Năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, tỉnh ta đã chủ động chuẩn bị các điều kiện thiết yếu, kịp thời điều chỉnh, xử lý các vướng mắc phát sinh trên cơ sở coi trọng chất lượng, hiệu quả giáo dục và quyền lợi của học sinh. Đây là những bài học kinh nghiệm quý, tạo nền tảng để ngành GD và ĐT tỉnh tiếp tục thực hiện tốt chương trình GDPT 2018 trong những năm tiếp theo.
Cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Chu Văn An (thành phố Nam Định) đón học sinh lớp 1 tựu trường, năm học 2021-2022. |
Năm học 2020-2021, chị Phạm Thu Hà có con học lớp 1A Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thành phố Nam Định) có nhiều lo lắng, bởi đây là năm học đầu tiên thay sách giáo khoa (SGK) lớp 1 với phương thức dạy học mới. Trên các diễn đàn công luận lại có khá nhiều ý kiến trái chiều về chương trình nên gia đình chưa định hướng được việc hỗ trợ con trong học tập như thế nào. Tuy nhiên, được nhà trường và giáo viên động viên, chị đã dành rất nhiều thời gian đồng hành cùng con để “vượt khó”, con đã dần thích nghi, việc học tại nhà cũng như tại trường của cháu cũng nhẹ nhàng, không áp lực. Kết thúc năm học, chị rất phấn khởi khi con đọc thông, viết thạo, mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, biết tự học, tự giác làm một số việc. Cô giáo Trần Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thành phố Nam Định) cho biết: Thực hiện chương trình GDPT 2018, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, ngành Giáo dục và phụ huynh học sinh, cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường đã được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học. Đội ngũ giáo viên chủ động, tích cực nắm chắc chương trình, xây dựng kế hoạch giáo dục, ứng dụng CNTT, hệ thống sách mềm, kế hoạch bài dạy theo từng tuần phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh ở từng thời điểm khác nhau. Kết thúc năm học, học sinh có chuyển biến rõ rệt về kiến thức và kỹ năng. Cơ bản các em đã đọc, viết, tính toán tốt, tự chủ, tự tin hơn trong giao tiếp, tích cực tham gia các hoạt động giáo dục cùng giáo viên.
Năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 34.684 học sinh lớp 1 học tại 227 trường tiểu học; trong đó 219/227 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 96,5%), 259 điểm trường đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn (đạt 88,4%). Để triển khai chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1 đạt hiệu quả, Sở GD và ĐT đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh truyền thông về việc thực hiện đổi mới chương trình GDPT 2018; chỉ đạo các Phòng GD và ĐT yêu cầu các nhà trường tích cực, chủ động tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận của cha mẹ học sinh, các tổ chức xã hội tại địa phương và cộng đồng dân cư trong quá trình triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018. Sở GD và ĐT ban hành các văn bản kịp thời chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện theo sự chỉ đạo của Bộ GD và ĐT, UBND tỉnh. Rà soát, sắp xếp đội ngũ nhằm khắc phục tình trạng không cân đối giáo viên ở một số trường; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học, đáp ứng điều kiện để thực hiện chương trình GDPT 2018; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. 100% trường tiểu học có máy vi tính nối mạng internet phục vụ các hoạt động giáo dục. Thư viện trường, thư viện lớp đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Giáo viên cấp tiểu học ổn định về đội ngũ, cơ cấu tương đối đầy đủ. Các nhà trường ưu tiên lựa chọn giáo viên có năng lực dạy lớp 1; các nhà trường và đội ngũ giáo viên lớp 1 xác định đúng vai trò, trọng trách của mình là người đầu tiên triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018. Vì vậy đội ngũ giáo viên chủ động và có tâm thế sẵn sàng khi bước vào năm học mới. Sở GD và ĐT, phòng GD và ĐT đã lựa đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các môn học tham dự các lớp tập huấn do Bộ GD và ĐT, Sở GD và ĐT, phòng GD và ĐT tổ chức để làm nòng cốt trong việc bồi dưỡng tại địa phương, đơn vị về định hướng dạy học theo chương trình GDPT 2018.
