Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh ta có gần 30 nghìn người tham gia chiến đấu bị phơi nhiễm chất độc da cam, đã có 16.673 người được hưởng chế độ ưu đãi người có công (trong đó có 13.392 nạn nhân trực tiếp, 3.281 nạn nhân gián tiếp). Năm 2019, qua điều tra thế hệ cháu, chắt nạn nhân, toàn tỉnh có 400 gia đình với 454 cháu, chắt nghi bị phơi nhiễm, có 132 gia đình nạn nhân cả bố mẹ đã qua đời, 390 gia đình có bố hoặc mẹ đã qua đời. Từ năm 2006 đến nay đã có 4.600 nạn nhân từ trần, 73 gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Với tinh thần “Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì nạn nhân chất độc da cam”, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã tập trung chăm lo xây dựng, phát triển củng cố tổ chức Hội, triển khai toàn diện các mặt công tác, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, trở thành chỗ dựa vững chắc, là “Tổ ấm tình thương” của các nạn nhân chất độc da cam trong tỉnh.
Hội Chiến sĩ thành cổ Quảng Trị năm 1972 thăm, tặng quà nạn nhân chất độc da cam ở thôn Cổ Tung, xã Nam Hùng (Nam Trực) (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). |
Trong 5 năm qua, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã tổ chức kết nạp được 1.015 hội viên, 100% hội viên mới kết nạp đều được cấp thẻ và huy hiệu hội. Đến nay, tổ chức hội đã hoàn chỉnh ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã, phủ kín 226 đơn vị hành chính cấp xã tại 10 huyện, thành phố với 966 chi hội ở thôn, xóm, tổ dân phố, 11.377 hội viên, trong đó hội viên là nạn nhân là 10.527 người, hội viên tự nguyện 850 người. Trong quá trình hoạt động, các cấp hội đã thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8) hàng năm, điều tra khảo sát tình hình nạn nhân tổ chức đại hội nhiệm kỳ; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác Hội… Hưởng ứng phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam”, từ năm 2016 đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp trong tỉnh đã nhận được sự ủng hộ giúp đỡ về vật chất, tinh thần của các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh bằng nhiều hình thức khác nhau với tổng giá trị là 41,3 tỷ đồng để chăm sóc giúp đỡ 110 nghìn lượt nạn nhân; 100 gia đình nạn nhân nhà cửa dột nát đã được hỗ trợ xây tặng hoặc sửa chữa nhà tình nghĩa; 2.308 lượt nạn nhân được trợ cấp khó khăn và hỗ trợ vay vốn sản xuất chăn nuôi; 1.000 nạn nhân được tặng phương tiện học tập đi lại phục hồi chức năng; hàng chục nghìn hội viên đã được ủng hộ giúp đỡ bằng các hình thức khác. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã phối hợp với Viện Quân y 103, Phòng khám Đa khoa Việt Mỹ Nam Định và các cơ sở y tế trên địa bàn tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí định kỳ hàng năm cho 14.672 lượt nạn nhân trị giá gần 14 tỷ đồng; tặng học bổng cho 417 học sinh là con gia đình nạn nhân chất độc da cam. Hàng năm, hàng chục nghìn nạn nhân đã được nhận quà của Chủ tịch nước và chính quyền các cấp nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), ngày kỷ niệm thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8) và dịp Tết Nguyên đán. Hàng chục nghìn nạn nhân được trợ cấp từ nguồn quỹ “Vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” và quỹ “Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam” của các cấp trong tỉnh. Các hoạt động chăm sóc giúp đỡ kịp thời, hiệu quả đã động viên nạn nhân vượt khó vươn lên vượt qua nỗi đau chiến tranh, hòa nhập cộng đồng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cấp Hội đã bám sát nhiệm vụ chính trị, kinh tế của địa phương tuyên truyền, vận động hội viên chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những quy định của địa phương, tích cực tham gia các phong trào: “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Xóa đói giảm nghèo”; “Đền ơn đáp nghĩa”, “Khuyến học khuyến tài”, “Xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư”… Đến nay, đã có 2.560 hội viên được các cấp, các ngành tín nhiệm bầu vào các chức danh trong tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở địa phương. Nhiều hội viên đã tự nguyện hiến đất để xây dựng các công trình công cộng, đóng góp tiền, ngày công xây dựng nông thôn mới. Trong 5 năm qua, đã có 2.479 hội viên hiến đất với diện tích 68.741m2 để làm đường giao thông nông thôn và các công trình công cộng, đóng góp tiền của công sức trị giá 4,1 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới.
Thời gian tới, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tiếp tục nắm chắc tình hình nạn nhân chất độc da cam, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức, đoàn thể quan tâm, thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình vượt khó, vươn lên hòa nhập cộng đồng, hăng hái tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương; xây dựng tổ chức hội ngày càng phát triển./.
Bài và ảnh: Hồng Minh