Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, xã Xuân Thuỷ (Xuân Trường) có 116 liệt sĩ, 83 thương binh, bệnh binh, 13 Mẹ Việt Nam Anh hùng được Nhà nước phong tặng, truy tặng, 1 Anh hùng LLVTND. Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và nhân dân xã Xuân Thuỷ đẩy mạnh thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” với nhiều hoạt động thiết thực chăm lo, giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.
Ông Phạm Văn Thành, thương binh 3/4, bí thư chi bộ xóm 9, xã Xuân Thuỷ (Xuân Trường) là tấm gương năng động phát triển kinh tế gia đình. |
Theo đó, Đảng uỷ, UBND xã Xuân Thuỷ chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, phát động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, tạo nguồn lực vật chất tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng. Hàng năm Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của xã huy động được từ 20-30 triệu đồng để phục vụ cho các hoạt động chăm lo người có công, thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách khi ốm đau, gặp khó khăn đột xuất. Các chế độ, chính sách mới đối với người có công đều được phổ biến kịp thời đến các đối tượng liên quan, chỉ đạo cán bộ chuyên môn hướng dẫn làm thủ tục theo quy định đảm bảo những người trong diện được hưởng đầy đủ, kịp thời. Hiện nay, xã có 118 trường hợp người có công, thân nhân người có công với cách mạng được hưởng trợ cấp hàng tháng với tổng số tiền 247 triệu đồng… Các chế độ ưu đãi khác đối với người có công như: cấp thẻ BHYT, chế độ điều dưỡng, trang cấp thiết bị chỉnh hình cho thương binh, chế độ mai táng phí cho đối tượng chính sách từ trần, hỗ trợ học phí cho học sinh, sinh viên là con đối tượng chính sách… đều được thực hiện theo đúng quy định. Thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, xã đã rà soát lập danh sách các trường hợp khó khăn về nhà ở đề nghị hỗ trợ. Đến nay, có 36 trường hợp người có công đã được hỗ trợ xây, sửa nhà ở từ nguồn vốn này. Ông Đoàn Văn Trưng (92 tuổi), xóm 13 là người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đầy có hoàn cảnh khó khăn. Được hỗ trợ 40 triệu đồng cùng sự giúp đỡ của họ hàng, làng xóm, ông Trưng đã xây được căn nhà kiên cố, yên tâm mỗi khi thời tiết mưa, bão. Nhiều năm liền xã không có đơn thư khiếu nại về lĩnh vực thương binh, xã hội.
Công tác mộ liệt sĩ được chính quyền và nhân dân trong xã chung tay quan tâm chăm lo. Từ năm 2020 đến nay, xã đã tiến hành tu sửa nâng cấp Nghĩa trang liệt sĩ với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Đoàn Thanh niên thường xuyên phối hợp với các trường học tổ chức các hoạt động chăm sóc Nghĩa trang liệt sĩ xã; giao lưu cùng các cựu chiến binh, gia đình chính sách. Một hoạt động cũng trở thành thông lệ từ nhiều năm nay, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), Đoàn Thanh niên xã tổ chức lễ thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ. Hàng năm, quà tặng của Chủ tịch nước, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nhân các dịp lễ, tết đều được trao đầy đủ kịp thời đến các đối tượng chính sách cùng với quà của địa phương. Xã tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, đại diện các gia đình chính sách tiêu biểu và động viên các gia đình phát huy truyền thống, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua, xã có 191 người có công được tặng quà của Chủ tịch nước và của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, huyện.
Được sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước và xã hội, nhiều thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ trong xã đã nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, giáo dục con cháu, người thân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Cụ Phạm Thị Nguyệt, ở xóm Xuân Hy là vợ của liệt sĩ, Anh hùng LLVTND Đặng Ngọc Ngự, luôn nhắc nhở con cháu noi theo tấm gương của cha, ông để học tập, công tác tốt. Cụ Nguyệt cho biết: “Năm 1972, nhận tin chồng hy sinh, tôi nén nỗi đau, tích cực tham gia công tác xã hội và tần tảo sớm khuya vê đay dệt chiếu, nuôi thêm con lợn, đàn gà… để nuôi dạy các con khôn lớn”. Có 4 người con, cô thứ 3 được đặt tên là Đặng Thị Mích để ghi nhớ kỷ niệm đầy tự hào về người cha lái máy bay MiG anh hùng. Thương mẹ vất vả, từ nhỏ các con của cụ đều chăm ngoan, học giỏi. Anh Đặng Ngọc Dinh, con trai thứ 2 của cụ cho biết: “Hồi ấy, cả đại gia đình 10 người (cả bà nội và gia đình chú em) ở trong căn nhà chỉ chừng 30m2, tôi và chị gái mới 10-13 tuổi đã xin cùng mẹ đóng 2 lò gạch để xây căn nhà mới. Mẹ tôi luôn nhắc nhở các con cháu về truyền thống gia đình, phải biết vươn lên trong cuộc sống, xứng đáng với những hi sinh của cha ông. Đến nay, các cháu cụ đều chăm ngoan, học giỏi, các con trong gia đình đều phương trưởng, có việc làm ổn định, tích cực tham gia đóng góp các phong trào ở địa phương”. Ông Phạm Văn Thành, thương binh hạng 3/4, là bí thư chi bộ xóm 9, nhiều năm nay luôn là tấm gương sáng của xã trong phát triển kinh tế. Năm 2005, ông được UBND xã tạo điều kiện cho học lớp sơ cấp nông nghiệp. Sau đó, ông Thành thuê 7.200m2 đất làm trang trại VAC tổng hợp cho tổng thu nhập 200 triệu đồng/năm.
Thời gian tới, xã Xuân Thuỷ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến chính sách người có công của Đảng, Nhà nước; chỉ đạo thực hiện đúng, đủ, chu đáo các chế độ chính sách đối với người có công. Đẩy mạnh cuộc vận động ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và xã hội hoá công tác chăm sóc người có công với các hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm tiếp tục nâng cao đời sống người có công và gia đình chính sách./.
Bài và ảnh: Viết Dư