Qua mùa tuyển sinh đại học năm 2021

08:09, 23/09/2021

Những ngày này, công tác tuyển sinh đại học cũng đang trở thành đề tài “nóng bỏng” trên mạng xã hội khi rất nhiều thí sinh điểm cao gần như “kịch trần” vẫn trượt (!). Mức điểm chuẩn vào đại học năm nay tăng mạnh so với năm ngoái và tăng ở tất cả các ngành khiến nhiều phụ huynh, học sinh ngỡ ngàng. Một số ngành năm ngoái chỉ lấy 18 điểm, nhưng năm nay vọt lên tới 25-26 điểm (!).

Học sinh các trường THPT trên địa bàn thành phố Nam Định trong một buổi Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).  Bài và ảnh: Minh Thuận
Học sinh các trường THPT trên địa bàn thành phố Nam Định trong một buổi Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Tại các trường đại học “tốp” đầu như Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội..., mức điểm các ngành dao động trong khoảng từ 27-30 điểm. Riêng ngành Hàn Quốc học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) lấy mức điểm chuẩn tới 30 điểm với khối C00, thì để đỗ được vào ngành này, thí sinh phải đạt 3 điểm 10 ở cả 3 môn thi. Với các ngành hot của các trường tốp đầu khác, tuy điểm chuẩn không kịch trần nhưng muốn đỗ, thí sinh (nếu không có điểm cộng) thì phải đạt 29 điểm. Do vậy, có những thí sinh 29,5 điểm mà không có thêm điểm ưu tiên vẫn trượt (?!). 

Sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn, không ít phụ huynh và học sinh lớp 12 đã ngỡ ngàng thất vọng bởi có em đã đạt tới 26-27 điểm vẫn không vào được đại học ở các nguyện vọng (NV) NV1, NV2, NV3, NV4..., thậm chí có em còn trượt hết tất cả các nguyện vọng đã đăng ký. Phạm Trà My, một học sinh được thầy cô giáo và các bạn nhận xét học tương đối “chắc tay”, là học sinh giỏi 3 năm liền của một trường THPT chất lượng cao trên địa bàn thành phố Nam Định đã đạt tới 26,45 điểm ở 3 môn Văn, Toán, Anh, điểm thi tốt nghiệp THPT của em cũng khá cao so với mặt bằng chung của thí sinh toàn tỉnh nhưng em vẫn trượt ở hầu hết các nguyện vọng em đăng ký. Với lực học và điểm số đã đạt, nghiên cứu phổ điểm năm trước, em và gia đình khá tự tin lựa chọn các ngành đang hot của các trường Đại học Ngoại thương và Đại học Kinh tế Quốc dân. Chị Loan, mẹ của Trà My chia sẻ: “Những ngày qua cháu rất buồn và sốc, bởi ước mơ của cháu ấp ủ từ lâu đành phải gác lại. Gia đình phải luôn ở bên an ủi, động viên cháu...”.

