Cảnh báo phương thức, thủ đoạn tội phạm sử dụng công nghệ cao
Theo Báo cáo số 104/BC-UBND ngày 31-5-2021 của UBND tỉnh về kết quả 1 năm thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh giảm về số vụ nhưng còn diễn biến phức tạp về tính chất và mức độ thiệt hại, với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Trong đó, tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng để chiếm đoạt tài sản ngày càng diễn biến phức tạp hơn với phương thức, thủ đoạn tinh vi, rất khó khăn cho việc phát hiện, phòng ngừa, bắt giữ, xử lý. Điển hình như vụ việc: Tháng 8-2020, các đối tượng gồm: Phan Thành Vinh, Nguyễn Rin, Lâm Thanh Tiến cùng trú tại thị xã Quảng Trị (Quảng Trị) bàn bạc với nhau cùng lên mạng hack tài khoản facebook của người Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập tại nước ngoài rồi sử dụng để nhắn tin cho người thân, bạn bè, chủ tài khoản yêu cầu chuyển tiền với nhiều lý do khác nhau để chiếm đoạt. Ngày 31-8-2020, đối tượng Rin đã hack facebook “Thanh Dung Dang” của chị Đ.T.D đang định cư tại Đức; sau đó sử dụng nhắn tin cho tài khoản có tên “Phong Nguyen” của chị P ở thành phố Nam Định (là bạn của chị D) đề nghị chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do Rin chuẩn bị từ trước. Chị P đã không nghi ngờ gì mà chuyển 3 lần với tổng số tiền 530 triệu đồng và bị chiếm đoạt. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can về tội “Sử dụng mạng máy tính viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Công an huyện Hải Hậu triển khai kế hoạch tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. |
Theo thông báo của Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh): Từ tháng 1-2020 đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra liên tiếp 11 vụ việc liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao nhằm chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội chủ yếu bằng các thủ đoạn: Giả danh là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện thông báo với chủ thuê bao có liên quan đến 1 vụ án hình sự để khai thác các thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng; yêu cầu nạn nhân phải chuyển toàn bộ tiền tiết kiệm cho chúng để kiểm tra nguồn gốc nếu không vi phạm sẽ trả lại kèm theo lời đe dọa nếu không chuyển tiền sẽ bị bắt giam. Nhiều người bị bất ngờ không kịp suy nghĩ, lo sợ và đã làm theo bị chúng chiếm đoạt tài sản. Kiểu lừa khác là qua mạng xã hội facebook đối tượng giới thiệu là người nước ngoài kết bạn, làm quen với các phụ nữ Việt Nam tán tỉnh yêu đương, đề nghị chuyển quà như trang sức, mỹ phẩm và số lượng lớn tiền USD qua đường hàng không về Việt Nam để làm quà tặng, tiếp theo giả danh nhân viên sân bay yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để làm thủ tục nhận quà nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền này. Còn nhiều thủ đoạn khác lợi dụng nạn nhân thiếu kiến thức, kinh nghiệm sử dụng internet và các dịch vụ tiện ích ngân hàng hiện đại, lừa họ bấm vào các đường linh có chứa mã độc, vi-rút đánh cắp thông tin cá nhân; hay lừa nạn nhân vô tình nhập các thông tin như mã đăng nhập, mã OTP… để chiếm quyền sử dụng tài khoản và chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm lừa đảo
Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 518/UBND-VP8, ngày 30-6-2020 chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền, Ban Chỉ đạo 138 các cấp tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị số 21/CT-TTg, chỉ đạo của UBND tỉnh, các quy định của pháp luật; những phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm như đăng tải, chia sẻ các bài viết tuyên truyền trên mạng xã hội facebook, zalo, phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh các xã, phường, thị trấn, nơi tập trung đông dân cư; niêm yết cảnh báo phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại các địa điểm giao dịch ngân hàng, cây rút tiền tự động ATM; phối hợp với các nhà mạng viễn thông gửi tin nhắn cảnh báo tới điện thoại di động của người dân...; xây dựng, phát động các mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; vận động, nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật và cảnh giác phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản và các hành vi vi phạm pháp luật. Cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an đẩy mạnh tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư an ninh, an toàn.
Lực lượng Công an thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện tập trung đấu tranh triệt xóa các băng nhóm, đường dây hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tổ chức, gây án nghiêm trọng, liên quan đến nhiều địa phương, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, không để xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xấu trong nhân dân. Tổ chức tiếp nhận, phân loại, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, nhất là tin báo liên quan đến tổ chức, băng nhóm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân khẩn trương hoàn thành điều tra, đưa ra truy tố, xét xử đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, phục vụ công tác tuyên truyền, răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. Từ 25-5-2020 đến 24-5-2021, Công an các đơn vị, địa phương đã tiếp nhận 76 đơn tố giác, tin báo tội phạm về các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó: Đã xác minh, giải quyết 69/76 đơn (tỷ lệ giải quyết đạt 90,78%); ra quyết định khởi tố 45 vụ, 53 bị can (43 vụ, 49 bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 2 vụ án, 4 bị can về tội “Sử sụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”)...
Để tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thời gian tới các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trong đấu tranh, xử lý triệt để các đường dây, băng nhóm hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản; phối hợp với các nhà mạng và ngân hàng xây dựng quy chế xác minh, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và các hoạt động thu thập tài liệu trong quá trình điều tra các vụ án có liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao. Các ngành Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tăng cường phối hợp trong công tác đánh giá chứng cứ, thu thập tài liệu, giám định, khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ điều tra, đưa ra truy tố, xét xử các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tính chất phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo đúng quy định của pháp luật để phát huy hiệu lực, hiệu quả tuyên truyền, răn đe, giáo dục phòng ngừa chung./.
Bài và ảnh: Việt Thắng