Từ năm học 2020-2021, Bộ GD và ĐT chỉ đạo triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 với mục đích kế thừa, phát triển những ưu điểm của chương trình GDPT đã có và xây dựng chương trình GDPT 2018 theo hướng phát triển các phẩm chất và năng lực học sinh, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội; trong đó, đổi mới phương pháp dạy học là một giải pháp được xem là then chốt, có tính đột phá cho việc thực hiện chương trình.
Học sinh Trường Tiểu học Nam Hồng trong một giờ học. |
Thực hiện chỉ đạo của Bộ và Sở GD và ĐT, Phòng GD và ĐT huyện Nam Trực đã chỉ đạo các trường tiểu học triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm triển khai đạt hiệu quả chương trình GDPT 2018, nâng cao chất lượng giáo dục. Các nhà trường tổ chức tập huấn; xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường theo đúng quy định và phù hợp điều kiện thực tiễn đơn vị, nâng cao năng lực đội ngũ, thực hiện đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học; tăng cường dự giờ, thăm lớp; thực hiện chương trình theo hướng phân bổ hợp lý nội dung, thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc và các hoạt động giáo dục khác để không gây quá tải, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học. Các nhà trường tích cực đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường tổ chức hoạt động ứng dụng trong các giờ học chính khóa, nhằm tạo cơ hội cho học sinh vận dụng những kiến thức, kỹ năng, thể nghiệm giá trị đã được học vào trong cuộc sống thực tiễn ở gia đình, nhà trường và cộng đồng, như: Dạy toán gắn với các hoạt động trong thực tiễn cuộc sống như cân, đo, đong, đếm, mua bán, tiêu dùng, tìm phương án giải quyết một tình huống toán học liên quan đến đời sống sinh hoạt, dân số, độ tuổi, tài nguyên, môi trường, địa lý... Dạy tiếng Việt gắn với dạy học sinh biết cách giao tiếp, ứng xử trong cuộc sống hàng ngày. Thông qua các hoạt động ứng dụng này nhằm củng cố kiến thức, kỹ năng, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, giúp các em gắn lý thuyết vào thực tiễn, thấy được vai trò quan trọng của tri thức trong đời sống hàng ngày, tăng hứng thú và hiệu quả trong dạy học.
Các nhà trường còn đưa các tiết học ra ngoài không gian lớp học để tạo hứng thú, say mê học tập cho học sinh, giúp học sinh tìm hiểu được nhiều kiến thức, kỹ năng từ cuộc sống, học sinh được hòa mình vào thiên nhiên, quan sát tìm hiểu thiên nhiên… từ đó hiểu giá trị của thiên nhiên, thêm yêu thiên nhiên, có ý thức bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống xung quanh. Qua đó các em cũng bộc lộ cá tính, năng khiếu, sở trường, hình thành thói quen hợp tác, chia sẻ, biết vận dụng các kiến thức vào thực tiễn một cách sáng tạo.
Các nhà trường đẩy mạnh hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) sở thích, chuyên ngành nhằm tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh, giúp học sinh phát triển năng khiếu, nuôi dưỡng niềm đam mê học tập, nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn; góp phần hình thành và phát triển ở học sinh những giá trị và năng lực cần thiết cũng như giúp nhà trường phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu… Một trong các CLB “mạnh” của huyện là CLB Toán Tuổi thơ thu hút nhiều học sinh tham gia. Nhiều giáo viên và học sinh rất tích cực tham gia giải bài trên Tạp chí Toán Tuổi thơ đạt kết quả tốt được khen thưởng. Nhiều CLB Toán Tuổi thơ của huyện tham gia CLB Toán Tuổi thơ quốc gia, thi toán quốc tế đoạt giải cao như các CLB Toán Tuổi thơ các trường tiểu học: Nam Giang, Hồng Quang, Nam Hồng… CLB STEM ROBOTICS giúp học sinh phát triển tư duy logic và làm chủ công nghệ robot. Thông qua việc học tập cùng những chú robot, học sinh được phát triển toàn diện. Hình thức CLB này đang được phát triển và nhân rộng ở nhiều trường tiểu học trong huyện, tiêu biểu như các trường tiểu học: Nam Tiến, Đồng Sơn, Nam Mỹ, Nam Giang… CLB Khiêu vũ cũng được thành lập ở nhiều trường, tạo sân chơi cho các em học sinh có đam mê âm nhạc. Tham gia CLB Khiêu vũ giúp học sinh tự tin hơn khi đứng trước đám đông và tự tin thể hiện bản thân, thể hiện những khả sẵn có. 100% trường tiểu học của huyện, học sinh đã biết các điệu khiêu vũ như Chachacha, Rumba, Dân vũ giao tiếp…
