Toàn tỉnh hiện có 463.290 trẻ em, chiếm 26% dân số. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, thời gian qua, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã tăng cường các biện pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho trẻ em.
Cô và trò Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (thành phố Nam Định) thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch COVID-19. |
Những “thách thức” cho phụ huynh
Để phòng chống dịch bệnh COVID-19, bước vào năm học mới, nhiều trường ở bậc mầm non, tiểu học trong tỉnh chưa tổ chức cho học sinh ăn bán trú, để thích ứng với lịch đưa đón con đi học, các bậc phụ huynh đã tìm phương án phù hợp. Anh Nguyễn Đức Văn (39 tuổi) ở phường Cửa Bắc (thành phố Nam Định) có con trai đang học lớp 4 Trường Tiểu học Lê Hồng Sơn (thành phố Nam Định) cho biết: “Nếu như trước đây tôi chủ động đưa con đi học buổi sáng và đón con cuối giờ chiều thì đến nay phát sinh việc đón con buổi trưa. Do vợ chồng tôi đều làm doanh nghiệp nên việc đón con buổi trưa và đưa đi học đầu giờ chiều nhờ cậy cả vào ông ngoại...”. Không may mắn như anh Văn có ông ngoại hỗ trợ, chị Nguyễn Thị Xuyên, phường Vỵ Xuyên (thành phố Nam Định) có con trai học lớp 2 Trường Tiểu học Hùng Vương cho biết: “Vợ chồng tôi đều làm việc ở một công ty dược trên địa bàn thành phố Nam Định, ông bà nội ngoại đều ở khác tỉnh nên để đón con buổi trưa, vợ chồng tôi luân phiên xin phép công ty tạo điều kiện để tranh thủ đón con, chuẩn bị bữa trưa cho cháu đi học đầu giờ chiều”. Với nhiều gia đình ở nông thôn, một số phụ huynh lựa chọn trông con ở nhà thay vì cho đi học ở trường mầm non do mất nhiều thời gian đưa, đón. Tuy nhiên, thời gian quản lý các con nhiều hơn, khiến nhiều người căng thẳng, dễ nổi nóng khi các con không nghe lời. Không chỉ phụ huynh, bản thân trẻ cũng uể oải vì phải thường xuyên ở nhà, không được giao lưu, tiếp xúc cùng bạn bè. Bên cạnh đó, một số phụ huynh quản lý con bằng cách cho trẻ sử dụng thường xuyên ti vi, điện thoại, máy tính kết nối mạng... lâu dần sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và thói quen sinh hoạt của các con. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh đã có cách làm sáng tạo, quan tâm đến tâm lý của con. Chị Mai Huệ Linh (23 tuổi), xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) chia sẻ: “Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên em nghỉ ở nhà trông con trai 4 tuổi. Mỗi ngày, em nghĩ ra nhiều hoạt động khác nhau để chơi cùng con như vẽ tranh, cắt dán, đố vui, trồng cây... Để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, em thường xuyên bổ sung thực phẩm, trái cây, sản phẩm tăng cường miễn dịch cho gia đình; dạy con thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế…”.
Sự chung tay của các cấp, các ngành
Thực hiện các văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành, các nhà trường trong tỉnh đang nỗ lực triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Cùng với việc thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, các nhà trường đều đầu tư trang thiết bị y tế như: máy đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, xà phòng, khẩu trang và duy trì thực hiện tổng vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp theo quy định; thường xuyên nhắc nhở học sinh, giáo viên thực hiện khuyến cáo “5K”. Xác định trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, các cấp ủy, chính quyền các cấp đều tập trung chỉ đạo rà soát, cập nhật tình hình tác động của dịch COVID-19 đến trẻ em; số lượng trẻ, nhu cầu cần hỗ trợ của trẻ em khi bố mẹ các em đang thực hiện cách ly tập trung và cách ly tại gia đình để kịp thời tham mưu UBND tỉnh triển khai các biện pháp bảo vệ trẻ em trong hoàn cảnh dịch bệnh. Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, tính đến ngày 28-9, UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 5 lao động ngừng việc với kinh phí 5 triệu đồng và hỗ trợ thêm 3 trẻ em dưới 6 tuổi là con người lao động với số tiền 3 triệu đồng ở các huyện Ý Yên và Mỹ Lộc. Thực hiện chính sách hỗ trợ bổ sung, hỗ trợ tiền ăn và trẻ em theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, đến ngày 28-9, Sở Y tế đã trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt 255 trường hợp F0, F1 với kinh phí 335,7 triệu đồng, đồng thời hỗ trợ thêm cho 90 trẻ em với kinh phí 90 triệu đồng. Ngoài ra, tùy điều kiện thực tế, tại các khu cách ly có trẻ em, các ngành, đoàn thể và người dân luôn quan tâm, hỗ trợ cho các em bằng nhiều hình thức... Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn lực hỗ trợ lâu dài cho trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp tiếp tục phát huy hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp đã vận động được gần 2,4 tỷ đồng. Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã trao tặng 65 suất học bổng, 200 suất quà đồ dùng học tập cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập; 5 bộ thiết bị vui chơi cho các trường mầm non... Các ngành chức năng, các địa phương còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan, doanh nghiệp, các quỹ xã hội tổ chức các hoạt động chăm lo trẻ em; tăng cường các hoạt động tặng quà, thăm hỏi, hỗ trợ, trao học bổng cho học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó...
Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Sở LĐ-TB và XH tiếp tục thực hiện tốt các chính sách, các đề án, chương trình, kế hoạch về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, mỗi gia đình cần xây dựng cho trẻ chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt lành mạnh, vui chơi, học tập hợp lý, thực hiện nghiêm các khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Bộ Y tế./.
Bài và ảnh: Viết Dư