Chuyển đổi số và cơ hội học tập suốt đời

08:10, 11/10/2021

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ GD và ĐT và UBND tỉnh, từ ngày 1 đến 7-10, Sở GD và ĐT tổ chức tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2021. Theo đó, chủ đề của Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm nay là “Chuyển đổi số và cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người trong bối cảnh đại dịch COVID-19” với mục tiêu tăng cường trách nhiệm, huy động sự quan tâm, tham gia của các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể, các lực lượng xã hội, tận dụng nền tảng công nghệ nhằm đa dạng hóa các kênh và công cụ học tập suốt đời, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh (thành phố Nam Định) nhận học bổng tại Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2021.
Học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh (thành phố Nam Định) nhận học bổng tại Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2021.

Từ nhiều năm qua, ngành GD và ĐT tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy, học và quản lý, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, trong năm học 2020-2021, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, ngành GD và ĐT tỉnh đã thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”. Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các nhà trường dạy học qua internet, trên truyền hình; tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn cho học sinh, giáo viên trong quá trình dạy học qua internet. Các nhà trường đã chủ động và thích ứng nhanh với diễn biến dịch bệnh, áp dụng sinh động và hiệu quả CNTT, công nghệ số vào giảng dạy. Các hình thức dạy học được áp dụng linh hoạt theo tình hình dịch, gồm dạy học trực tiếp trên lớp, dạy học online (tương tác trực tuyến và học qua video, dạy học qua truyền hình...). Qua việc giảng dạy trực tuyến, cho thấy năng lực sử dụng CNTT của đội ngũ giáo viên đã được nâng lên rõ rệt. Đến nay, các nhà trường đã chủ động cho việc dạy học online nhằm duy trì sự tương tác giữa thầy và trò khi dịch bệnh xảy ra. Hình thức dạy học được các nhà trường quan tâm là khuyến khích cả giáo viên và học sinh cùng theo dõi các bài giảng trên truyền hình, sử dụng phần mềm Zoom, Google meet, Googleclassroom hoặc Shubclassroom; xây dựng các clip, bài giảng E-learning hướng dẫn học sinh tự học… Bên cạnh đó, các nhà trường tích cực tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh duy trì thói quen, nền nếp hỗ trợ con em học tập tại nhà; thẩm định và giới thiệu các bài dạy, các địa chỉ học trực tuyến trên internet (hocmai.vn, cunghoc.vn, youtube.com…); hướng dẫn giáo viên, học sinh theo dõi lịch phát sóng các bài học (do Bộ GD và ĐT phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng) trên Kênh truyền hình Giáo dục quốc gia (kênh VTV7; VTC8; VTC11 và một số kênh truyền hình khác được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD và ĐT). Các trường chỉ đạo giáo viên xây dựng chương trình học và luyện tập theo tuần gửi qua email, zalo, facebook, sổ liên lạc điện tử hoặc in bản giấy để phụ huynh hỗ trợ học sinh học tập, rèn luyện... Hàng trăm clip, bài giảng điện tử đã được đăng tải trên trang website, fanpage của các nhà trường và được chia sẻ rộng rãi trên youtube hay các trang cá nhân. Nhiều giáo viên cũng chia sẻ những bài học này trên các trang zalo, nhóm kín của lớp. Với cách làm này, học sinh có thể chủ động về thời gian, xem đi xem lại, học mọi lúc mọi nơi, từ đó rèn luyện và nâng cao ý thức tự chủ, tự học. Năm học 2021-2022, trước diễn biến dịch COVID-19 còn phức tạp, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các nhà trường chủ động, sẵn sàng cho mọi tình huống tổ chức triển khai các hình thức dạy học, đặc biệt là dạy học từ xa, phù hợp điều kiện thực tiễn; đồng thời tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên các kỹ năng cần thiết để dạy học trực tuyến; hướng dẫn học sinh phương pháp học trực tuyến và tự học. Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở GD và ĐT, Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố chỉ đạo ban giám hiệu các nhà trường chia sẻ kinh nghiệm nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học năm học 2021-2022. Hiện tại, các nhà trường đều đã sẵn sàng các phương án dạy học, nhất là khối lớp đang thay sách.

