Những năm qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, tham gia thực hiện tốt quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở trên địa bàn.
Người dân xã Trực Tuấn (Trực Ninh) phát triển nghề phụ, tăng thu nhập. |
Hàng năm, MTTQ các cấp đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của HĐND, quy định của UBND tỉnh về các cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến người dân. Từ đó làm cho nhân dân hiểu, nhận thức đầy đủ các quy định của Đảng, Nhà nước để thực hiện, đồng thời giám sát các cơ quan, tổ chức trong việc triển khai thực hiện các cơ chế chính sách ngay tại địa phương. Trong 5 năm qua, MTTQ các cấp đã chủ trì, phối hợp với chính quyền tổ chức 91 hội nghị tiếp xúc cử tri với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và trên 6.000 hội nghị tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND các cấp. Thông qua các hội nghị tiếp xúc, nhân dân đã được các đại biểu thông tin kịp thời về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước; giới thiệu các văn bản pháp luật, các chủ trương, chính sách mới mà Quốc hội, HĐND đã thông qua; đồng thời tạo diễn đàn dân chủ để nhân dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, chính kiến của mình với đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Sau mỗi kỳ tiếp xúc, MTTQ đều tập hợp, tổng hợp đầy đủ tâm tư, nguyện vọng và các kiến nghị của cử tri để phản ánh với Quốc hội, HĐND, UBND và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý tháo gỡ các vướng mắc mà nhân dân kiến nghị, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ Mặt trận tham gia bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân. Bên cạnh đó, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phổ biến, quán triệt QCDC ở cơ sở, triển khai thực hiện các nội dung QCDC ở cơ sở gắn với thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, các chính sách an sinh xã hội như: Tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, đặc biệt là trong công tác vận động ủng hộ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và giám sát việc hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do dịch… Nhiều xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị đã phát huy quyền làm chủ, khơi dậy sức sáng tạo của nhân dân trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, làm giàu chính đáng, cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt, những nội dung công khai theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng” được cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm túc; quyền làm chủ của nhân dân được phát huy trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Việc xây dựng hương ước, quy ước, làng, thôn, khu phố văn hóa, bình xét hộ gia đình văn hóa, quy định mức đóng góp xây dựng, lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt của xã, phường, thị trấn... đều được đưa ra lấy ý kiến để nhân dân bàn, quyết định. MTTQ tỉnh hướng dẫn MTTQ các cấp tiếp tục thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn; tổ chức bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban công tác mặt trận, Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng. Năm 2020, toàn tỉnh đã kiện toàn 226/226 Ban thanh tra nhân dân, 3.344 tổ hòa giải ở cơ sở, thành lập 222/226 Ban giám sát đầu tư cộng đồng, đã giám sát 351 chương trình có vốn đầu tư của nhân dân. Ngoài ra, MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện nền nếp, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Trong đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn đóng góp của nhân dân và các tổ chức trong xây dựng NTM; phối hợp giám sát thực hiện tiêu chí số 17 “Môi trường và an toàn thực phẩm” trong bộ tiêu chí xây dựng NTM; giám sát tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân; giám sát công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo MTTQ cấp huyện, cấp xã; phối hợp với Chi cục An toàn thực phẩm, Liên đoàn Lao động tỉnh giám sát việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn và QCDC ở cơ sở; phối hợp với Thanh tra tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Hội Luật gia tỉnh giám sát việc thực hiện Luật Tiếp công dân tại một số xã của huyện Nam Trực... MTTQ cấp huyện, cấp xã đã phối hợp với các tổ chức thành viên, ngành LĐ-TB và XH và các cơ quan liên quan thành lập 245 đoàn giám sát, tổ chức 1.660 cuộc giám sát việc rà soát, thống kê, công khai niêm yết danh sách và chi trả chế độ cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Các tổ chức thành viên của Mặt trận đã tổ chức triển khai việc giám sát và phản biện xã hội với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Trong đó, Hội Nông dân tỉnh đẩy mạnh chương trình ký kết giám sát thực hiện pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp của 4 ngành (Hội Nông dân, MTTQ, Sở NN và PTNT, Sở Công Thương). Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh giám sát chế độ bảo hiểm đối với cán bộ nữ xã, phường, thị trấn; giám sát việc thực hiện Nghị quyết 11 về công tác phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; việc quản lý, điều hành các nguồn vốn từ Ngân hàng cho hội viên phụ nữ vay vốn phát triển sản xuất; các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em. LĐLĐ tỉnh giám sát công tác bảo vệ môi trường tại 7 doanh nghiệp trên địa bàn. Hội Cựu chiến binh tỉnh giám sát công tác đảm bảo môi trường tại một số công ty TNHH đóng tàu huyện Xuân Trường; giám sát doanh nghiệp cựu chiến binh huyện Ý Yên thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường. Tỉnh Đoàn Thanh niên giám sát nguồn vốn vay hỗ trợ cho thanh niên sản xuất, kinh doanh, công tác quy hoạch cán bộ Đoàn chủ chốt cấp huyện... Qua giám sát đã góp phần làm cho việc thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn tỉnh ngày càng thực chất.
Thời gian tới, MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp tục xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng và hành động trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở. Nắm vững các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và đội ngũ cán bộ, không ngừng nâng cao nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ ở cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”./.
Bài và ảnh: Lam Hồng