Những nạn nhân "da cam" giàu nghị lực

08:09, 13/09/2021

Cùng với sự quan tâm của các cơ quan chức năng và cộng đồng, phần đông những nạn nhân chất độc da cam/điôxin đã vượt lên nỗi đau để dựng xây cuộc sống. Nhiều người đã trở thành những tấm gương sáng về tinh thần, nghị lực vươn lên, tích cực tham gia công tác xã hội, phát triển kinh tế gia đình.

Một trong những tấm gương điển hình vượt lên số phận là ông Nguyễn Đình Lâm ở xã Yên Bình (Ý Yên). Năm 1971, ông Lâm lên đường nhập ngũ, được biên chế vào Đại đội 10, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 102 (Sư đoàn 308), trực tiếp tham gia chiến dịch 56 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Trong quá trình chiến đấu, ông bị nhiễm chất độc da cam/điôxin. Năm 1973, ông Lâm được cử đi học tại Trường Sĩ quan lục quân 1. Từ năm 1977 đến 1980, ông tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và sau đó xuất ngũ trở về địa phương. Do ảnh hưởng của chất độc da cam/điôxin, sức khỏe ông dần trở nên sa sút khi thường xuyên bị đau đầu, nhức xương, mỏi mệt. Sau khi lập gia đình, ông Lâm đã nỗ lực vươn lên, làm đủ mọi nghề, từ làm thuê, đào đất đóng gạch, chụp ảnh dạo… để trang trải cuộc sống nhưng cái nghèo vẫn luôn đeo bám. Năm 1991, ông chuyển sang học nghề cơ khí và sau đó đi làm cho các hộ gia đình đúc nhôm ở xã Yên Xá. Nhận thấy có cơ hội trong việc kinh doanh từ các mặt hàng tại đây, ông mạnh dạn vay vốn để lấy hàng đi bán lẻ tại khắp các địa phương trong tỉnh rồi ra cả các tỉnh ngoài. Được bạn hàng tin tưởng đặt hàng theo mẫu, với vốn kiến thức và kinh nghiệm trong quá trình làm việc tại các xưởng đúc nhôm, ông mày mò tạo khuôn, mua nguyên liệu để tự sản xuất. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng ông đã thành công trong sản xuất các phụ kiện của các công trình đường dây cao thế 35 đến 220kV và trạm biến áp. Đến nay, ông cùng các con đã thành lập các Công ty TNHH Tùng Phát, Công ty cổ phần Đầu tư sản xuất xây lắp Trung Lâm để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm thường xuyên cho 25 đến 30 lao động địa phương. 

Anh Nguyễn Huy Hoàng (SN 1986) ở phường Văn Miếu (thành phố Nam Định) có bố là chiến sĩ pháo binh từng chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Do ảnh hưởng của chất độc hóa học từ bố, từ khi sinh ra, một cánh tay trái của Hoàng đã teo tóp, bàn tay dị dạng không cầm nắm được, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Với sự nỗ lực vươn lên trong học tập, sau khi tốt nghiệp THPT, Hoàng thi đỗ vào Trường Đại học Công nghệ thông tin Thành phố Hồ Chí Minh. Ra trường, Hoàng được nhận vào làm lập trình viên tại Tập đoàn NCS Media Hà Nội. Năm 2010, với kiến thức và kinh nghiệm được tích lũy, Hoàng về thành phố Nam Định thành lập Công ty TNHH “Cuộc sống” chuyên thiết kế trang web và dịch vụ quảng cáo online, thương mại điện tử. Khởi nghiệp trong điều kiện gia đình khó khăn, bố mẹ ốm đau, già yếu, vốn phải đi vay nhưng Hoàng đã nỗ lực vượt khó vươn lên, lập ra những sản phẩm phần mềm tin học có chất lượng với dịch vụ uy tín, tạo được niềm tin với khách hàng. Hàng năm, sau khi trừ các chi phí, anh có thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm. Tuy thu nhập còn khiêm tốn nhưng đã giúp anh ổn định cuộc sống gia đình, mua được nhà riêng và có thời gian dạy nghề cho hàng chục thanh niên có nhu cầu lập nghiệp bằng công nghệ thông tin. Năm 2015, anh được Công ty Dược phẩm PQA tại Nam Định nhận vào làm quản lý phụ trách marketing online. Bên cạnh đó, Hoàng đã mở thêm được gian hàng kinh doanh đồ thể thao trẻ em tại nhà, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Ngoài công việc tại công ty và kinh doanh, Hoàng còn là cộng tác viên tích cực trong một số hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin của tỉnh, trong đó có nhiệm vụ quản trị trang web của tỉnh Hội.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh ta có hàng chục vạn người con với tuổi thanh xuân phơi phới đã tình nguyện lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Nhiều người trong số họ đã hy sinh anh dũng, nhiều người bị thương tật, có gần 30 nghìn người trong số họ bị phơi nhiễm chất độc da cam/điôxin. Đến nay đã có 16.659 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam/điôxin. Bản thân các nạn nhân đều xác định “tàn nhưng không phế” nên luôn cố gắng vươn lên, vượt qua mọi khó khăn bệnh tật, thiếu thốn về vật chất để lo cho cuộc sống gia đình ổn định. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội, nhiều nạn nhân đã không ngừng học tập, lao động nỗ lực từng ngày vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, được cấp ủy, chính quyền địa phương tin tưởng ghi nhận và trở thành tấm gương sáng tiếp thêm nghị lực, niềm tin cho những người cùng cảnh ngộ./.

Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com