Bên cạnh nỗi lo lắng về dịch bệnh COVID-19, vào dịp hè, các bậc phụ huynh đều có mối lo chung là làm sao để chăm sóc, quản lý, giáo dục con, bảo đảm cho trẻ có một mùa hè an toàn, bổ ích. Trong khi trẻ lứa tuổi mầm non thường tò mò, ham hiểu biết, thích khám phá thế giới xung quanh nhưng khả năng nhận thức và đề phòng những mối nguy hiểm đối với bản thân còn hạn chế. Vào dịp trẻ được nghỉ hè, các vụ tai nạn, thương tích thường tăng lên. Mới đây nhất ở thành phố Nam Định xảy ra vụ một bé gái 4 tuổi trèo qua lan can rồi rơi xuống từ tầng 2 của một ngôi nhà. Rất may, một người đàn ông đi xe đạp qua đường đã kịp dừng xe chạy đến đỡ được, cứu cháu an toàn.
Các cháu Trường Mầm non Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) với hoạt động trải nghiệm sáng tạo (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). |
Việc bảo vệ an toàn cho trẻ trong mùa hè có dịch, tránh các rủi ro, tai nạn thương tích trong dịp hè... đang được ngành GD và ĐT đặc biệt quan tâm. Các nội dung hướng dẫn cha mẹ về nhận thức và kỹ năng đảm bảo an toàn cho trẻ được ngành GD và ĐT chuyển tải tới toàn thể cán bộ, giáo viên, các bậc phụ huynh thông qua các văn bản chỉ đạo; các hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục mầm non đầu năm học; các buổi tập huấn chuyên môn về tình cảm, kỹ năng xã hội; phòng chống bạo hành; công tác đảm bảo an toàn cho trẻ; tuyên truyền về đảm bảo an toàn, dinh dưỡng cho trẻ... Sở GD và ĐT chỉ đạo Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non thường xuyên liên lạc, trao đổi, triển khai đến phụ huynh các nội dung chăm sóc, giáo dục trẻ đảm bảo chất lượng, an toàn, thông qua zalo, tin nhắn, thư điện tử, youtube hoặc cung cấp địa chỉ website có các nội dung chăm sóc, giáo dục trẻ. Tổ chức tập huấn cho các chuyên viên Tổ giáo dục mầm non của Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố; Ban giám hiệu các trường mầm non; giáo viên các lớp nhà trẻ, mẫu giáo. Tập trung phổ biến về các nguy cơ mất an toàn đối với trẻ như: đặc thù của trẻ mầm non các nguy cơ mất an toàn cho trẻ như: trong giao tiếp, trong sinh hoạt gia đình, các nguy cơ khi cho trẻ ra ngoài... Trong giao tiếp có những người có thể gây nguy hiểm cho trẻ như: người bị bệnh tâm thần, người say rượu, người lạ, người nghiện ma túy, người quen/người thân nhưng có biểu hiện gây nguy hiểm. Nguy cơ mất an toàn cho trẻ tiểm ẩn trong sinh hoạt gia đình khi sử dụng thiết bị điện/khí ga, khi tắm cho trẻ, khi cho trẻ chơi ở sân, vườn, ban công…; khi cho trẻ chơi ở những nơi gần ao, hồ, sông…; khi cho trẻ ra ngoài bằng các phương tiện xe đẩy, xe máy, ô tô… Bên cạnh đó, những năm gần đây, tai nạn thương tích xảy ra đối với trẻ em rất nhiều, tình trạng trẻ em bị bắt cóc, trẻ bị xâm hại ngày càng gia tăng với diễn biến phức tạp, tinh vi, khó kiểm soát gây bức xúc trong xã hội. Hướng dẫn cha mẹ kỹ năng thực hiện đảm bảo an toàn cho trẻ. Dạy trẻ nhận biết những người có thể gây nguy hiểm cho trẻ, tránh những hành động nguy hiểm, biết từ chối những người có thể gây nguy hiểm để tự vệ... Dạy trẻ một số kỹ năng xử trí và phòng vệ trong các tình huống bị người lạ kéo đi, khi bị đánh, bị bế lên xe của người lạ; khi bị người lạ cho ăn hoặc uống đồ vật lạ… Dạy trẻ có hành động tự vệ phù hợp với các tình huống nguy hiểm; quan tâm, tìm cách giúp đỡ những người bị nạn nhưng phải đảm bảo an toàn cho bản thân mình... Dạy trẻ các số điện thoại khẩn cấp như 111, 112, 113, 114, 115... Hướng dẫn cha mẹ trau dồi các kỹ năng thực hiện đảm bảo an toàn cho trẻ ở gia đình, nhận thấy những nguy cơ tiềm tàng từ những đồ nội thất đến không gian ngoài sân vườn, ban công gây mất an toàn cho trẻ (tiêu chuẩn lan can ban công nhà cao tầng tối thiểu phải cao 1,1m). Giữ trẻ tránh xa khu vực làm bếp khi đang nấu ăn hay chuẩn bị đồ uống nóng. Khi nấu ăn, quai và tay cầm của nồi, chảo nên quay vào trong để tránh gạt phải khi đi lại trong bếp. Chú ý các kỹ thuật, cảnh báo về đảm bảo an toàn điện... Trong thời gian trẻ nghỉ hè ở nhà và nghỉ phòng dịch COVID-19, các nhà trường và giáo viên chủ nhiệm thông qua thông qua zalo, facebook, tin nhắn SMS, thư điện tử... khuyến cáo cha mẹ chú ý đảm bảo an toàn cho trẻ, bổ sung dinh dưỡng, chế độ dinh dưỡng hợp lý để hỗ trợ tăng cường miễn dịch, phòng chống dịch bệnh cho trẻ...
Các nội dung hướng dẫn cha mẹ về nhận thức và kỹ năng đảm bảo an toàn cho trẻ được ngành GD và ĐT chuyển tải đã giúp cha mẹ phối hợp tích cực, hiệu quả với nhà trường và xã hội trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, đảm bảo tuyệt đối an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ ở lứa tuổi mầm non./.
Bài và ảnh: Minh Thuận