Giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ ở Vụ Bản

04:10, 01/10/2021

Xác định giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương ở huyện Vụ Bản đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Qua đó, không ngừng nâng cao nhận thức, ý thức giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử quê hương, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vụ Bản đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững xã hội.

Tuổi trẻ Vụ Bản tham gia dọn vệ sinh, trồng cây xanh khuôn viên di tích Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh, xã Liên Bảo. Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Tuổi trẻ Vụ Bản tham gia dọn vệ sinh, trồng cây xanh khuôn viên di tích Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh, xã Liên Bảo. Ảnh: Do cơ sở cung cấp

"Thiên Bản xưa - Vụ Bản nay” là vùng đất có truyền thống hiếu học, nhiều người đỗ đạt cao trong các triều đại phong kiến với 16 vị đỗ Tiến sĩ, Thám hoa, Bảng nhãn, Trạng nguyên; tiêu biểu là Trạng nguyên Lương Thế Vinh. Trải qua các giai đoạn lịch sử, người dân Vụ Bản luôn phát huy ý chí cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, kiên cường, dũng cảm chống lại thiên tai, đánh đuổi giặc ngoại xâm; từ đó góp phần hình thành và hun đúc truyền thống quý báu của đất và người nơi đây. Vụ Bản còn là nơi hội tụ, lan tỏa nhiều giá trị truyền thống đặc sắc của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng với hàng trăm di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh; trong đó có 25 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh. Đây chính là nguồn “tư liệu” vô giá, thiết thực để các cấp, các ngành, các địa phương trong huyện đẩy mạnh giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, khai thác và phát huy hiệu quả giá trị các di sản văn hóa của quê hương.

Từ năm 2014 đến nay (trước thời điểm dịch bệnh COVID-19 phức tạp, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đã tạo điều kiện và chỉ đạo các trường học trên địa bàn tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh tham gia học tập, trải nghiệm thực tế tại các “địa chỉ đỏ” ở địa phương. Duy trì tổ chức cho học sinh tiểu học, THCS, THPT tham quan, tìm hiểu giá trị lịch sử, văn hóa, cách mạng tại các di tích, danh thắng, nhà lưu niệm, tưởng niệm, nhà truyền thống trên địa bàn; tiêu biểu như các hoạt động: tìm hiểu về di tích và lễ hội Phủ Dầy; trải nghiệm di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và nghi lễ Chầu văn của người Việt (xã Kim Thái); tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp Trạng nguyên Lương Thế Vinh tại Đền thờ Lương Thế Vinh (xã Liên Bảo); hành trình về nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Vụ Bản (xã Liên Minh); dâng hương tưởng niệm tại Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Thuận (xã Quang Trung), Đền Liệt sĩ huyện… Các nhà trường thường xuyên đổi mới công tác giáo dục truyền thống bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế. Trong kế hoạch năm học, các trường học đã chủ động đổi mới phương pháp dạy học; triển khai tổ chức sân chơi qua mô hình “Sân khấu hóa các tác phẩm văn học” hay qua các buổi giao lưu, tọa đàm, nói chuyện truyền thống với các cựu chiến binh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - những “nhân chứng sống” của lịch sử nhân dịp các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của Đảng, đất nước. Việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục truyền thống thông qua các di sản văn hóa phi vật thể ở Vụ Bản cũng đang mang lại những hiệu quả thiết thực. “Sáng tạo với ý tưởng mới mẻ, hướng tới giáo dục những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc” là điểm chung trong các chương trình trải nghiệm của các nhà trường trên địa bàn huyện thời gian qua. Vào các dịp Tết Trung thu, Tết cổ truyền dân tộc, nhiều hoạt động trải nghiệm có ý nghĩa được tổ chức như: tập gói bánh chưng, làm bánh nướng, bánh dẻo, tập viết thư pháp... với mục đích tạo cho học sinh cơ hội tìm hiểu, trải nghiệm các trò chơi dân gian, các giá trị văn hóa của phong tục tập quán truyền thống, các nghề truyền thống... Vào dịp hè, các nhà trường tổ chức các chương trình với chủ đề như: “Sĩ tử xưa và nay”; “Ngày hè tuổi thơ”, “Em là nghệ nhân nhí”, “Tự hào di sản quê em”... mang đến không gian “học mà chơi - chơi mà học” đầy thú vị và bổ ích cho học sinh.

