Các biện pháp phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ở xã Nghĩa Tân

08:11, 03/11/2021

Những năm trước, xã Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng) có tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; đa dạng các hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn, thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo, hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Nhờ ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, sản lượng cà chua ở xã Nghĩa Tân được nâng cao.
Nhờ ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, sản lượng cà chua ở xã Nghĩa Tân được nâng cao.

Trên cơ sở nghị quyết của Đảng bộ xã về phát triển kinh tế UBND xã đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; tập trung phát triển ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Trong 10 tháng đầu năm 2021, năng suất lúa bình quân của xã đạt 127 tạ/ha; thu nhập từ trồng trọt ước đạt 51,9 tỷ đồng; tổng giá trị chăn nuôi ước đạt 35,43 tỷ đồng. Bên cạnh đó, xã phát triển đa dạng các ngành nghề khác nhau: Đan hàng thủ công mỹ nghệ (cói và dây nhựa), may công nghiệp, chạm khắc đá mỹ nghệ, nghề mộc, xây dựng, trồng hoa, cây cảnh... tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Để giúp các hộ nghèo có điều kiện để thoát nghèo bền vững, thực hiện Đề án 1956 hàng năm xã mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các ngành nông nghiệp và phi nông nghiệp. Bên cạnh đó, Hội Nông dân, Hội Sinh vật cảnh, Ban Nông nghiệp xã thường xuyên tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Từ năm 2020 đến nay, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã phối hợp với Trung tâm GDTX-GDNN của huyện mở 2 lớp dạy nghề đan cói mỹ nghệ cho 65 người; 4 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng lúa với 320 học viên tham gia. Sau khi tham gia lớp tập huấn nhiều gia đình đã thoát nghèo, cận nghèo nhờ thay đổi mô hình, phương thức sản xuất, như gia đình các bà: Nguyễn Thị Vui xóm 1; Vũ Thị Huê, Đặng Thị Thanh xóm 5; Trần Thị Lái xóm 6 phát triển nghề đan cói và dây nhựa cho thu nhập từ 40-60 triệu đồng/người/năm. 

Đến nay, toàn xã có hơn 20 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, trong đó nhiều cơ sở tạo việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn như cơ sở chạm khắc đá mỹ nghệ của anh Lâm Trung Kiên, xóm 7; cơ sở may công nghiệp của chị Mai Thị Hường, xóm 2; xưởng sấy, xay xát thóc gạo của gia đình anh Bùi Xuân Hinh, xóm 8; Công ty Dịch vụ tổng hợp Đức Trọng do anh Vũ Đức Trọng, xóm 1 làm chủ. Với ý chí quyết tâm làm giàu trên đất quê hương, anh Bùi Xuân Hinh đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng nhà xưởng diện tích 1.500m2, mua 4 lò sấy thóc, hệ thống máy xát gạo hiện đại, thu mua thóc từ các tỉnh, huyện lân cận, trung bình mỗi năm 4 lò sấy thóc đạt công suất 2.000 tấn. Không chỉ góp phần đảm bảo chất lượng, nâng cao giá trị sau thu hoạch của bà con nông dân, cơ sở của anh Hinh còn tạo việc làm cho 15-20 lao động với thu nhập ổn định từ 7-8 triệu đồng/người/tháng. Năng động trong sản xuất, kinh doanh, anh Hinh được hội viên CLB “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” của xã tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm. Những năm qua, CLB luôn gắn kết các thành viên cùng nhau chia sẻ kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm phát triển kinh tế để nâng cao hiệu quả sản xuất. Thương binh loại 1/4 Vũ Đức Trọng ở xóm 1 với ý chí làm giàu đã mạnh dạn mở xưởng chế biến đồ gỗ mỹ nghệ sau này thành lập Công ty Dịch vụ tổng hợp Đức Trọng với số vốn hàng tỷ đồng. Để nguồn lao động ổn định, anh Trọng đã trực tiếp đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân. Hiện nay, cơ sở của anh tạo việc làm ổn định trên 20 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4,5-7 triệu đồng/người/tháng, người lao động được quan tâm đảm bảo đầy đủ lợi ích, tạo động lực và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, gia đình anh còn tích cực đóng góp, ủng hộ cho các phong trào, quỹ vì người nghèo, khuyến học, khuyến tài, các chương trình an sinh xã hội của địa phương.

Cùng với đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xã còn tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn mở rộng sản xuất, trong đó ưu tiên hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận vốn vay. Đến nay, xã có 780 hộ được vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng dư nợ 69,241 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều gia đình có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập. Tiêu biểu như gia đình ông Phạm Văn Sự, xóm 6 đầu tư nuôi trồng thủy sản, trồng rau màu và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô diện tích 3ha cho thu nhập hàng chục triệu/tháng. Hộ ông Nguyễn Văn Năng, xóm 8 mở xưởng chuyên sơn P.U cao cấp đồ gỗ mỹ nghệ, tạo công ăn việc làm cho 5 lao động có thu nhập ổn định. Chị Vũ Thị Đông ở xóm 7 từ nguồn vốn vay của các ngân hàng đã vượt qua những khó khăn trong sản xuất, chăn nuôi. Chị Đông cho biết: năm 2019, dịch tả lợn châu Phi khiến gia đình chị phải tiêu huỷ 11 con lợn, thiệt hại gần 100 triệu đồng. Được Hội Phụ nữ xã hướng dẫn, chị vay 48 triệu đồng vốn ưu đãi từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo để đầu tư 3 con lợn nái. Đến nay, đàn lợn của chị đã tăng thêm hàng chục con lợn con, bước đầu tái đàn thành công.

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đào tạo nghề của xã Nghĩa Tân đã tạo chuyển biến tích cực cho công tác giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động địa phương. Đến nay, xã có 2.966 người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên; thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/năm xã chỉ còn 14 hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội chủ yếu là người cao tuổi neo đơn, không nơi nương tựa./.

Bài và ảnh: Viết Dư

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com