Chuyển biến trong công tác an toàn thực phẩm

08:10, 15/10/2021

An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt vì ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe của con người và tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, công tác quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh được tăng cường. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chuyển biến tích cực trong việc chấp hành các quy định về bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến việc lựa chọn các sản phẩm chất lượng, an toàn.

Bếp ăn tập thể tại Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, KCN Bảo Minh (Vụ Bản) thực hiện tốt các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bếp ăn tập thể tại Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, KCN Bảo Minh (Vụ Bản) thực hiện tốt các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ATTP, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các nội dung của Chỉ thị 13 và yêu cầu tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP; phân công, phân cấp quản lý Nhà nước về ATTP theo quy định. Ban Chỉ đạo về VSATTP của tỉnh và các cấp chỉ đạo, tổ chức lực lượng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vấn đề về VSATTP trên địa bàn tỉnh. Năm 2021, tỉnh ta đã triển khai 2 đợt cao điểm tăng cường công tác ATTP vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân 2021; Tháng hành động vì ATTP năm 2021 với chủ đề: “Đảm bảo ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới”. Riêng trong đợt Tết Trung thu 2021, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo về VSATTP của tỉnh đã có văn bản chỉ đạo để phù hợp với tình hình dịch bệnh tại các địa phương. Tập trung cho công tác tuyên truyền đảm bảo ATTP gắn với phòng chống dịch tại cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm; kiểm tra các cơ sở sản xuất, nhất là cơ sở sản xuất kinh doanh bánh kẹo phục vụ Tết Trung thu. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, Ban chỉ đạo về VSATTP các cấp và các ngành chức năng đã kiểm tra 3.318 cơ sở dịch vụ ăn uống, sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố. Qua kiểm tra có 2.772 cơ sở đạt an toàn vệ sinh thực phẩm, chiếm tỷ lệ 83,5%; phát hiện 546 cơ sở vi phạm, trong đó đã xử phạt hành chính 144 cơ sở, với tổng số tiền phạt 295,5 triệu đồng; chuyển cơ quan điều tra khởi tố 1 cơ sở sản xuất mì chính Miwon giả tại huyện Nghĩa Hưng. Tịch thu tiêu hủy 37 loại sản phẩm của 36 cơ sở, cụ thể: bánh kẹo quá hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng, nhập khẩu không có phụ đề tiếng Việt; tịch thu tiêu hủy 200kg mứt không rõ nguồn gốc; tiêu hủy 384,5kg thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Bên cạnh đó, các ngành chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý Nhà nước về ATTP như: Giám sát chất lượng hàng hóa; giám sát các mối nguy (giám sát tại các sự kiện chính trị, văn hóa; giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm; phòng chống ngộ độc thực phẩm); triển khai giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm chuyên đề Nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ dưới 36 tháng tuổi, thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, muối i-ốt, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt. Ngành Y tế phối hợp với các doanh nghiệp có bếp ăn tập thể xây dựng mô hình kiểm soát ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại 16 bếp ăn tập thể của 14 doanh nghiệp của Khu công nghiệp Hòa Xá (4 doanh nghiệp), Khu công nghiệp Bảo Minh (4 doanh nghiệp) và 6 doanh nghiệp ngoài các Khu công nghiệp. Tham gia thực hiện mô hình kiểm soát ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, các bếp ăn tại doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất, đáp ứng các điều kiện bảo đảm ATTP; được cấp phát tờ rơi, bộ Test nhanh; các bảng biểu, dụng cụ và được tập huấn kiến thức đảm bảo ATTP, được hướng dẫn cách sử dụng test nhanh ATTP để kiểm tra các nguyên liệu thực phẩm được đưa vào chế biến... Qua đó, tăng cường đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể trong doanh nghiệp. 

Cùng với tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ATTP, các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chủ cơ sở, người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, cũng như người tiêu dùng với nhiều hình thức phong phú trên các kênh thông tin như: Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, đặc biệt là hệ thống phát thanh, loa đài ở xã, phường, thị trấn với tổng số 6.800 chương trình phát thanh, 29 chương trình truyền hình, gần 200 tin bài trên báo in, báo điện tử. Chăng treo trên 3.000 pa-nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu; cấp phát 59 nghìn tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về các điều kiện đảm bảo ATTP, hướng dẫn lựa chon, bảo quản thực phẩm, bảo đảm ATTP đối với gia đình trong phòng chống dịch COVID-19, bảo đảm ATTP bếp ăn tập thể, nhà hàng phòng, chống dịch COVID 19. Tổ chức 10 hội nghị, hội thảo, 56 lớp tập huấn về công tác ATTP với trên 3.000 người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tham dự. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phối hợp với các địa phương hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp có bếp ăn tập thể tăng cường công tác ATTP, bố trí nhà ăn đảm bảo người ngồi giãn cách theo quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19… Qua đó nâng cao nhận thức, ý thức của cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và mỗi người về bảo đảm ATTP, nhất là trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19 hiện nay. Tuy nhiên, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất. Tình trạng thực phẩm lậu, giả và sản xuất không bảo đảm ATTP xuất hiện trên thị trường vẫn phức tạp.

Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP, ngày 11-8-2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 88/KH-UBND về công tác đảm bảo ATTP giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Kế hoạch 88, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố tăng cường sự lãnh đạo, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp đối với công tác ATTP, triển khai có hiệu quả các hoạt động bảo đảm ATTP. Các địa phương xây dựng phương án quy hoạch các khu giết mổ tập trung, chợ đầu mối, chợ dân sinh, khu sản xuất, chăn nuôi; khu nuôi trồng thủy, hải sản đảm bảo ATTP. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm nghiệm, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP, truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn. Kiên quyết xử lý các vi phạm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng theo quy định của pháp luật. Thúc đẩy, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến. Đẩy mạnh tuyên truyền, tiếp tục huy động sự tham gia của toàn xã hội thực hiện các quy định về ATTP, giám sát, phát hiện vi phạm ATTP, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân./.

Bài và ảnh: Minh Tân

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com