Công tác giáo dục truyền thống trong đoàn viên, thanh niên ở Vụ Bản được Huyện Đoàn triển khai thông qua việc tổ chức các hoạt động nhân các ngày lễ lớn của đất nước như: Ngày thành lập Đảng (3-2), Ngày thành lập Đoàn (26-3), Ngày Giải phóng miền Nam (30-4); Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7); Ngày Quốc khánh (2-9); Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12). Tại các sự kiện này, nhiều hoạt động được tổ chức như: thi viết bài tìm hiểu, triển khai các cuộc vận động, trao đổi, tọa đàm, kể chuyện chuyên đề, mít tinh kỷ niệm...; qua đó giúp đoàn viên thanh, thiếu niên hiểu rõ hơn về ý nghĩa những sự kiện lịch sử của Đảng, đất nước. Bên cạnh đó là các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, tổ chức cho thanh niên gặp gỡ các nhân chứng, tìm hiểu các di tích lịch sử. Đã thành nếp hàng năm, cứ đến Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), các tổ chức cơ sở Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên lại vận động đoàn viên thanh niên tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa như: chăm sóc các Nghĩa trang liệt sĩ thắp nến tri ân tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc, nhắc nhở thế hệ trẻ phấn đấu rèn luyện để tiếp bước cha anh trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. 100% các tổ chức cơ sở Đoàn của huyện đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa của Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) gắn với tuyên truyền Ngày truyền thống Lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam (15-7) và trách nhiệm của tuổi trẻ trong công tác đền ơn đáp nghĩa; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương - bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng; giúp đỡ các cựu thanh niên xung phong, cựu chiến binh và người bị nhiễm chất độc hóa học có hoàn cảnh khó khăn… Các cấp bộ Đoàn phối hợp Hội Cựu chiến binh và các địa phương vận động đoàn viên, thanh niên chấp hành nghiêm Luật Nghĩa vụ quân sự; tham gia cảm hóa, giáo dục thanh, thiếu niên chậm tiến, lỗi lầm, giúp các em hòa nhập với cộng đồng; đồng hành với thanh niên trong xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh. Các gia đình cựu chiến binh gương mẫu đi đầu cam kết không có con em vi phạm pháp luật, mắc các tệ nạn xã hội, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc. Nhiều cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu trong các cuộc chiến tranh vệ quốc trở thành những tuyên truyền viên tích cực, sưu tầm, đóng góp các tư liệu, hiện vật về chiến tranh để giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng của cha ông cho thế hệ trẻ.

Ở huyện Vụ Bản, một trong những “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống có ý nghĩa là Đền Liệt sĩ huyện tại thị trấn Gôi. Nhiều hoạt động chính trị - xã hội giáo dục truyền thống được tổ chức tại đây như: lễ báo công, lễ phát động thi đua, lễ kết nạp Đảng, sinh hoạt truyền thống… gắn với tổ chức dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ của quê hương.

Từ năm 2020 đến nay, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng các hoạt động tuyên truyền giáo dục truyền thống vẫn được các cấp, các ngành, các địa phương của huyện Vụ Bản điều chỉnh phương thức tổ chức phù hợp. Các hoạt động “về nguồn” trực tiếp tại các “địa chỉ đỏ” không thể tổ chức. Không có những tiết học ngoại khóa, các nhà trường đã chỉ đạo tích hợp lồng ghép trong các tiết học chính khóa qua môn học Lịch sử. Học sinh được tìm hiểu trải nghiệm lịch sử của địa phương qua các phương tiện nghe nhìn, video, hình ảnh, tư liệu sinh động về mảnh đất, con người Thiên Bản xưa - Vụ Bản nay. Qua đó, khơi dậy niềm hứng thú cho các em với môn Lịch sử, vun đắp tình yêu quê hương, đất nước.

Sự đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng ở Vụ Bản đã “truyền lửa” tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Từ đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của thanh thiếu niên trong học tập, rèn luyện, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp dựng xây và phát triển quê hương, đất nước./.

Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com