Làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) xưa nay vốn nổi tiếng về truyền thống hiếu học, là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, quê hương của Tổng Bí thư Trường Chinh và nhiều danh nhân nổi tiếng trong lịch sử.
Chùa Keo làng HànhThiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường). |
Trong các triều đại phong kiến, làng Hành Thiện có 350 người thi đỗ từ tú tài trở lên; riêng thời Nguyễn, có 88 người thi đỗ cử nhân trở lên, trong đó có 7 người đỗ đại khoa, đứng đầu cả nước về số người đỗ đạt. Lịch sử của làng còn ghi nhận, làng đã “sản sinh” ra tới 4 quan thượng thư, 4 quan tổng đốc, 23 quan giúp việc triều đình và gần một trăm người làm tri phủ, tri huyện. Trong số những người con Hành Thiện, mọi người vẫn truyền nhau câu chuyện cha con ông Đặng Viết Hòe và Đặng Xuân Bảng (cụ và ông nội Tổng Bí thư Trường Chinh). Ông Đặng Viết Hòe đỗ 7 lần tú tài. Theo học cha mình, Đặng Xuân Bảng đã đỗ tú tài năm 18 tuổi (năm 1846). Đến khoa thi sau ông lại đỗ tú tài một lần nữa, người đời gọi ông là kép Bảng. Đến năm 22 tuổi, triều Vua Tự Đức, ông đỗ cử nhân, được bổ làm Giáo thụ phủ Ninh Giang (Hải Dương). Khoa thi Bính Thìn 1856, Đặng Xuân Bảng 29 tuổi vào Huế thi hội và đỗ tiến sĩ. Hai cha con được Vua Tự Đức ban cho 4 chữ “Giáo tử đăng khoa” (cha dạy con thi đỗ đại khoa)… Ở Hành Thiện còn có nhiều gia đình có cả cha con đều đỗ đạt như cụ Nhị trường Đặng Vũ Kiểm có ba con đậu cử nhân, hai con đậu tú tài; cụ Đặng Văn Tường có năm con đều đậu nhị trường, cử nhân. Nhiều học trò Hành Thiện sớm bộc lộ thông minh và lòng hiếu học đã đỗ đạt rất sớm như Đặng Huyến đỗ tú tài từ năm 11 tuổi; Nguyễn Âu Chuyên đỗ tú tài năm 19 tuổi, đỗ Giải nguyên (thủ khoa) năm 20 tuổi, đỗ phó bảng năm 25 tuổi; Đặng Xuân Bảng đỗ Tiến sĩ năm 29 tuổi… Nhiều người hoàn cảnh khó khăn vẫn quyết chí học tập và đỗ đạt như Nguyễn Như Bổng nhà nghèo nhưng đã hai lần đỗ tú tài, đỗ cử nhân năm 60 tuổi; Nguyễn Ngọc Liên đỗ cử nhân nhưng không nhận chức Huấn đạo mà ở nhà học thêm ba năm và thi đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1889)… Các nhà Nho Hành Thiện đều là những người yêu nước, thương dân, giúp ích nhiều cho dân, cho nước… Làng Hành Thiện không có nhiều ruộng, thu nhập từ nghề nông không nhiều song cả làng luôn trân trọng việc học. Làng xây văn chỉ, lập quỹ khuyến học, miễn những khoản tạp dịch cho những người đi học, các vị tân khoa được khắc tên vào bia đá dựng trước văn chỉ… Truyền thống hiếu học, khuyến học ở Hành Thiện còn đi vào ca dao: “Sáng trăng trải chiếu hai hàng/Chiếu anh đọc sách chiếu nàng quay tơ” như một nét văn hóa khó quên. Nhà thơ Sóng Hồng (tức Tổng Bí thư Trường Chinh) từng có một câu thơ nổi tiếng diễn tả về truyền thống hiếu học của làng Hành Thiện: “...Trăng xuống làm gương em chải tóc/Làm đèn anh học suốt đêm dài...”.
