Qua bến phà Ninh Mỹ, xuôi theo triền đê sông Ninh Cơ bạt ngàn những vườn dong riềng đang mùa trổ hoa, phía xa là trang trại của gia đình ông Đỗ Văn Hạnh, xã Hải Giang (Hải Hậu) với những ao cá, vườn cây ăn quả rộng mênh mông được quy hoạch khang trang, sạch đẹp. Trang trại của ông Hạnh rộng 3 mẫu thường xuyên nuôi 2.000 con vịt đẻ, vài nghìn con vịt thịt, trồng 2.000 trụ thanh long, nuôi 2 ao cá, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Còn ở xóm Mỹ Thọ, mô hình nuôi lươn không bùn của ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông thôn. Ông đã chuyển giao kỹ thuật cho 12 hộ nông dân trong xã, 13 hộ ngoài xã và bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định cho hội viên với giá bán tại hộ nuôi từ 180-200 nghìn đồng/kg. Từ thành công của mô hình, HND xã Hải Giang đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản với 40 thành viên, trong đó ông Nam được tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương để nâng cao quy mô sản xuất.
Trang trại tổng hợp của gia đình hội viên Đỗ Văn Hạnh cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. |
HND xã Hải Giang hiện có 11 chi hội với trên 900 hội viên. Trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, thời tiết, thiên tai diễn biến bất thường, HND xã đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. HND xã đứng ra nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 136 gia đình hội viên vay vốn với tổng dư nợ 5,2 tỷ đồng; thực hiện chương trình phối hợp liên ngành giữa HND và Ngân hàng NN và PTNT, Hội đứng ra làm chủ dự án cho 267 gia đình hội viên vay vốn với tổng dư nợ gần 62 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2020, HND xã tham mưu với Đảng ủy thành lập Ban vận động Quỹ Hỗ trợ nông dân xã tiến hành giải ngân ban đầu cho 2 gia đình hội viên trong xã vay phát triển sản xuất. Cùng với việc hỗ trợ về nguồn vốn, HND xã đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” với 100% hội viên đăng ký. Năm 2018, HND xã phối hợp với HTX nông nghiệp Hải Hậu Food thuê 7.200m2 đất màu của hội viên chi hội Mỹ Thọ 2 trồng các loại dưa lê chất lượng cao với sản lượng 20 tấn/năm, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 6-8 lao động với thu nhập ổn định từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Sau hai năm sản xuất, tháng 7-2020, sản phẩm dưa của HTX đã được Trung tâm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp (Sở NN và PTNT Hà Nội) cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Từ năm 2018, HND xã phối hợp với các đơn vị tổ chức 15 cuộc hội thảo và lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, thu hút 1.140 cán bộ, hội viên, nông dân tham gia được cập nhật kiến thức về quy trình kỹ thuật sản xuất giống lúa mới; các tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nuôi trồng hải sản sử dụng chế phẩm SUMITRI làm phân hủy rơm rạ sau thu hoạch thành phân hưu cơ, cải tạo chất đất và giảm lượng phân bón 20%; trồng đinh lăng theo hướng dẫn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO). Thông qua tập huấn và tham quan mô hình nuôi lươn không bùn, đến nay toàn xã đã có 10 hộ nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, qua các lớp đào tạo nghề, nông dân trong xã đã đẩy mạnh trọng tâm chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, với 30,6ha từ trồng lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản và trồng cây dược liệu, cây ăn quả đạt 135 triệu đồng/ha.
Các hoạt động hỗ trợ hội viên nông dân phát triển kinh tế đã góp phần đưa sản xuất nông nghiệp của xã đạt được những kết quả nổi bật với 300ha cây lúa, 81ha cây rau màu; 50,1ha nuôi trồng thủy hải sản. Xã có 1 tổ hợp tác, 2 tổ hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản và trồng cây dược liệu với 90 thành viên. Các tổ hội thực sự là những “bà đỡ”, giúp hội viên, nông dân trong sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm. Chăn nuôi của xã tiếp tục phát triển ổn định với tổng đàn lợn trên 2.000 con, đàn gia cầm 120 nghìn con, trong đó tập trung ở các chi HND: Mỹ Thọ 2, Ninh Thành, Ninh Hà, Mỹ Đức... Hiện xã có 3 trang trại, 7 gia trại, nhiều mô hình chăn nuôi tổng hợp và kinh doanh thức ăn chăn nuôi, tiêu biểu như các ông: Trần Văn Phi, Phạm Văn Đệ, Vũ Văn Lương, Lâm Xuân Kỳ. Mô hình nuôi trồng thủy sản các loại kết hợp với nuôi vịt thịt, vịt đẻ, trồng cây ăn quả của các ông: Nguyễn Văn Toán, Phạm Văn Chiến, Đỗ Văn Hạnh cho thu nhập ổn định. Trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngoài các cơ sở sản xuất chế biến miến dong, trên địa bàn xã có 7 xưởng may vừa và nhỏ tạo việc làm ổn định cho trên 400 lao động với thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Các cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, mộc dân dụng, nghề xây dựng cơ bản vẫn được duy trì, thu hút trên 200 lao động, thu nhập ổn định từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), năm 2020, sản phẩm miến dong Châm Gà của HTX kinh doanh dịch vụ Liên Minh đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP. Đời sống nhân dân được cải thiện, nông dân tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Thời gian tới, HND xã Hải Giang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hội viên về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm; khuyến khích nông dân đẩy mạnh các phong trào thi đua, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả, hướng đến mục tiêu “Phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”./.
Bài và ảnh: Lam Hồng