Thời gian đầu triển khai chương trình GDPT 2018 có một số vướng mắc do các đơn vị khi sáp nhập có số lớp, số học sinh quá đông, khoảng cách giữa các khu xa nên khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động chung của học sinh toàn trường, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; một số đơn vị có phòng học bộ môn, phòng kho và nơi chuẩn bị bài thực hành chưa bảo đảm về diện tích, thiết bị thí nghiệm xuống cấp; SGK còn nhiều “sạn”, dư luận xã hội có nhiều ý kiến trái chiều về chương trình đổi mới. Các trường học đã từng bước khắc phục khó khăn, tích cực tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong phụ huynh, đồng thời thường xuyên tổ chức họp chuyên môn, đánh giá, rút kinh nghiệm để điều chỉnh kế hoạch giảng dạy sao cho hiệu quả hơn...
Từ việc triển khai thực hiện chương trình GDPT đối với lớp 1 rút ra bài học kinh nghiệm, cũng là cơ sở để ngành GD và ĐT tổ chức thực hiện chương trình GDPT 2018 trong năm học 2021-2022 ở lớp 2 và lớp 6, đó là: Công tác xây dựng kế hoạch và triển khai các văn bản chỉ đạo phải được thực hiện thống nhất từ trên xuống, được vận dụng phù hợp với điều kiện từng địa phương, từng nhà trường. Đẩy mạnh truyền thông tới lãnh đạo Đảng, đoàn thể, chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh và toàn xã hội về chương trình GDPT 2018 và những đổi mới của ngành GD và ĐT nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội; thường xuyên trao đổi tình hình học tập, rèn luyện của học sinh để cha mẹ học sinh đồng hành cùng nhà trường, hỗ trợ, hướng dẫn con em trong quá trình học tập. Công tác tập huấn phải được thực hiện kỹ lưỡng, dành nhiều thời gian cho giáo viên nghiên cứu chương trình, đọc SGK, trao đổi và làm rõ yêu cầu cần đạt, nội dung và kỹ thuật dạy học đối với từng môn học, từng dạng bài. Tạo điều kiện để giáo viên chủ động linh hoạt kế hoạch giáo dục phù hợp với thực tế trường, lớp, khả năng tiếp thu của học sinh. Dành nhiều thời gian rèn nền nếp học tập cho học sinh lớp 1 trong thời gian đầu của năm học. Quán triệt và thực hiện nghiệm túc các văn bản chỉ đạo về chuyên môn của các cấp quản lý giáo dục. Tăng cường dự giờ, thăm lớp, tổ chức sinh hoạt chuyên môn qua nghiên cứu bài học để chia sẻ kinh nghiệm dạy học các môn học, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh. Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo: Chương trình là pháp lệnh, SGK là tài liệu, công cụ hỗ trợ; không bắt buộc dạy như SGK. Giáo viên linh hoạt xác định yêu cầu cần đạt theo từng giai đoạn của năm học, điều chỉnh nội dung, thời lượng trong từng bài, từng chủ đề (thay thế ngữ liệu chưa phù hợp trong SGK)... giúp học sinh nắm vững kiến thức, kỹ năng của môn học/hoạt động giáo dục, đảm bảo mục tiêu của chương trình, yêu cầu “học đến đâu chắc đến đấy”. Sử dụng thành thạo các phương pháp giảng dạy và kỹ thuật dạy học phù hợp để phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; chú trọng dạy học theo đối tượng; thầy là người tổ chức các hoạt động học
cho học sinh... tạo không khí tích cực, sôi nổi trong giờ học. Phát huy vai trò và hiệu quả hoạt động của Tổ chuyên môn: thống nhất kế hoạch giảng dạy; trao đổi tháo gỡ những vướng mắc; sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học; ứng dụng hợp lý công nghệ thông tin, sử dụng hiệu quả học liệu điện tử kèm theo SGK hoặc từ các nguồn đã được kiểm định để tăng tính trực quan, hấp dẫn, dễ hiểu... thường xuyên làm, sưu tầm và sử dụng hiệu quả đồ dùng, thiết bị dạy học... Thường xuyên sửa chữa, sắp xếp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có một cách hợp lý, nâng cao hiệu quả sử dụng; xây dựng kế hoạch đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung, tự làm thiết bị dạy học. Làm tốt công tác xã hội hóa để bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu.
Theo lộ trình, năm học 2021-2022, chương trình GDPT 2018 sẽ triển khai ở lớp 2 và lớp 6. Tin tưởng, với sự chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, sự quyết tâm của toàn ngành, sự nỗ lực từ mỗi cán bộ, giáo viên, việc thực hiện chương trình GDPT 2018 đối với lớp 2 và lớp 6 trên địa bàn tỉnh cũng sẽ được triển khai hiệu quả./.
Bài và ảnh: Minh Thuận