Ngày nay, truyền thống tốt đẹp của quê hương đã được nhiều thế hệ cháu con Hành Thiện tiếp nối và phát triển. Với tổng số 1.900 hộ, 6.700 khẩu, trong đó có 99% gia đình học tập, 61% gia đình có cử nhân, 35% gia đình có thạc sĩ, 17 dòng họ trong làng thì dòng họ nào cũng có giáo sư, tiến sĩ… Người Hành Thiện có rất nhiều hình thức khác nhau để hun đúc, lan tỏa tinh thần hiếu học đến các thế hệ như dựng bia đá, bảng vàng lưu danh ở đình làng… Vào trung tuần tháng 8 hàng năm, Hội Khuyến học làng tổ chức lễ vinh danh, khen thưởng học sinh, sinh viên có thành tích học tập xuất sắc. Ông Nguyễn Đăng Hùng, Chủ tịch Hội Khuyến học làng Hành Thiện cho biết: “Hội Khuyến học làng Hành Thiện được thành lập năm 1992 nhằm tiếp tục khích lệ tinh thần học tập của lớp trẻ trong làng. Quà động viên thì giá trị nhỏ thôi nhưng tổ chức trang trọng. Mỗi dịp có khen thưởng học sinh giỏi hay học sinh đỗ đại học, làng như ngày hội. Tôi đọc trên loa tên từng cháu một, con ông bà nào, ở xóm nào, dân làng nghe tên con phấn khởi lắm. Nhà nào chưa được thì động viên con cháu tiếp tục phấn đấu. Những năm gần đây, năm nào làng cũng có học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia, học sinh đỗ thủ khoa và hàng chục tân sinh viên của các trường đại học”. Dù trong mỗi gia đình, con cháu đều phấn đấu vươn lên trong học tập nhưng cái đặc biệt nhất của làng là quan niệm của các cụ về chuyện học. Học không chỉ để làm ra tiền tài, của cải cho xã hội và bản thân mà còn để trở thành những con người có hiểu biết sâu rộng hơn về đạo lý làm người. Học để có tri thức, sống hợp với luân thường đạo lý, với xã hội, với thời thế và học suốt đời. Quỹ học bổng ở Hành Thiện có truyền thống lâu đời nhưng cũng vô cùng đặc biệt. Quỹ này không cho ai hoàn toàn, những người được nhận, khi nên người sẽ có trách nhiệm hoàn trả lại cho làng. Chính vì thế, quỹ khuyến học của Hành Thiện ngày một lớn hơn. Bởi những người thành đạt sẵn sàng đóng góp để thúc đẩy truyền thống hiếu học của quê hương. Hiện tại, quỹ của làng có 2 tỷ đồng để trao thưởng, đồng hành với nhiều thế hệ từ khi học trò bắt đầu đến trường đến khi kết thúc sự nghiệp học hành. Năm 2020, làng Hành Thiện có thêm 4 vị tân tiến sĩ, đồng thời có hơn 30 em đỗ đại học (chiếm hơn 90% học sinh đăng ký dự thi). Năm 2021, làng có 109 học sinh giỏi, trong đó có 1 học sinh giỏi quốc gia, 22 học sinh giỏi cấp tỉnh, 81 học sinh giỏi cấp huyện, 2 sinh viên xuất sắc, 3 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được cấp học bổng. Do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở các tỉnh, thành phố, năm nay, lần đầu tiên Hội Khuyến học làng Hành Thiện không tổ chức lễ tổng kết và phát thưởng tập trung như mọi năm mà chia về 15 xóm để phát trao thưởng đến từng gia đình các em. Tuy nhiên, trên hệ thống loa phát thanh của làng, phong trào khuyến học, khuyến tài vẫn rộn rã, tôn vinh những tấm gương sáng trong học tập.
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1945 đến nay, làng Hành Thiện có 204 người con quê hương là giáo sư, tiến sĩ; trong đó, có hơn 80 người là giáo sư. Làng Hành Thiện tự hào là quê hương của Tổng Bí thư Trường Chinh, có 11 vị tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam, 2 Anh hùng Lực lượng vũ trang và 2 Bộ trưởng; 3 nhà khoa học được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh: Giáo sư, Anh hùng Lao động Đặng Vũ Khiêu; Giáo sư Y khoa Đặng Vũ Hỷ; Giáo sư, tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Thụ. Truyền thống hiếu học của làng Hành Thiện như một dòng chảy liên tục, liền mạch, thời kỳ nào cũng có người tài cho đất nước, là niềm tự hào để mỗi người dân nơi đây vươn lên trong học tập và luôn làm những điều thiện đúng như tên gọi của làng./.
Hồng Minh