Đến thời điểm hiện tại, các trường đại học trên địa bàn tỉnh đang tiến hành tuyển sinh và chuẩn bị các điều kiện tổ chức cho sinh viên nhập học.
Sinh viên Khoa Cơ khí, Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp trong giờ thực hành. Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Thực hiện kế hoạch tuyển sinh năm học 2021-2022, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp (Bộ Công Thương) tuyển sinh ở 18 ngành đào tạo trình độ đại học với chỉ tiêu 4.908 sinh viên. Hiện tại, công tác tuyển sinh của nhà trường đã cơ bản hoàn tất với số lượng thí sinh trúng tuyển và nhập học đạt 106% chỉ tiêu đề ra theo 2 phương thức: xét tuyển bằng kết quả học bạ THPT và xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Trong 18 ngành đào tạo trình độ đại học của nhà trường, thống kê mùa tuyển sinh năm nay cho thấy khối ngành Kinh tế và Công nghệ như: Quản trị kinh doanh, Kế toán, Công nghệ thông tin... có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển khá đông. Điểm tốt nghiệp THPT 2021 xét trúng tuyển vào trường từ 16,75-21,5 điểm tùy từng ngành; điểm xét học bạ có những ngành cao trên 27 điểm. Đặc biệt, với điểm trúng tuyển nguyện vọng xét đợt 2 có nhiều ngành mức điểm trúng tuyển trên 27 điểm. Kết quả đó phần nào khẳng định uy tín, chất lượng đào tạo của nhà trường ngày một nâng cao. Trước tình hình những năm gần đây công tác tuyển sinh đại học trong toàn quốc gặp nhiều khó khăn, đặc biệt, năm 2021 là năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nắm bắt được nhu cầu và xu thế của xã hội, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp đã đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho năm học mới. Nhà trường đã đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, sửa chữa các phòng học, bảo trì, bảo dưỡng các trang thiết bị phục vụ học tập. Các xưởng thực hành được sửa chữa, xây mới theo mô hình quản lý 5S, văn phòng làm việc của các khoa, phòng, ban được chỉnh trang, đảm bảo tính đồng bộ, thẩm mỹ. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh, nhà trường đã tổ chức nhiều chương trình bồi dưỡng để giảng viên tiếp cận với các phương pháp giảng dạy mới, hiện đại. Các khoa chuyên môn tổ chức nhiều khóa học nâng cao nghiệp vụ, ngoại ngữ, hội thảo chuyên đề nhằm cập nhật kiến thức mới tới toàn thể giảng viên. Nhà trường đã tổ chức đón tiếp và làm thủ tục nhập học cho thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển học bạ từ ngày 11-8 đến hết ngày 28-9 và cho thí sinh trúng tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT từ 16-9 đến hết 22-9. Với 2 địa điểm đào tạo tại Hà Nội và Nam Định, sinh viên được tùy ý lựa chọn địa điểm học tập ở Hà Nội hoặc Nam Định theo nhu cầu của cá nhân. Hiện tại, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, trường tổ chức khai giảng trực tuyến vào ngày 15-10 và tổ chức dạy học cho sinh viên theo hình thức online.
Bám sát nhu cầu xã hội và căn cứ kết quả tuyển sinh trong 3 năm: 2018, 2019, 2020 cho thấy tỷ lệ học sinh trúng tuyển xác nhận nhập học đối với ngành Điều dưỡng, Hộ sinh khoảng 70-80%, đối với ngành Dinh dưỡng khoảng 20-30%, năm 2021, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định (Bộ Y tế) tuyển 910 chỉ tiêu đại học chính quy (trong đó đông nhất là ngành Điều dưỡng có 700 chỉ tiêu) bằng 3 phương thức tuyển sinh gồm: Phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2021; phương thức xét điểm học bạ THPT và xét tuyển thẳng. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của trường dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 dao động từ 15 đến 20 điểm; trong đó, Điều dưỡng là ngành có mức điểm chuẩn vào trường cao nhất với 20 điểm; ngành Hộ sinh là 19 điểm và ngành Dinh dưỡng 15 điểm. Với thí sinh trúng tuyển, thời gian xác nhận nhập học từ 7h30 ngày 30-9 đến hết ngày 17-10 qua 2 phương thức nhập học: Xác nhận nhập học và nhập học trực tiếp tại trường; nhập học bằng cách gửi hồ sơ về phòng Công tác Học sinh sinh viên nhà trường. Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định (Bộ Y tế) với cơ sở vật chất hiện có 212 phòng chức năng với: Hội trường, giảng đường, phòng học các loại, phòng đa năng; 6 thư viện, trung tâm học liệu; 53 trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm, thực nghiệm, cơ sở thực hành, thực tập, luyện tập phục vụ tốt việc dạy và học. Đội ngũ giảng viên gần 200 người hầu hết có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và hơn 240 giảng viên thỉnh giảng được cập nhật các kiến thức mới nhất về các chuyên ngành đào tạo như điều dưỡng, y đa khoa, dịch tễ học, sản phụ khoa, y tế công cộng… Với năng lực đồng bộ trường đã sẵn sàng đón sinh viên vào nhập học ở các chuyên ngành đào tạo: Điều dưỡng Nội người lớn, Điều dưỡng ngoại người lớn, Điều dưỡng Sản phụ khoa, Điều dưỡng Nhi, Điều dưỡng Sức khỏe tâm thần, Điều dưỡng cộng đồng.
