Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

08:11, 10/11/2021

Thời gian qua, các cấp Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế. Từ sự hỗ trợ của Hội đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần thiết thực vào công tác giảm nghèo, thi đua làm giàu trong hội viên.

Cựu chiến binh Vũ Duy Học, thôn Hồng Hà 2, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) phát triển kinh tế gia đình từ nghề trồng hoa, cây cảnh có thu nhập cao, ổn định.
Cựu chiến binh Vũ Duy Học, thôn Hồng Hà 2, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) phát triển kinh tế gia đình từ nghề trồng hoa, cây cảnh có thu nhập cao, ổn định.

Sau khi tham gia chiến đấu ở chiến trường Căm-pu-chia và bị thương 21%. Năm 1988, ông Nguyễn Xuân Vui, thôn An Thái, xã Yên Phong phục viên về địa phương và bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình. Nhận thấy việc đưa máy móc vào phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương còn ít, ông Vui mạnh dạn bàn với vợ dồn hết vốn liếng trong nhà, vay mượn thêm để mua máy cày và máy vò lúa. “Mục đích đầu tiên là để cho vợ con đỡ vất vả trong công việc đồng áng, nâng cao năng suất lao động, sau đó có thể hỗ trợ được cho bà con trong thôn, có thêm thu nhập”, ông Vui chia sẻ. Những năm này, theo ước tính của ông Vui, mỗi vụ ông nhận cày và vò đến vài chục mẫu ruộng, thu nhập trung bình từ 30-50 triệu đồng/năm. Công việc thuận lợi, đến năm 2013, ông tiếp tục đầu tư mua máy gặt đập liên hợp trong vụ mùa đầu tiên gặt cho gần 100 mẫu ruộng ở nhiều xã, thị trấn trong huyện. Tuy nhiên, đúng lúc này ông phát hiện mình bị ung thư dạ dày. Không đầu hàng trước bệnh tật, ông Vui quyết tâm điều trị, trải qua 8 lần hóa trị và phải cắt bỏ một phần dạ dày. Ra viện, sức khỏe dần ổn định, ông tiếp tục tìm cách… làm giàu. Nhận thấy máy gặt đập liên hợp của Trung Quốc đang sử dụng có nhiều hạn chế so với đồng đất địa phương, ông Vui bán máy cũ, đồng thời tìm đến các kênh ngân hàng do Hội CCB quản lý để được hỗ trợ vay vốn. Vay được tiền, ông Vui mua 2 máy gặt đập mới của Nhật Bản, 2 máy cày, 1 máy bơm, nâng công suất mỗi vụ cày lồng và gặt lên trên 100 mẫu/năm. Không chỉ đầu tư cho máy móc, ông còn xin thêm ruộng đất bỏ hoang để cấy lúa, đầu tư chuồng trại nuôi lợn nái. Hàng năm, trừ chi phí ông thu về 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 4-6 lao động địa phương. Không chỉ là tấm gương CCB sản xuất kinh doanh giỏi, ông Vui còn rất tích cực tham gia các hoạt động phong trào của địa phương. 

Nhằm hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, các cấp Hội CCB trong tỉnh đã khuyến khích hội viên nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư thâm canh, nâng cao hiệu quả sản xuất; vận động cán bộ, hội viên tham gia phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, mở các lớp khởi sự kinh doanh, tham gia đóng góp xây dựng quỹ nội bộ, Quỹ “Vòng tay đồng đội”... Đến nay, tổng nguồn quỹ nội bộ của Hội đạt gần 50 tỷ đồng, Quỹ “Vòng tay đồng đội” gần 857 triệu đồng trở thành nguồn vốn cho hội viên, nhất là hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay với lãi suất thấp hoặc không lãi suất để phát triển kinh tế, các cấp Hội cũng tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay gắn với chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hiện tổng dư nợ do Hội CCB tỉnh quản lý gần 485 tỷ đồng, trong đó dư nợ ủy thác của Ngân hàng CSXH 369 tỷ đồng; các tổ chức tín dụng khác trên 55 tỷ đồng... Để quản lý hiệu quả các nguồn vốn vay, Hội CCB tỉnh thường xuyên phối hợp với các ngân hàng duy trì công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các khâu ủy thác, kiểm tra, kiểm soát các tổ vay vốn và hộ vay vốn về công tác phân bổ, bình xét cho vay, giải ngân, thu hồi vốn, trả lãi, quản lý vốn và hiệu quả sử dụng vốn; đánh giá chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn theo quy chế. Từ sự hỗ trợ của các nguồn vốn vay ưu đãi, hội viên CCB đã đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, thành lập các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, trang trại, gia trại…, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hiện toàn tỉnh đã thành lập được 301 doanh nghiệp, 405 cơ sở sản xuất, kinh doanh tư nhân, 38 hợp tác xã, 171 trang trại, 2.382 gia trại… thu hút trên 24 nghìn lao động tham gia, trong đó lao động là CCB, cựu quân nhân, vợ con CCB chiếm trên 40%. Trong đó Công ty TNHH Cơ khí Đình Mộc, xã Xuân Kiên (Xuân Trường) tạo việc làm thường xuyên cho trên 80% lao động là CCB, cựu quân nhân, vợ con CCB. Đồng hành, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, thời gian qua, Hội CCB tỉnh còn chỉ đạo Hội CCB các huyện, thành phố tích cực tuyên truyền, vận động CCB, cựu quân nhân tham gia vào các câu lạc bộ (CLB) “CCB, cựu quân nhân sản xuất, kinh doanh giỏi” nhằm đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ vốn, tăng cường tham quan học tập mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, giúp CCB, cựu quân nhân thoát nghèo bền vững. Đến nay, 10 huyện, thành phố đã thành lập CLB “CCB, cựu quân nhân sản xuất, kinh doanh giỏi” với 779 thành viên.

Với các hoạt động hỗ trợ hội viên CCB phát triển kinh tế thiết thực, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên giảm còn 0,28%; hộ cận nghèo 1,54%; hộ có mức sống khá, giàu đạt 61,23%. Thời gian tới, các cấp Hội CCB tiếp tục triển khai các phong trào thi đua giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo; phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng quan tâm hỗ trợ nguồn vốn cho hội viên vay, tạo điều kiện cho các hộ thuộc diện cận nghèo, hộ nghèo có điều kiện tham gia phát triển sản xuất, nâng cao đời sống; đẩy mạnh các phương án sản xuất, kinh doanh nâng cao đời sống, góp phần làm giàu cho gia đình và địa phương; phát triển, nhân rộng các mô hình CCB làm kinh tế giỏi; khuyến khích CCB là chủ doanh nghiệp, hợp tác xã giải quyết việc làm cho hội viên và con em CCB./.

Bài và ảnh: Hoa Quyên



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com