái là tấm gương sáng về tinh thần khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Mang thương tật 96% từ trong chiến tranh dẫn tới hai chân bị teo không đi lại được, cuộc sống và sinh hoạt rất khó khăn. Sau khi  chuyển sang đầu tư kinh doanh lĩnh vực vật liệu xây dựng, đến nay, bình quân mỗi tháng, cửa hàng của ông xuất bán trên 100 tấn xi măng, sắt, thép, thu lãi trên 10 triệu đồng. Từ hai bàn tay trắng, đến nay, gia đình ông đã xây được ngôi nhà 3 tầng khang trang, tiện nghi. 

Chăm lo, giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công với cách mạng từ nhiều năm nay đã trở thành nét đẹp văn hoá trong cán bộ, đảng viên, nhân dân của huyện Vụ Bản, qua đó tạo nền tảng để huyện phát triển ổn định, bền vững./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com