Nỗ lực phòng ngừa và loại bỏ bệnh dại khỏi đời sống cộng đồng

08:10, 04/10/2021

Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh ta không xảy ra bệnh dại ở động vật và trên người. Tuy nhiên bệnh dại vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh do đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống bệnh dại; nhiều người nuôi chó, mèo vẫn giữ thói quen thả rông; tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo thấp. Công tác kiểm soát vận chuyển chó, mèo, nhất là từ các địa bàn khác vào tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, công tác phòng, chống bệnh dại vẫn cần được ngành chức năng, các địa phương quan tâm thực hiện và sự chung tay của người nuôi để tiến tới loại bỏ bệnh dại trong đời sống cộng đồng.

Cán bộ thú y phường Hạ Long (thành phố Nam Định) tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó nuôi của hộ gia đình trên địa bàn (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).
Cán bộ thú y phường Hạ Long (thành phố Nam Định) tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó nuôi của hộ gia đình trên địa bàn (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Những năm gần đây, các hộ nuôi chó, mèo để trông nhà, làm cảnh (thú cưng) đang trở thành xu hướng chính, còn việc nuôi chó, mèo lấy thịt đã giảm nhiều. Số hộ nuôi và số lượng đàn chó mèo nuôi biến động qua từng năm và có chiều hướng giảm dần. Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 98.286 hộ nuôi chó với 127.537 con và hàng chục nghìn con mèo được người dân nuôi. Các giống chó được nuôi chủ yếu là chó kiến địa phương và một số giống khác như: Phú Quốc, Phốc, Becgie, Rottweiler, Pitbull, Poodle, Alaska... Thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2017-2021, hàng năm, trong kế hoạch phát triển chăn nuôi, thủy sản và phòng, chống dịch bệnh động vật do UBND tỉnh ban hành đều đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống bệnh dại, giao chỉ tiêu tiêm vắc-xin phòng dại cụ thể cho các địa phương; đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo công tác quản lý đàn chó và thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh. Căn cứ kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch, ban hành văn bản chỉ đạo chính quyền cơ sở và người dân tổ chức thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dại. Để công tác tiêm phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo đạt hiệu quả, Sở NN và PTNT đã phối hợp với Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình Nam Định, Đài Truyền thanh các địa phương và qua các tổ chức: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tập trung tuyên truyền về tính chất nguy hiểm của bệnh dại và các biện pháp phòng, chống; quy định về đăng ký, khai báo, quản lý đàn chó, mèo nuôi và tiêm vắc-xin phòng dại; cách xử lý khi người bị chó, mèo cắn. Biên soạn tài liệu hướng dẫn biện pháp phòng, chống bệnh dại và đăng tải trên trang thông tin điện tử của sở và các địa phương. Tổ chức các hội nghị tập huấn kiến thức về bệnh dại và trang bị các kỹ năng, biện pháp phòng, chống cho nhân viên thú y xã, phường, thị trấn. Phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên xuống cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn người dân về dấu hiệu nhận biết bệnh dại, các biện pháp xử lý khi có chó, mèo bị dại hoặc nghi bị dại. Vận động người dân thực hiện nghiêm việc tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó, mèo. Trước mỗi đợt tiêm phòng, chính quyền cơ sở tiến hành rà soát, thống kê đàn chó nuôi trên địa bàn, lập danh sách để quản lý và phục vụ công tác tiêm vắc-xin phòng dại cho đàn chó, mèo. Công tác giám sát bệnh dại được thực hiện đến tận hộ nuôi qua hệ thống thú y từ tỉnh đến cơ sở và sự phối hợp trao đổi thông tin với ngành Y tế về các trường hợp người bị chó cắn đi điều trị dự phòng. Ngoài ra, việc phát hiện bệnh dại còn thực hiện thông qua giám sát cộng đồng. Khi có thông tin trường hợp người bị chó nghi mắc bệnh dại cắn, cơ quan thú y phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan y tế tổ chức điều tra, xác minh và có biện pháp xử lý kịp thời, đồng thời tuyên truyền, vận động người bị chó, mèo cắn đến các cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong do bệnh dại. Hàng năm, tỉnh triển khai 2 đợt tiêm vắc-xin phòng bệnh dại chính vụ cho chó, mèo vào tháng 3-4 và tháng 9-10, đồng thời chỉ đạo tiêm phòng bổ sung hàng tháng cho số chó, mèo mới phát sinh, có cấp giấy chứng nhận tiêm phòng để quản lý. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 15 điểm tiêm vắc-xin phòng dại cho người ở các huyện, thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với bệnh dại. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ năm 2017 đến tháng 8-2021 toàn tỉnh có 7.239 người bị chó, mèo cắn, cào phải đi điều trị dự phòng bệnh dại. Từ năm 2017 đến tháng 5-2021 toàn tỉnh có 314.277 lượt chó, mèo được tiêm phòng vắc-xin dại, đạt tỷ lệ từ 46,3% đến 58,1% so với tổng đàn… Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giám sát, tiêm phòng và hướng dẫn điều trị dự phòng kịp thời nên trong giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn tỉnh không có trường hợp người bị tử vong do bệnh dại. Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT), đến thời điểm này nhận thức của người dân về phòng, chống bệnh dại ngày càng được nâng cao, hầu như không còn tình trạng người dân bị chó, mèo cắn tự điều trị bằng thuốc nam mà đã chủ động đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị dự phòng. 