Song song với đó các nhà trường tăng cường các hoạt động ngoài giờ lên lớp nhằm rèn luyện thể chất, mở rộng và nâng cao hiểu biết cho học sinh. Đây cũng là một mặt hoạt động không thể thiếu trong quá trình hình thành phẩm chất và năng lực cho học sinh. Tiêu biểu như: Phong trào xây dựng Cổng trường an toàn giao thông xuất phát từ thành công của Trường Tiểu học Nam Đào đã được VTV1, VTV7, Báo Nam Định, Đài PT và TH tỉnh tuyên truyền phổ biến. Hiện phong trào đã được nhân rộng trên toàn huyện. Hay Ngày hội đọc sách với chủ đề “Tri thức - Kết nối tương lai” tại Trường tiểu học Nam Tiến giúp các em hình thành thói quen đọc sách bổ ích để mở rộng kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn, chuẩn bị những hành trang tốt nhất cho tương lai; Hội xuân quê hương của Trường Tiểu học Nam Mỹ; Tổ chức Hội thảo về đổi mới nội dung tiết chào cờ đầu tuần và tổ chức các hoạt động giáo dục trong giờ ra chơi tại các Trường Tiểu học Hồng Quang, Nam Giang... với nhiều hình thức, nội dung phong phú như: Giới thiệu sách, sân khấu hóa tác phẩm văn học, biểu diễn hoạt cảnh về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, ngăn chặn bạo lực học đường, giới thiệu các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử địa phương, hùng biện tiếng Anh…
Các nhà trường còn giáo dục học sinh thông qua các hoạt động nhân đạo, từ thiện vì cộng đồng như: Quyên góp ủng hộ đồng bào bị thiên tai, dịch bệnh, giúp đỡ bạn bè gặp khó khăn, tham gia chăm sóc Nghĩa trang liệt sĩ, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công… Qua đó tuyên truyền giáo dục lòng nhân ái, tính hướng thiện, đạo lý uống nước nhớ nguồn… cho học sinh; nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng của các em trong chăm sóc sức khỏe bản thân, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phòng ngừa, ứng phó thiên tai. Tham gia xây dựng môi trường học tập lành mạnh, giàu tình thương và trách nhiệm, góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất yêu nước, xây dựng tinh thần trách nhiệm cộng đồng cho học sinh.
Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành GD và ĐT huyện đã đổi mới phương thức dạy và học với phương châm “Không đến trường nhưng không dừng học” với sự linh hoạt, chủ động, tổ chức việc dạy học linh hoạt trực tiếp hoặc trực tuyến để duy trì việc học tập cho học sinh bằng nhiều hình thức. Khuyến khích học sinh tham gia các cuộc thi kiến thức trên mạng như Violympic Toán - tiếng Việt và Toán - tiếng Anh, IOE, giải bài trên Tạp chí Toán Tuổi Thơ… Các trường đã huy động được 90-95% học sinh tham gia học tập trực tuyến.
Với những nỗ lực đó, năm học 2020-2021, chất lượng giáo dục đại trà của huyện đứng tốp đầu tỉnh, chất lượng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu của cấp học được duy trì, phát triển bền vững, đặc biệt, chất lượng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu có nhiều vượt trội với hàng nghìn học sinh đoạt giải tại các cuộc thi IOE, giải Toán tuổi thơ, Hùng biện tiếng Anh, viết chữ đúng và đẹp, giải Toán trên internet cấp huyện, cấp tỉnh; các giải thể thao, Violympic cấp tỉnh, cấp quốc gia... Việc triển khai chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1 đảm bảo kịp thời, hiệu quả; 100% số lớp ở các trường tiểu học có tủ sách thư viện.
Kết quả đạt được trong việc nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng phát triển các phẩm chất và năng lực học sinh tiểu học là tiền đề cho việc thực hiện đổi mới chương trình GDPT 2018 của ngành GD và ĐT huyện trong những năm học tiếp theo./.
Bài và ảnh: Minh Thuận