Bên cạnh việc dạy và học, hiện tại, Sở GD và ĐT cùng các đơn vị trực thuộc, Phòng GD và ĐT huyện, thành phố đã triển khai Cổng thông tin điện tử theo mô hình tập trung. Công tác tin học hoá quản lý được triển khai trên diện rộng theo hướng sử dụng hệ thống phần mềm quản lý trực tuyến, tập trung nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, tiết kiệm chi phí đầu tư và nhân lực. Hoàn thiện xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu ngành GD và ĐT Nam Định kết nối liên thông với phần mềm quản lý nhà trường và phần mềm cơ sở dữ liệu ngành của Bộ GD và ĐT. Hiện 95,1% trường học đã kết nối phần mềm quản lý ở nhà trường với cơ sở dữ liệu ngành; 100% trường phổ thông triển khai sổ điểm điện tử và bước đầu tiến hành chuyển đổi số trong một số nội dung như báo cáo, đề kiểm tra định kỳ, giải quyết các thủ tục hành chính mức độ 4. Tăng cường sử dụng các mô hình dạy học kết hợp giữa lớp học truyền thống và lớp học trực tuyến, khuyến khích giáo viên hỗ trợ việc học tập của học sinh trên nền tảng CNTT có sẵn, ứng dụng CNTT trong quản lý kết quả học tập của học sinh; sử dụng hình thức trực tuyến trong tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT, thi Olympic các môn học, phê duyệt giáo án, đánh giá bồi dưỡng thường xuyên đối với tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn và giáo viên khối trực thuộc. Việc quản lý học sinh, quản lý giáo viên, quản lý thi, xếp thời khóa biểu, sổ quản lý điện tử, tích hợp với trang tin điện tử của nhà trường đều được thực hiện trên môi trường mạng ở tất cả các cơ sở giáo dục. Các nhà trường có thể xem và gửi báo cáo bằng văn bản, hình ảnh đến trung tâm điều hành GD và ĐT các cấp. Trên cơ sở đó, các đơn vị chức năng của trung tâm điều hành sẽ tổng hợp, so sánh, phân tích, dự báo về tình hình học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, tỷ lệ giáo viên/học sinh, tỷ lệ học sinh/lớp học, chất lượng giảng dạy…; từ đó, nhà quản lý nắm được toàn bộ thông tin để kịp thời đưa ra quyết định, điều hành sát với tình hình thực tế.

Hưởng ứng Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2021 với chủ đề  “Chuyển đổi số và cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người trong bối cảnh đại dịch COVID-19”, Sở GD và ĐT phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền về tầm quan trọng của việc học tập suốt đời cũng như vai trò của chuyển đổi số trong việc thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho mọi người. Các hoạt động trong Tuần lễ được triển khai phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị, đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Các cơ sở giáo dục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tổ chức hoạt động dạy học và các hoạt động giáo dục trong suốt năm học; tổ chức các lớp, khóa học trực tuyến miễn phí, phí thấp cho trẻ em và người lớn, trong đó lồng ghép, giới thiệu các nội dung học tập, các bài học và học liệu phù hợp với từng nhóm đối tượng người học thông qua các phần mềm trực tuyến; thành lập các câu lạc bộ, diễn đàn, cuộc thi trực tuyến… Tạo điều kiện để mọi người dân được tham gia các hoạt động học tập, hướng dẫn kỹ năng tìm kiếm, khai thác, sử dụng thông tin trên mạng internet một cách an toàn, hiệu quả; xây dựng, cung cấp nguồn tài nguyên học liệu mở (sách, báo, học liệu, bài giảng điện tử…). Phát triển cộng đồng số, công dân số… giúp học sinh, sinh viên và người dân tìm hiểu phát triển các kỹ năng và năng lực của bản thân trong thời đại số và toàn cầu hóa./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com