Mô hình trường học văn minh, học sinh thân thiện, không có ma túy và bạo lực học đường được Công an tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện từ tháng 9 năm 2019. Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của hai ngành, đến nay mô hình đã nhân rộng ở cả 752 cơ sở giáo dục thuộc 10 huyện, thành phố trong tỉnh.
Hoạt động ngoài trời của cô và trò Trường Mầm non Hoa Sữa, thành phố Nam Định (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). |
Để thực hiện các tiêu chí xây dựng trường học văn minh, Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên quán triệt các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo bao gồm: Quyết định số 16 ngày 16-4-2008 ban hành quy định về đạo đức nhà giáo; Chỉ thị số 1737 ngày 7-5-2018 về tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo; đồng thời đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; chỉ đạo các cơ sở giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ, giao tiếp ứng xử; đổi mới phong cách làm việc, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục và đào tạo. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành giáo dục phải rèn luyện tác phong làm việc nhanh nhẹn, khẩn trương, khoa học; văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội, trong giao tiếp với đồng nghiệp, với người học, phụ huynh, nhân dân; giải quyết công việc khách quan, tận tình, chu đáo. Trang phục, trang sức của cán bộ, giáo viên khi thực hiện nhiệm vụ phải giản dị, gọn gàng, lịch sự, phù hợp với nghề dạy học; thực hiện đúng các quy định về lễ phục trong các ngày lễ, hội họp; trong giờ chào cờ hàng tuần; không sử dụng điện thoại di động và làm việc riêng trong các cuộc họp, trong khi lên lớp, học tập, coi thi, chấm thi... Trong 2 năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức 354 lớp bồi dưỡng các chuyên đề về đạo đức công vụ, đạo đức nhà giáo; văn hóa ứng xử trong môi trường học đường; xây dựng hình ảnh nhà giáo trong thời đại số và các biện pháp xử lý khủng hoảng truyền thông cho các đối tượng là lãnh đạo quản lý, cán bộ, công nhân viên, giáo viên các cơ sở giáo dục. Thực hiện các giải pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của 9.349 giáo viên chủ nhiệm lớp ở các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên trong việc theo dõi, đôn đốc nhắc nhở quá trình học tập, rèn luyện, nền nếp sinh hoạt, hướng dẫn học sinh tích cực tham gia sinh hoạt các tổ chức Đoàn, Đội, Hội; chấp hành tốt nội quy, quy chế học tập, sinh hoạt, thực hiện đầy đủ các quy định về an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm, ma túy và các tệ nạn xã hội, thực hiện an toàn giao thông. Ban giám hiệu các nhà trường đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Ban đại diện cha mẹ học sinh, bảo vệ nhà trường, lực lượng Công an, nhất là lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an xã, phường, thị trấn trong việc quản lý học sinh; tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao và nhiều hoạt động khác lôi cuốn, giáo dục học sinh; động viên, giúp đỡ giải quyết kịp thời những băn khoăn, vướng mắc của học sinh trong học tập, sinh hoạt, giáo dục học sinh cá biệt, chậm tiến có nguy cơ vi phạm pháp luật; hướng dẫn các tổ tự quản hoạt động nền nếp, hiệu quả. Qua đó, 2 năm qua, toàn tỉnh không có trường hợp giáo viên phải xử lý kỷ luật vì vi phạm đạo đức nhà giáo, đội ngũ cán bộ giáo viên toàn ngành gắn bó với nghề nghiệp, hết lòng vì học sinh thân yêu.
Đẩy mạnh xây dựng trường học không ma túy, không bạo lực học đường, các trường học trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc; trong đó ngay từ đầu năm học mới đã tổ chức cho cán bộ, giáo viên và học sinh ký cam kết không liên quan đến ma túy và giao ước thi đua thực hiện tốt chương trình phòng, chống ma túy. Ngoài tuyên truyền sâu rộng, các nhà trường tổ chức đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin của học sinh, cán bộ, giáo viên và nhân dân có liên quan đến công tác phòng, chống ma túy... Duy trì các mô hình “Hòm thư tố giác tội phạm”, hoạt động “Tìm địa chỉ đen”... nhằm cung cấp các thông tin có giá trị, giúp lực lượng Công an và các cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn các hoạt động buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các chất ma túy. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên 2 năm gần đây trên địa bàn tỉnh không có trường hợp cán bộ, giáo viên và học sinh liên quan đến tệ nạn ma túy. Một số trường học có nhiều sáng tạo trong công tác phòng, chống ma túy. Ở Trường THCS Hàn Thuyên (thành phố Nam Định), BCH Đoàn trường đã triền khai mô hình “Hòm thư giúp bạn” được mở vào cuối ngày thứ bảy hàng tuần và điều tra ma túy bằng phiếu kín, mỗi năm 2 đợt. Phiếu kín được phát đến từng học sinh, kết hợp với giáo viên chủ nhiệm và được thu theo sơ đồ bí mật để tiện theo dõi tên học sinh được phản ánh và người phản ánh. Thông qua mô hình đã giúp các em có ý thức giữ gìn bản thân, cảnh giác, tránh xa ma túy. Trường THPT A Hải Hậu thường xuyên tổ chức phát trên loa trong các buổi sinh hoạt 15 phút đầu giờ và giờ ra chơi với các nội dung liên quan đến nguy cơ, tác hại của ma túy đối với giới trẻ hiện nay. Đồng thời tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp với nội dung phòng chống ma túy xâm nhập học đường bằng hình thức sân khấu hóa thu hút đông đảo học sinh tham gia. Bên cạnh đó, Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo bộ môn Sinh học tổ chức ngoại khóa sức khỏe sinh sản vị thành niên; các khả năng, tình huống có thể lây nhiễm HIV/AIDS; tình bạn, tình yêu tuổi học trò. Tổ chức cho học sinh ký cam kết thực hiện tốt nội dung vì mái trường không có ma túy...
Về nội dung xây dựng trường học không có bạo lực học đường, các nhà trường tích cực giáo dục đạo đức, văn hóa cho học sinh; tăng cường các hoạt động ngoại khóa, các tiết học tập thể, giáo dục kỹ năng sống... nhằm tạo sân chơi lành mạnh, giúp học sinh có cơ hội thể hiện mình, giao lưu chia sẻ, đoàn kết trong cộng đồng. Ban giám hiệu các nhà trường phối hợp với Công an địa phương và các tổ chức chính trị, xã hội tổ chức các diễn đàn, nói chuyện chuyên đề, các buổi ngoại khoá nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của giáo viên, học sinh trong việc “nói không với hành vi bạo lực”; đồng thời phát huy vai trò của cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh trong việc ngăn chặn, tố giác hành vi bạo lực đối với bản thân và người xung quanh. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phát hiện sớm các dấu hiệu bạo lực học đường, khả năng xử lý, ứng biến và chủ động phòng, chống các hành vi bạo lực học đường. Qua đó trong 2 năm qua, toàn tỉnh chỉ xảy ra 4 vụ bạo lực học đường (giảm 7 vụ so với năm trước khi phát động mô hình trường học văn minh, học sinh thân thiện, không có ma túy và bạo lực học đường).
Hiệu quả từ mô hình trường học văn minh, học sinh thân thiện, không ma túy và bạo lực học đường là đã tạo chuyển biến rõ nét tình hình an ninh trật tự trong tỉnh nói chung và trong các trường học nói riêng, tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện./.
Bài và ảnh: Xuân Thu