Gần đến Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) cảm xúc của cựu chiến binh (CCB) Uông Sỹ Hải, phường Năng Tĩnh (thành phố Nam Định), ngoài sự bồi hồi xúc động khi kỷ niệm thời quân ngũ của người lính Cụ Hồ ùa về, còn có ký ức về sự hy sinh của các đồng đội. Và cả niềm trăn trở, khi những năm qua ông vẫn chưa tìm kiếm được hết người thân cho đồng đội đã ngã xuống.
CCB Uông Sỹ Hải, phường Năng Tĩnh (thành phố Nam Định) ôn lại những năm tháng lịch sử kháng chiến. |
Những năm qua, ký ức về những đồng đội cùng sát cánh trong trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã thúc giục CCB Uông Sỹ Hải đi tìm hài cốt đồng đội. Ông là một trong những nhân chứng lịch sử từng tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Gần 50 năm đã qua, những câu chuyện về tình đồng đội, đồng chí vẫn luôn hiển hiện. Những ngày này, căn nhà nhỏ của ông Hải có nhiều người lui tới hơn thường ngày. Họ là những người đồng đội ngày xưa và cả thân nhân của những liệt sĩ tìm đến ông để nhờ giúp đỡ tìm mộ phần của người thân. Ông Hải kể, tháng 8 năm 1971 ông lên đường nhập ngũ. Năm 1972, ông được biên chế vào đơn vị 308 tham gia trận chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Trong trận chiến đấu cam go giữa ta và địch, ông chứng kiến bao nhiêu đồng đội ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc. Theo lịch sử ghi lại, trong 81 ngày đêm, thị xã Quảng Trị vỏn vẹn chỉ hơn 3km2 đã phải nhận 328 nghìn tấn bom đạn, được tính tương đương sức công phá của bảy quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hirosima (Nhật Bản) năm 1945. Trong mưa bom bão đạn, bộ đội ta vẫn giữ vững quyết tâm “còn người còn trận địa, còn người còn Thành cổ Quảng Trị”. Người lính chiến đấu năm nào khi nhắc đến Thành cổ Quảng Trị là những hình ảnh về trận đánh, về những đồng đội cùng sát cánh bên nhau hiện hữu chưa bao giờ nguôi ngoai. Ông Hải nhớ nhất hình ảnh trong mỗi trận đánh, các đồng đội thường nói với nhau: “Trước khi ra trận không biết ai còn, ai mất; sau này nếu ai còn sống thì nhớ đưa anh em đã chết về với quê hương”. Lời nhắn nhủ đó được ông xem như là “mệnh lệnh” để thúc giục bước chân mình không được nghỉ ngơi với công việc đi tìm mộ phần của đồng đội như tìm lại chính phần máu thịt của mình bỏ lại nơi đây. Cũng vì lý do này mà sau chiến tranh, ông Hải đã trở lại Quảng Trị kết nối với các CCB từng chung chiến hào năm xưa cùng nhau thực hiện nghĩa cử cao đẹp “Tôi đi tìm người thân cho đồng đội tôi”. Cẩn thận lên kế hoạch các đợt đi kiếm tìm đồng đội, đến nay, trong tay ông đã có danh sách của 2.057 ngôi mộ liệt sĩ quê ở tỉnh Hà Nam Ninh cũ (nay được tách ra làm 3 tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình), hy sinh trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, hiện đang được an táng tại Nghĩa trang Thành cổ Quảng Trị. Đối với CCB Uông Sỹ Hải không niềm vui nào lớn hơn sự sung sướng khi tìm được quê quán cho những đồng đội đã khuất. Chia sẻ về những kỷ niệm, khó khăn trong quá trình đi tìm người thân cho đồng đội, ông Hải cho biết:
“Trong chiến tranh ác liệt, ai hy sinh ở đâu thì được chôn ở đó. Những phần mộ được chôn vội vàng, qua loa nên rất khó tìm lại. Tài liệu lưu trữ của đơn vị cũng không đầy đủ, nên khó khăn cho công tác viết sử và tìm kiếm thông tin liệt sĩ”. Để có thông tin đồng đội, ông đã tới Quảng Trị tìm kiếm. Điều may mắn là ông có được danh sách liệt sĩ của đơn vị. Với những thông tin đó, từ năm 2014, ông Hải bắt đầu hành trình đi tìm địa chỉ người thân cho các đồng đội đã hy sinh. Quá trình đi tìm của ông gặp không ít khó khăn bởi địa chỉ nhiều gia đình liệt sĩ đã thay đổi, chuyển sinh sống đi nơi khác... Song khó khăn, vất vả bao nhiêu cũng không ngăn được bước chân của ông Hải. Từ bản danh sách liệt sĩ ở nghĩa trang, ông tìm tới gia đình thân nhân liệt sĩ để báo tin cho họ. Đến nay, ông đã tìm được địa chỉ người thân cho 3 đồng đội tại tỉnh Nam Định. Để các gia đình tìm được phần mộ liệt sĩ, có lần ông Hải phải lần theo địa chỉ để xác minh xem thông tin phần mộ có phải là liệt sĩ của gia đình họ đang tìm kiếm hay không. Trong số các gia đình tìm được mộ liệt sĩ, có những trường hợp rất đặc biệt và ông Hải phải mất rất nhiều thời gian đi xác minh, phối hợp với gia đình, chính quyền địa phương. Chẳng hạn như liệt sĩ Phạm Công Hậu ở phố Hàng Cót cũ, nay là đường Vỵ Xuyên (thành phố Nam Định) được an táng tại nghĩa trang Quảng Trị, ông tìm đến tận nhà, nhờ chính quyền địa phương xác minh địa chỉ 4 lần. Hay liệt sĩ Nguyễn Văn Bảo ở Mỹ Lộc, ông không quản đường xa tới tận nơi xác minh và viết nhiều lá thư báo tin đến gia đình thân nhân. Một trường hợp khác, liệt sĩ Hùng Văn Tính dù đã báo tin cho gia đình thân nhân nhưng do hoàn cảnh khó khăn vẫn chưa có điều kiện đưa anh về với quê hương... Trong hành trình ông Hải liên lạc cho các gia đình để xác nhận thông tin, cũng có những địa chỉ nhận được hồi âm, nhưng cũng có nhiều gia đình chuyển công tác làm ăn xa và ông không thể tìm được. “Mỗi lần đưa các anh hùng, liệt sĩ về quê hương, tôi vui mừng khôn xiết. Chỉ cần đồng đội được yên nghỉ nơi quê nhà, tôi quyết tâm, tình nguyện làm việc này đến khi trút hơi thở cuối cùng”, ông Hải tâm sự.
Với CCB Uông Sỹ Hải, niềm vui của các thân nhân liệt sĩ chính là niềm an ủi động viên lớn nhất, cho ông thêm sức khỏe để thực hiện ước nguyện của mình. Dù cuộc sống gia đình ông còn nhiều khó khăn nhưng trong lòng người ông vẫn không nguôi nỗi niềm nhớ thương các đồng đội đã hy sinh. Đó chính là động lực để CCB Uông Sỹ Hải tìm lại địa chỉ cho những người thân của đồng đội. Ngày nào còn chưa tìm ra thì ông vẫn còn trăn trở, day dứt./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh