Lựa chọn nghề nghiệp, định hướng tương lai luôn là sự quan tâm của các bậc phụ huynh và học sinh mỗi khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhất là đối với học sinh không chọn con đường học tiếp lên đại học. Em Lê Tiến Dũng, ở ngõ 298 Hùng Vương (thành phố Nam Định), vừa thi tốt nghiệp THPT cho biết: “Ban đầu em cũng định đăng ký vào các trường đại học, nhưng lực học của em chỉ có thể đăng ký vào các trường điểm thấp. Sau khi tham gia các lớp hướng nghiệp, em cùng một số bạn có học lực trung bình quyết định lựa chọn trường nghề. Em lựa chọn học nghề điện - điện tử tại Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định sau khi tốt nghiệp THPT”. Còn chị Quỳnh Trang ở xóm Đình, thị trấn Nam Giang (Nam Trực) chia sẻ: “Năm nay tôi có con trai tốt nghiệp THPT, vì lực học của cháu cũng bình thường, trong khi tôi biết có những bạn sinh viên tốt nghiệp đại học các ngành kế toán, ngân hàng, nhân viên văn phòng ra trường vẫn chưa xin được việc làm; mặt khác, do hoàn cảnh gia đình, tôi muốn con trai đi học nghề để sớm kiếm được việc làm đỡ đần bố mẹ nuôi các em ăn học”. Với suy nghĩ đó, chị Trang đã định hướng cho con học nghề mộc, bởi theo chị đây tuy là nghề nặng nhọc vất vả, nhưng nếu xét trong số những nghề học để lập nghiệp thì đây là nghề nhiều tiềm năng và mang lại nhiều cơ hội công việc, thời gian học nghề ngắn...
Học sinh Trường THPT A Hải Hậu trong giờ thực hành môn Sinh học (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). |
Thời gian gần đây, công tác hướng nghiệp cho học sinh THPT đã được nhiều nhà trường quan tâm đổi mới theo hướng thiết thực hơn. Tuy nhiên, tình trạng hướng nghiệp chưa thực sự gắn với nhu cầu của thị trường lao động vẫn phổ biến. Vẫn còn tình trạng đổ xô theo học những chuyên ngành mà thị trường lao động đang dư thừa. Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB và XH, mỗi năm có hơn 200 nghìn sinh viên thất nghiệp; sinh viên ra trường làm trái ngành chiếm 60% và tỉnh ta cũng không nằm ngoài thực trạng chung đó. Sinh viên thất nghiệp chủ yếu tập trung ở các ngành nghề: Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng... Trong khi đó trên thị trường lao động hiện nay các ngành dịch vụ đang có xu hướng phát triển; lao động có nghề đang được các doanh nghiệp săn đón như: Xây dựng, thiết kế, sửa chữa ô tô, điện lạnh, làm đẹp, du lịch... thì chưa được các nhà trường, học sinh chú ý. Nguyên nhân của tình trạng “cung” lệch “cầu” là do nhà trường, phụ huynh và học sinh chưa nắm bắt được nhu cầu của thị trường lao động để tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho các em. Mặt khác, tâm lý, nhận thức của phần lớn phụ huynh và học sinh vẫn là coi trọng bằng cấp đại học. Phần lớn các trường THPT vẫn có xu hướng chạy theo thành tích số lượng học sinh tốt nghiệp và đỗ đại học. Việc dạy thêm, học thêm các môn để đón đầu cho mục tiêu vào các trường đại học diễn ra ngay từ cấp THCS, mà coi nhẹ giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh, nhất là ở nhóm học sinh không có khả năng và điều kiện tiếp tục học lên cao hơn. Những nguyên nhân nêu trên dẫn đến việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp THPT mặc dù đã nói nhiều song còn rất hạn chế. Sự mất cân bằng trong định hướng nghề nghiệp dẫn đến việc học sinh không có được định hướng tốt nhất cho tương lai của mình, không biết chọn ngành nghề phù hợp và đón đầu xu thế thị trường lao động...