Tuy nhiên bên cạnh mặt tích cực đáng phấn khởi do trong nhiều năm liền trên địa bàn tỉnh không xuất hiện bệnh dại ở chó, mèo và không có người tử vong vì bệnh dại, nên đã xuất hiện tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống bệnh dại ở một bộ phận người dân và chính quyền cơ sở. Hầu hết các địa phương chưa triển khai việc cấp sổ quản lý đàn chó, mèo; người nuôi chó, mèo chưa tự giác đăng ký, khai báo với chính quyền địa phương; tình trạng nuôi chó thả rông còn phổ biến; chưa thực hiện bắt chó thả rông ở nơi công cộng. Tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin dại cho chó, mèo triển khai chưa quyết liệt, đạt thấp dưới 50% tổng đàn, chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch vững chắc. Thậm chí, một số địa phương còn giao khoán việc tổ chức tiêm phòng cho lực lượng thú y nên kết quả đạt rất thấp. Từ năm 2019, hệ thống cơ quan chuyên môn thú y độc lập cấp huyện không còn theo quy định của Luật Thú y mà sáp nhập chung vào các cơ quan khác nên kết quả triển khai các nội dung phòng, chống bệnh dại còn hạn chế. Việc xử lý vi phạm quy định về phòng, chống bệnh dại không đáng kể do không có chế tài và mức phạt thấp không có tính răn đe. Việc thực hiện khai báo, đăng ký khi nuôi chó, mèo và lập sổ theo dõi số hộ nuôi chó, số chó nuôi trong từng hộ theo quy định chưa chặt chẽ, không đầy đủ. Tình trạng chó thả rông, không xích nhốt, không đeo rọ mõm khi đưa ra nơi công cộng còn phổ biến. 

Để loại bỏ bệnh dại ra khỏi đời sống cộng đồng, thời gian tới ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên tuyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự nguy hiểm của bệnh dại và các biện pháp phòng, chống bệnh dại; quy định về quản lý đàn chó nuôi, trách nhiệm của người nuôi chó trong việc quản lý và tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo; hướng dẫn người bị chó, mèo cắn các biện pháp xử lý ban đầu và đến các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời. Triển khai thực hiện nghiêm công tác quản lý đàn chó, mèo; tiêm phòng vắc-xin, xử lý bệnh dại theo quy định của Luật Thú y. Tăng cường giám sát, phát hiện bệnh dại với sự tham gia của cộng đồng. Tất cả các trường hợp bị chó, mèo cắn, cào được tư vấn, hướng dẫn điều trị dự phòng bệnh dại. Chủ động phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin kịp thời với ngành Y tế theo Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27-5-2013 của Bộ NN và PTNT, Bộ Y tế về hướng dẫn phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về phòng, chống bệnh dại theo quy định tại Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31-7-2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y; Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 3-1-2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90; xử lý các hành vi nuôi chó thả rông, gây mất vệ sinh ở khu dân cư theo quy định tại Điều 5, Điều 7, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com