Một số cán bộ quản lý giáo dục, các chuyên gia trong lĩnh vực tuyển sinh đại học đã phân tích, chỉ ra các nguyên nhân “kỳ lạ” của điểm tuyển sinh năm nay khiến “30 điểm vẫn trượt đại học cũng không có gì bất thường”. Đó là do các em mắc phải một số sai lầm khi đăng ký nguyện vọng. Cụ thể là các em chưa đánh giá đúng mức điểm của mình trong mặt bằng chung điểm toàn quốc. Nếu mọi năm, 27 điểm có thể là rất cao nhưng năm nay thì không, toàn quốc có rất nhiều em đạt từ 28 điểm trở lên. Ngay những môn khó đạt điểm trọn vẹn như Văn cũng xuất hiện điểm 10. Do vậy các trường tốp đầu cũng sẽ chọn các thí sinh xuất sắc với mức điểm cao nhất. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến điểm chuẩn đại học tăng so với năm ngoái là không ít trường đã cắt giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, giành các chỉ tiêu tuyển sinh cho các phương thức tuyển khác như xét điểm học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS... Mặt khác, việc đánh giá độ “hot” của các ngành trong từng trường cũng chưa đúng. Bên cạnh đó, không ít em đã “bỏ hết trứng vào 1 giỏ” khi dồn hết nguyện vọng vào các trường tốp đầu của cả nước như: Đại học Y Hà Nội, Đại học Dược Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương… những trường có mức cạnh tranh vô cùng quyết liệt, mà không cân nhắc phương án dự phòng, không tính “đường lui” cho bản thân. Em Phạm Như Quỳnh, học sinh lớp 12A1, Trường THPT B Nghĩa Hưng (Nghĩa Hưng) chia sẻ: Với số điểm ở cả hai khối A và B là 27,25 điểm, tuy hơi buồn vì không trúng NV1 là Đại học Y Hà Nội, nhưng rất may em đã chọn NV2 là Khoa IT1 (Khoa học máy tính) của Đại học Bách khoa Hà Nội, nên đã đỗ khi thừa 0,01 điểm. Ở lớp của Quỳnh, hầu hết các bạn đều đăng ký hơn 10 nguyện vọng và rất may mắn tất cả các bạn đều đỗ do đều tính đến các phương án dự phòng từ cao xuống thấp. Để chọn và đăng ký nguyện vọng, Quỳnh đã tham khảo các khối ngành từ cao xuống thấp ở tất cả các trường có đào tạo ngành đó; tham khảo trên trang web của trường, theo dõi dư luận trên facebook và các cuốn cẩm nang như “Cùng con bước qua các kỳ thi”, “Tư vấn tuyển sinh”... Bên cạnh đó, việc chọn trường tương ứng với lực học là rất quan trọng ngay từ những lớp đầu cấp và ở từng giai đoạn, căn cứ cả ở nhu cầu xã hội từng thời điểm. Thầy Vũ Văn Đạm, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1, Trường THPT A Hải Hậu (Hải Hậu) cho biết: Năm nay, 100% học sinh lớp 12A1, Trường THPT A Hải Hậu đỗ NV1 vào các trường tốp đầu như: Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Dược Hà Nội... Có được kết quả trên, nguyên nhân chính là do chất lượng “đầu vào” của các em rất tốt; chất lượng dạy và học của trường luôn ổn định và ngày càng nâng cao; không khí thi đua học tập của học sinh trong lớp cũng là động lực tạo nên sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của các em. Nói về lựa chọn nguyện vọng, nhiều chuyên gia có kinh nghiệm tuyển sinh cho biết: Khi lựa chọn nguyện vọng, các thí sinh nên đặt thật nhiều nguyện vọng, đặt tất cả những nguyện vọng mà mình thích ở tất cả các trường mà mình có khả năng học tập và làm việc để “chống trượt”. Bên cạnh đó, khi đăng ký nguyện vọng thí sinh phải chú ý tính toán chỉ tiêu tuyển sinh ở các trường mà có xét tuyển cho thí sinh có chứng chỉ IELTS. Ngoài ra, công tác tư vấn tuyển sinh để chọn ngành, chọn trường cũng rất quan trọng. Nói về tư vấn tuyển sinh, thầy Nguyễn Văn Đằng, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Trực Ninh) chia sẻ: “Để định hướng “đường đi nước bước” cho các em, chúng tôi tổ chức tư vấn tuyển sinh cho các em với phương châm “Chọn ngành rồi mới chọn trường”. Chúng tôi đưa ra loạt trường cùng đào tạo ngành đó, từ các trường tốp đầu đến các trường tốp dưới, để các em chọn trường tương đương điểm chuẩn, tất nhiên có tham khảo điểm chuẩn các năm trước, sau đó tư vấn cho các em nên chọn ngành mình yêu thích từ những trường ở tốp đầu tới các trường có điểm chuẩn thấp hơn...”.

Một mùa tuyển sinh đại học đang dần khép lại với nhiều vui, buồn và bộn bề cảm xúc, nhiều nụ cười nhưng cũng nhiều giọt nước mắt tiếc nuối. Tuy nhiên cánh cửa vào trường đại học không phải là cánh cửa duy nhất để vào đời, lập nghiệp. Còn rất nhiều đường đi và thành công của mỗi người nằm ở đôi bàn tay, khối óc và sự nỗ lực không ngừng để học hỏi, hoàn thiện bản thân để tự bước đến đích của thành công trong cuộc sống./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com