Để công tác hướng nghiệp cho học sinh sau THPT đạt hiệu quả thì vai trò của ngành GD và ĐT, các nhà trường, các ngành chức năng trong phân tích, dự báo nhu cầu của thị trường lao động là rất cần thiết, nhằm định hướng cho học sinh lựa chọn ngành, nghề phù hợp năng lực và gắn với nhu cầu thực tế của thị trường lao động và tương lai phát triển của ngành nghề đó. Toàn tỉnh có 38 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trải đều ở 10 huyện, thành phố. Các cơ sở này có năng lực đào tạo trên 120 ngành nghề ở 3 cấp trình độ (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp) và mỗi năm đào tạo khoảng 35 nghìn học sinh, sinh viên, học viên. Có những ngành nghề do đào tạo đúng, trúng nhu cầu thị trường lao động mà 80-95% học sinh, sinh viên, học viên ra trường có việc làm ngay... Một số cách làm hay của các trường, các cơ sở đào tạo nghề đang rất cần được nhân rộng như: Trường THPT Mỹ Lộc, Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định. Trường THPT Mỹ Lộc (Mỹ Lộc) có 604 học sinh khối 12 vừa thi xong tốt nghiệp THPT. Để giúp học sinh lựa chọn đúng ngành, nghề phù hợp với khả năng của bản thân mình, nhà trường đã tổ chức nhiều buổi học hướng nghiệp cho cả học sinh từ đầu cấp. Mới đây, ngày 15-4, nhà trường tổ chức “Chương trình tư vấn định hướng nghề nghiệp” cho 1.200 học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 toàn trường. Hướng nghiệp sớm kết hợp nhiều hình thức phong phú, đa dạng như thông qua chuyên mục “tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh” tại website của trường (http://thpt-myloc.namdinh.edu.vn) hay fanpage Facebook; gửi thư điện tử, hoặc tư vấn trực tiếp cho học sinh do Tổ tư vấn hướng nghiệp nhà trường thực hiện… Nhờ cách làm đó, học sinh của trường luôn được tiếp cận với những thông tin mới nhất, chính xác nhất về định hướng nghề nghiệp. Thầy giáo Trần Nam Chung, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường đã định hướng phân luồng học sinh, trên cơ sở lực học để các em lựa chọn thi đại học, cao đẳng hoặc học nghề. Thông qua các buổi học, hướng nghiệp do nhà trường tổ chức, hiện nay các em có học lực trung bình đã có xu hướng lựa chọn các trường nghề để dự tuyển phù hợp với nhu cầu việc làm trên thị trường hiện nay và trong tương lai”. Còn tại Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định, mới đây, ngày 6-7, trường tổ chức chương trình livestream tư vấn hướng nghiệp cho học sinh và phụ huynh để giới thiệu tiềm năng của 13 chuyên ngành đào tạo hệ cao đẳng, 31 chuyên ngành đào tạo hệ trung cấp của trường cùng các cơ sở được đặt khắp nơi trên địa bàn tỉnh để phụ huynh và học sinh lựa chọn theo học. Có những ngành nghề đón đầu xu thế như: Cơ khí, điện, điện tử, may công nghiệp, may thời trang, du lịch, dịch vụ... là các nghề mà các em có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Hướng nghiệp đúng gắn với nhu cầu thị trường lao động đang là giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, “cung” không đúng “cầu” dẫn tới nhiều cử nhân, thạc sĩ ra trường không có việc làm, phải làm việc không đúng chuyên môn, trái ngành nghề đào tạo, làm lãng phí nguồn đào tạo của xã hội và lãng phí nhân lực trẻ hiện nay. Tuy nhiên, việc hướng nghiệp và kết nối cung - cầu trong đào tạo hiện vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hiệu quả. Tỷ lệ doanh nghiệp có hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn còn ở mức khiêm tốn (!).
Để khắc phục những tồn tại trong công tác hướng nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, các nhà trường cần phối hợp với các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp để có dự báo chính xác về thị trường lao động, việc làm; phối hợp chặt chẽ giữa tuyển sinh, đào tạo và sử dụng sau đào tạo để tránh học sinh ra trường không có việc làm; hợp tác với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nhiều nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt là những lĩnh vực thiếu nhân lực để làm tốt công tác hướng nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tham khảo nhu cầu thị trường và doanh nghiệp để xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp thực tế theo phương châm đào tạo những gì xã hội cần, không phải đào tạo những gì nhà trường có”. Học sinh THPT muốn được định hướng nghề nghiệp tốt phải nắm được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để có sự chuẩn bị cũng như chọn lựa nghề nghiệp sao cho phù hợp với năng lực; phải tìm hiểu cơ hội ngành nghề mình lựa chọn có đem lại cơ hội cạnh tranh cho mình trong tìm kiếm việc làm hay không.
Thực hiện tốt công tác hướng nghiệp sẽ giúp học sinh tự nhận biết khả năng của mình, từ đó chọn đúng nghề, hướng đi phù hợp năng lực, sở trường và nhu cầu lao động của xã hội, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước./.
Bài và ảnh: Minh Thuận