Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, thời gian qua, thành phố Nam Định đã huy động cả hệ thống chính trị cùng “vào cuộc” đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) với nhiều hình thức phong phú đa dạng, hiệu quả.
Cán bộ phường Trần Tế Xương tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông đô thị cho người bán hàng rong khu vực chợ Phù Long. |
Hàng năm, Hội đồng phối hợp PBGDPL thành phố đều xây dựng kế hoạch tuyên truyền; đồng thời kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật từ thành phố đến cơ sở. Công tác tuyên truyền, PBGDPL được các ngành, đoàn thể, các địa phương triển khai với nhiều hình thức đa dạng, tập trung theo các chuyên đề, lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Công an, Ban Chỉ huy quân sự thành phố quán triệt cán bộ, chiến sĩ nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức pháp luật thông qua việc đọc báo đầu giờ các ngày làm việc và tích cực thực hiện tuyên truyền về phòng, chống ma túy, tội phạm, an toàn giao thông, Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ cho cán bộ, nhân dân… Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố chỉ đạo các trường học đưa nội dung giảng dạy pháp luật vào môn giáo dục công dân, tích cực tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông, phòng, chống ma túy cho giáo viên, học sinh các nhà trường. Ủy ban MTTQ và các đoàn thể của thành phố tổ chức các hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề tuyên truyền, phổ biến nội dung Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Lao động, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Tiếp cận thông tin... cho cán bộ, hội viên, đoàn viên và người lao động. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố tổ chức thành công cuộc thi vẽ tranh, diễn tiểu phẩm về an toàn giao thông, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trong nhà trường và qua mạng internet của học sinh tiểu học, trung học cơ sở; cuộc thi “Tuổi trẻ học đường với pháp luật về an toàn giao thông và văn hoá giao thông”; hội thi “Tuổi trẻ Thành Nam với pháp luật trật tự an toàn giao thông”; hội thi “Đội dân phòng giỏi”; cuộc thi “Tìm hiểu Luật Dân quân tự vệ”… Các cuộc thi tìm hiểu pháp luật được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, sinh động, thông qua các tình huống pháp luật phát sinh trong cuộc sống đã thu hút được đông đảo người dân tham gia theo dõi, cổ vũ, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Các ngành trong khối nội chính thành phố chú trọng kết hợp tuyên truyền pháp luật với công tác xét xử lưu động các vụ án hình sự trọng điểm, xử lý vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tổ chức các đợt phát động nhân dân đấu tranh tố giác tội phạm; xây dựng và phát triển các tủ sách pháp luật của UBND phường, xã và tủ sách pháp luật tại các nhà văn hóa tổ dân phố, thôn, xóm; lồng ghép tuyên truyền qua hội nghị, cuộc họp của tổ dân phố, treo băng rôn, khẩu hiệu, tranh cổ động, tuyên truyền lưu động… Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 từ năm 2020 đến nay, Hội đồng phối hợp PBGDPL thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống dịch COVID-19 để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân nâng cao nhận thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế; hạn chế tham gia các hoạt động hội họp, tụ tập đông người; tuyên truyền, phổ biến các hành vi bị nghiêm cấm và chế tài xử phạt như hành vi cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm, che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh dịch, cố ý khai báo thông tin sai sự thật, từ chối hoặc trốn tránh biện pháp cách ly y tế…
Với việc đa dạng các hình thức tuyên truyền, PBGDPL, từ năm 2016 đến nay, thành phố đã tổ chức được 900 cuộc tuyên truyền cho 65.515 lượt cán bộ, nhân dân tham dự; cấp phát trên 170 nghìn đề cương, tài liệu, bản tin; biên soạn 750 tin, bài, ảnh đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và đài phát thanh, Cổng thông tin điện tử thành phố; trăng treo hơn 900 pa-nô, áp phích, khẩu hiệu nội dung tuyên truyền pháp luật. Thành phố cũng duy trì hoạt động của 25 câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, 180 câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, 3 câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” và 2 câu lạc bộ “Trợ giúp pháp lý”... Thông qua việc thực hiện Đề án “Tăng cường công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân thành phố Nam Định giai đoạn 2016-2021”, đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân; từng bước ngăn chặn và hạn chế hành vi vi phạm pháp luật trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống dịch COVID-19 ngày càng hiệu quả. Đến ngày 22-10-2021, trên địa bàn thành phố không có trường hợp dương tính COVID-19.
Thời gian tới, thành phố Nam Định tiếp tục thực hiện Đề án tăng cường công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân giai đoạn 2021-2026. Mục tiêu của Đề án là tạo chuyển biến mạnh mẽ về nâng cao ý thức tự giác, tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, xây dựng lối sống “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân. Qua đó, giảm thiểu các vi phạm pháp luật, khiếu nại, tố cáo không đúng pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn. Phấn đấu giải quyết 100% đơn khiếu nại, tố cáo; hàng năm có 90-100% xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; nâng cao tỷ lệ hòa giải thành công các vụ việc mâu thuẫn, xích mích ngay tại cơ sở./.
Bài và ảnh: Văn Trọng