Dạy nghề cho lao động nông thôn ở Hồng Quang

08:11, 10/11/2021

Xã Hồng Quang (Nam Trực) có khoảng 14 nghìn nhân khẩu, trong đó có trên 6.200 người trong độ tuổi lao động. Trong những năm qua, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, đoàn thể các thôn, xóm đẩy mạnh các hoạt động dạy nghề phù hợp cho lao động nông thôn; vận động các cơ sở sản xuất đào tạo nghề gắn với tạo việc làm.

Cơ sở sản xuất hoa lụa của gia đình ông Nguyễn Văn Chu, thôn Báo Đáp, xã Hồng Quang tạo việc làm cho nhiều lao động.
Cơ sở sản xuất hoa lụa của gia đình ông Nguyễn Văn Chu, thôn Báo Đáp, xã Hồng Quang tạo việc làm cho nhiều lao động.

Dạy nghề theo nhu cầu thực tế

Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” (Đề án 1956), xã tổ chức đánh giá thực trạng các nghề phù hợp ở địa phương; khảo sát nhu cầu việc làm, học nghề, điều kiện, khả năng của người lao động và nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đồng thời tổ chức tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn, đăng ký học nghề phù hợp. Trên cơ sở đó, xã xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp gồm: trồng lúa, chăn nuôi gia súc; nghề phi nông nghiệp gồm: may mặc, nghề mộc. Thực hiện Đề án 1956, hàng năm xã mở 1-2 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 70 lao động. Bên cạnh đó, các đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Ban Nông nghiệp, các hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp còn tổ chức hàng chục lớp tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo yêu cầu cho nông dân. Từ năm 2020 đến nay, Hội Nông dân xã phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Nam Trực, các hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ của xã tổ chức 6 buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi với 862 hộ ở 15 chi hội tham gia. Nhiều lớp tập huấn ngắn hạn giới thiệu cho người dân phương thức sản xuất đạt hiệu quả như sử dụng vật tư nông nghiệp, chế phẩm sinh học… vào gieo sạ, sản xuất sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh không tồn dư hóa chất đã thu được nhiều kết quả. Đồng chí Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Hồng Quang cho biết: Trong quá trình đào tạo nghề, xã tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo dạy và học thực chất, hiệu quả. Sau khoá học, nhiều lao động học nghề nông nghiệp tích cực áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, tăng thu nhập như hộ các ông: Nguyễn Quý Cầm trồng quất, đào cảnh; Nguyễn Quý Đạt trồng cây ăn quả; Nguyễn Doãn Thu trồng hoa lan; Nguyễn Duy Hoan đầu tư chăn nuôi lợn… ở thôn Chiền Nguấn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Chung tay đào tạo, mở cơ hội việc làm

Phát huy thế mạnh có nghề truyền thống như sản xuất tương bần thôn Lạc Đạo; hoa lụa, đèn ông sao thôn Báo Đáp, xã đã khuyến khích các cơ sở sản xuất uy tín ở các làng nghề tổ chức các lớp truyền nghề, tạo việc làm cho người dân. Hiện nay làng Báo Đáp có trên 400 hộ sản xuất, kinh doanh hoa vải lụa, trong đó đã có sự chuyên môn hoá: nhà chuyên về làm cành, nhà chuyên làm lá, đài, dập cánh, phủ nhụy và ghép hoa. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, các cơ sở nỗ lực tự đào tạo nguồn lao động, đổi mới, thay đổi mẫu mã, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại phục vụ từng khâu sản xuất. Anh Nguyễn Văn Thích, chủ cơ sở sản xuất hoa lụa, nhựa Phích Nhung, thôn Báo Đáp cho biết: Để đảm bảo nguồn nhân lực ổn định, cơ sở sản xuất của anh chú trọng phát triển các “vệ tinh” và tập trung đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động đáp ứng với xu thế của thị trường và các mẫu mã hoa thay đổi thường xuyên. Việc truyền nghề mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho các cơ sở sản xuất như ổn định nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh việc duy trì sản xuất những mẫu hoa truyền thống như hồng, sen, cúc, đào, mai... nhờ nguồn nhân lực chất lượng cao, hiện nay, các cơ sở đã sản xuất nhiều mẫu mã loại hoa lụa: phong lan, hoa ly, cẩm tú cầu, cúc họa mi, mẫu đơn, đỗ quyên, hướng dương, phi yến… Hiện tại, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu trang trí và sức mua giảm, nhưng gia đình anh vẫn thường xuyên có 6 lao động đảm nhận khâu ghép hoa lên cành, lên bát. Cũng ở thôn Báo Đáp, cơ sở sản xuất hoa lụa của gia đình ông Nguyễn Văn Chu đã thích ứng nhanh chóng để vừa lao động sản xuất, vừa phòng chống dịch bệnh COVID-19. Ông Chu cho biết: Nghề sản xuất hoa lụa tận dụng tối đa thời gian nông nhàn và phù hợp với sức lao động của nhiều đối tượng, trong đó có cả người cao tuổi. Để duy trì hoạt động ổn định, cơ sở đã mở nhiều lớp dạy nghề cho người lao động. Qua đào tạo, các lao động đều đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Hiện nay, cơ sở của ông Chu tạo việc làm tại chỗ cho 5 lao động và nhiều lao động “vệ tinh” ở trong và ngoài xã với mức thu nhập ổn định từ 2,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Bà Trần Thị Hưng 70 tuổi, ở thôn Thự, xã Hồng Quang là lao động làm việc tại cơ sở sản xuất hoa của ông Nguyễn Văn Chu cho biết: “Dù làm nghề lâu năm, nhưng qua đào tạo nâng cao tay nghề tại cơ sở tôi mới học thêm các mẫu mã mới để đáp ứng yêu cầu công việc. Trước đây gia đình tôi rất khó khăn, từ khi làm việc tại cơ sở của ông Chu, tôi có thêm thu nhập để ổn định cuộc sống hàng ngày”. Cùng với các nghề truyền thống, nhiều cơ sở sản xuất đồ mộc, may công nghiệp... trên địa bàn xã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Các cơ sở này đều tích cực tham gia công tác đào tạo nghề, tạo nguồn lao động tại chỗ để duy trì sản xuất ổn định.

Để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, xã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng quy mô. Đến hết tháng 6 năm 2021, xã có tổng dư nợ tín dụng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội đạt hơn 90,9 tỷ đồng. Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã tích cực giúp đỡ hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay. Từ năm 2019 đến nay, Hội Phụ nữ xã đã đứng ra tín chấp vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội với dư nợ hơn 2,7 tỷ đồng; triển khai mở rộng hoạt động quỹ TYM với dư nợ hơn 1 tỷ đồng với 86 thành viên tham gia vay vốn... Chi Hội Phụ nữ các thôn Mộng Lương, thôn Tân Thành, thôn Cát Thành... đã xây dựng được quỹ hội đạt mức cao và tạo điều kiện cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. 

Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của các ngành, các đoàn thể xã Hồng Quang, công tác đào tạo nghề cho lao động được triển khai đồng bộ, đúng hướng, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đến nay, tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo của xã đạt 66%; bình quân thu nhập đầu người đạt 64 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,6%./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com