Trở về từ chiến trường, nhiều cựu chiến binh mang trên mình những vết thương, những căn bệnh mãn tính cùng điều kiện sống khó khăn phụ thuộc vào trợ cấp xã hội và cộng đồng nên không có điều kiện để tự xây dựng nhà ở kiên cố. Thấu hiểu những khó khăn đó, thời gian qua, các tổ chức, đoàn thể trong tỉnh đã tích cực vận động các nguồn lực để giúp đỡ xây dựng nhà cho các gia đình bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam.
Ngôi nhà tình nghĩa của ông Dương Văn Cơ, nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở đội 5, xã Yên Phương (Ý Yên). |
Năm 1971, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh Trần Đoàn Ngọ (SN 1950) ở xóm 13 xã Hải Anh (Hải Hậu) lên đường nhập ngũ và được biên chế vào đại đội 3, tiểu đoàn 1, trung đoàn 9, F304 thuộc Quân đoàn 2. Sau thời gian huấn luyện, cuối năm 1971 ông cùng đồng đội được điều động vào chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị). Suốt 81 ngày đêm chiến đấu kiên cường cùng đồng đội, anh Ngọ đã diệt nhiều tên địch và xe tăng địch. Năm 1976, ông Ngọ xuất ngũ trở về địa phương và xây dựng gia đình. Tuy nhiên, sự khốc liệt của chiến tranh đã để lại trong cơ thể ông nhiều bệnh tật, trong đó có bệnh đau đầu, suy giảm trí nhớ, dễ lên cơn kích động không làm chủ được bản thân. Vợ chồng ông sinh được 3 người con, nhưng khi khôn lớn các con ông lại lần lượt đi tu, vợ ông cũng bỏ đi hơn 20 năm nay, để lại ông bệnh tật trong căn nhà đã xuống cấp nhiều năm không có kinh phí tu sửa. Đồng đội ông ở Hội Chiến sĩ thành cổ Quảng Trị huyện Hải Hậu cùng các ban ngành, đoàn thể địa phương tổ chức đến thăm, giúp ông dọn dẹp nhà cửa nhưng với điều kiện hạn hẹp, ngôi nhà vẫn dột nát, điều kiện sinh hoạt khó khăn. Đầu năm 2021, với sự giúp đỡ của Quỹ Từ thiện Hành trình xanh (Tập đoàn Gami và Ngân hàng TMCP Quốc Dân) tài trợ 50 triệu đồng, Hội Chiến sĩ thành cổ Quảng Trị của tỉnh đã cùng các cơ quan, đoàn thể của địa phương giúp đỡ ông Ngọ xây dựng lại gian nhà. Đây là việc làm có ý nghĩa, thể hiện sự tri ân với những cống hiến của đồng đội, giúp hội viên nghèo có điều kiện ổn định cuộc sống của Hội Chiến sĩ thành cổ Quảng Trị năm 1972. Từ năm 2016 đến nay, từ các nguồn vận động tài trợ, Hội Chiến sĩ thành cổ Quảng Trị năm 1972 của tỉnh đã xây được 13 căn nhà tặng cho hội viên ở các huyện, thành phố, góp phần giúp đỡ các gia đình khó khăn về nhà ở ổn định cuộc sống.
Còn với ông Dương Văn Cơ ở đội 5 xã Yên Phương (Ý Yên), ngôi nhà kiên cố được khánh thành đúng dịp kỷ niệm ngày Thương binh - liệt sĩ 27-7-2021 là niềm động viên to lớn. Năm 1972, ông Cơ tham gia chiến đấu tại chiến trường Đông Nam Bộ. Đến năm 1977 ông về phục viên với sức khỏe giảm sút nghiêm trọng. Sau khi lập gia đình, vợ chồng ông tập trung lo cho các con, bản thân ông thường xuyên phải đi bệnh viện chữa trị bệnh nên không có điều kiện để sửa chữa nhà cửa. Đến năm 2000, được sự quan tâm của địa phương, ông đi khám bệnh mới biết mình bị nhiễm chất độc da cam tới 61%. Sức khỏe yếu, phần lớn thu nhập của gia đình dành cho việc mua thuốc chữa bệnh cho ông nên dù rất mong muốn sửa được căn nhà cấp 4 ngày càng dột nát, vợ chồng ông đành chịu. Được sự quan tâm của Hội Nạn nhân chất độc da cam, gia đình ông đã được hỗ trợ 40 triệu đồng, cùng với vay mượn của bà con họ hàng, làng xóm, xây được ngôi nhà mái bằng kiên cố. Ông chia sẻ: “Sau bao năm ở trong ngôi nhà dột nát, nhờ các cấp, các ngành, đoàn thể giúp cho gia đình tôi xây được nhà kiên cố, từ nay sẽ yên tâm mỗi khi mưa bão. Tôi mong rằng, sẽ có nhiều cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn như tôi được giúp đỡ xây sửa nhà cửa. Đó là sự động viên rất ý nghĩa, giúp mỗi gia đình có thêm động lực tiếp tục vươn lên”. Mỗi gia đình nạn nhân chất độc da cam đều có hoàn cảnh riêng, nhưng tất cả họ đều phải gánh chịu nỗi đau, mất mát. Chia sẻ với những khó khăn của các nạn nhân, thời gian qua Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh đã thực hiện tốt chế độ, chính sách với những người bị nhiễm chất độc hóa học, duy trì vai trò là “cầu nối” giữa các nhà hảo tâm với những nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, qua đó góp phần giúp các gia đình nạn nhân chất độc da cam vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống. Riêng năm 2020, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã hỗ trợ xây mới và sửa 11 nhà cho nạn nhân khó khăn về nhà ở.
Những căn nhà tình nghĩa của các cấp, các ngành trong tỉnh vận động đóng góp kinh phí để xây dựng cho thương bệnh binh, gia đình chính sách chính là nguồn động viên, giúp các gia đình nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Đây là việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống tương thân, tương ái “Lá lành đùm lá rách”, giúp những nạn nhân chất độc da cam, các thương binh có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững./.
Bài và ảnh: Hồng Minh