Năm học 2021-2022, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định (thuộc Bộ LĐ-TB và XH) tuyển 960 chỉ tiêu với 2 phương thức: xét tuyển dựa vào kết quả 3 năm học tập THPT và xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Với kết quả thi tốt nghiệp THPT, điểm trúng tuyển từ 15 điểm trở lên. Hiện tại trường đang tiếp tục tuyển và gọi sinh viên nhập học, dự kiến đến 30-10 hoàn thành công tác tuyển sinh. Đầu tháng 11, trường tổ chức cho sinh viên nhập học. Hiện tại, với cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực gồm: Trên 40 phòng học lý thuyết, mạng internet kết nối 850 máy tính cá nhân, máy chủ phục vụ học tập và nghiên cứu khoa học, gần 100 phòng thí nghiệm, xưởng thực hành; trong đó, một số phòng thí nghiệm thực hành có công nghệ hiện đại như: Phòng thí nghiệm Mạng truyền thông công nghiệp tự động hóa; Phòng Điều khiển quá trình công nghiệp; Phòng thí nghiệm Động lực học ô tô; Phòng thí nghiệm điện ô tô nâng cao; Phòng thí nghiệm thực hành robot hàn; Phòng thí nghiệm vật liệu mới bao gồm cả máy quang phổ xác định thành phần thép công nghệ Israel; hệ thống soi kim cương… Cùng Trung tâm Thực hành 5 tầng với hệ thống trang thiết bị hiện đại, đội ngũ giảng viên gần 200 người, trong đó, số cán bộ giảng dạy có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ chiếm 97%, đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả, năng lực của trường, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu và thực hành nghề nghiệp của sinh viên thuộc các lĩnh vực ngành nghề Kỹ thuật điện, điện tử; Tự động hóa; Công nghệ thông tin... trong thời kỳ khoa học công nghệ 4.0.
Hiện tại, các trường đại học đóng trên địa bàn tỉnh đang hoàn tất công tác tuyển sinh và chuẩn bị các điều kiện để đón sinh viên vào nhập học tại trường. Cùng với những thuận lợi trong công tác tuyển sinh như: Xu hướng học các ngành công nghệ kỹ thuật theo hướng ứng dụng (vừa có lý thuyết, vừa có kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng vị trí việc làm) đã và đang được xã hội quan tâm, điều này tạo thuận lợi rất lớn cho các nhà trường trong việc tuyển sinh vì các ngành đào tạo của các nhà trường được xây dựng và tổ chức thực hiện theo hướng ứng dụng; quy chế tuyển sinh đã cho phép các trường tự chủ trong việc xây dựng đề án tuyển sinh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các trường cũng như người học trong việc lựa chọn phương án phù hợp với bản thân; kết quả thi tốt nghiệp THPT tương đối cao, đảm bảo công bằng, chính xác giúp các trường yên tâm về chất lượng sinh viên đầu vào; kết quả so sánh giữa điểm thi tốt nghiệp và điểm tổng kết theo năm học có sự chênh lệch tương đối thấp. Tuy nhiên, các trường đang vấp phải không ít khó khăn: Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, thí sinh có xu hướng lựa chọn các trường tại các thành phố lớn thay vì lựa chọn các trường đóng tại tỉnh ta...; xu hướng học xong THPT đi làm việc ngay tại các nhà máy, xí nghiệp cũng đang phổ biến. Những hạn chế nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh của các nhà trường. Để từng bước khắc phục khó khăn, các trường đang rất cần sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của địa phương, các ngành liên quan và toàn xã hội cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và đặc biệt là “đầu ra” của các nhà trường./.
Minh Thuận