Ở xã Nam Dương (Nam Trực), nhiều người biết đến anh Bùi Văn Cương mặc dù bị khuyết tật đôi chân nhưng đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Anh Bùi Văn Cương trên cánh đồng mẫu lớn của gia đình. |
Sinh ra vốn là đứa trẻ lành, nhưng đến năm 8 tuổi, Bùi Văn Cương bị một trận ốm sốt và sau đó trở thành trẻ tàn tật khi đôi chân không thể cử động. Dù được bố mẹ hết lòng chạy chữa nhưng cuối cùng đôi chân Cương vẫn cứ teo lại, phải nằm liệt một chỗ và dừng việc học hành. Từ một đứa trẻ đang tuổi chạy nhảy, biết giúp đỡ bố mẹ việc nhà nên khi suốt ngày chỉ quanh quẩn trên giường, mọi sinh hoạt đều phải phụ thuộc vào người thân nên Cương cảm thấy rất buồn. Cương nảy ra ý định học nhạc để tìm niềm vui. Hàng ngày, khi bố mẹ đi làm, Cương mượn cây đàn ghi ta của bố để tập. Thỉnh thoảng rảnh rỗi, bố cũng chỉ cho chút ít, còn lại Cương mở đài nghe nhạc và mày mò tập đệm. Không ngờ chỉ trong thời gian ngắn, Cương đã chơi thành thạo và kết nối với những người chơi ghi ta ở địa phương đến nhà cùng học hỏi, giao lưu. Không chỉ sử dụng tốt đàn ghi ta, Cương còn học thêm đàn oóc gan và đánh khá “mượt”. Chính niềm đam mê âm nhạc đã giúp Cương thoả niềm mơ ước được giao lưu, được thể hiện bản thân. Cương được mời vào ban nhạc của xóm chuyên đi biểu diễn tại các đám cưới trong làng, ngoài xã. Thời gian này, với khát khao được di chuyển bằng đôi chân tật nguyền, không phải phụ thuộc vào người khác, Cương cố gắng để tập đi dù đôi chân teo tóp. Ở tuổi 15, Cương đã vỡ òa khi có thể tự di chuyển dù còn chậm chạp trên đôi chân đã không “lớn” nhiều năm. Cương tâm sự: “Khi nhận thức được mình không lành lặn như những người khác, tôi mất một thời gian dài để làm quen. Ban đầu, bố mẹ đặt đâu tôi nằm đấy, không thể ngồi dậy được, mọi sinh hoạt cá nhân đều do bố mẹ chăm bẵm. Mãi đến năm 15 tuổi, với khát khao không phải phụ thuộc nhiều vào người thân, tôi mới cố gắng tập để có thể tự di chuyển, vệ sinh cá nhân và giúp đỡ bố mẹ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa… Nói là tự di chuyển được nhưng chân tôi vô cùng yếu, không thể đứng dậy được vì đã bị teo lại, việc di chuyển dường như phải nhờ sự hỗ trợ của đôi tay”. Trong quá trình đi làm đẹp cho đời qua giai điệu của tiếng đàn guitar, oóc gan trầm bổng, du dương, Cương đã chiếm được cảm tình của cô thôn nữ cùng làng. Tình yêu và những đứa con khỏe mạnh lần lượt chào đời như chắp thêm đôi cánh để anh có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống. Tuy di chuyển khó khăn nhưng anh luôn nỗ lực tìm tòi để có công việc phù hợp với bản thân, phụ với vợ nuôi con. Ngoài làm nông, anh đã mày mò học nghề hàn xì để làm tại nhà. Những ngày mới bắt đầu, công việc của anh diễn ra vô cùng khó khăn, vất vả. Để làm quen được với công việc, anh phải tập cho cơ thể quen dần với chiếc ghế con, mỗi khi di chuyển hay làm việc anh phải luôn có một chiếc ghế để kê. Đã nhiều lúc anh thấy chán nản với công việc. Tuy nhiên, những người hàng xóm thân quen, những người họ hàng hàng ngày tìm đến nhờ anh hàn cái cổng nhà, làm hàng rào, chiếc xe rùa, xe chở hàng hay những nông cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp… đã giúp anh thêm kiên trì với công việc. Dần dần, không chỉ làm công việc hàn xì, từ chiếc xe máy anh đã mày mò tự chế tạo cho mình chiếc xe 4 bánh để đi lại cho thuận tiện. Nhiều người khuyết tật đã tìm đến nhờ anh thiết kế chiếc xe cho phù hợp với bản thân. Mày mò làm nhiều việc để có thêm thu nhập nuôi các con khôn lớn, đan xen cùng những buổi đi buổi diễn văn nghệ cùng ban nhạc của xóm khiến anh luôn lạc quan, yêu đời và luôn mong muốn làm được điều có ích cho gia đình. Thấy người dân bỏ đồng ruộng để đi làm việc khác, anh bàn với vợ mượn lại ruộng để trồng lúa theo mô hình cánh đồng lớn.
Với một người bình thường, làm nông đã khó, anh Cương dám mượn đến 30 mẫu ruộng để sản xuất lúa. Sau khi học hỏi để lái máy cày, anh lần lượt khai hoang, cày bừa và đi vào sản xuất. Anh dựng chiếc chòi ở ngay cánh đồng để tiện cho công việc. Chiếc xe tự tạo giúp anh trong việc di chuyển, trông coi như bao người nông dân khác. Từ ngày nhận ruộng, mỗi đêm anh chỉ ngủ được khoảng 3 tiếng. Trời không phụ lòng người, vụ xuân vừa qua, anh Cương chỉ cấy lúa tám, dù cho thu hoạch không như mong muốn nhưng anh vẫn có lãi. Hiện tại, với tổng diện tích đất mượn mở rộng lên 45 mẫu, anh đang gieo sạ các giống lúa nếp, dự hương và tám. Anh hy vọng với sự cần cù, rút kinh nghiệm của bản thân cùng với mưa thuận gió hòa, vụ mùa tới anh sẽ đạt được niềm mong ước “biến đất hoang thành vàng”.
Luôn vui vẻ, hòa đồng và chịu khó mày mò, tìm hướng phát triển kinh tế, nghị lực của anh Bùi Văn Cương là tấm gương cho những người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống./.
Bài và ảnh: Thảo Linh