Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của kinh doanh thực phẩm online đã đem lại nhiều lợi ích, thuận tiện cho người bán và người mua. Hầu hết các gian hàng trên các trang mạng xã hội zalo, facebook... đều đưa ra các quảng cáo, cam kết đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, cùng với tiện ích là không ít rủi ro vì hiện nay việc kinh doanh này còn thiếu cơ chế quản lý.
Một cửa hàng thức ăn chín giao hàng tận nhà trên đường Ngô Gia Tự (thành phố Nam Định). |
Hình thức bán hàng qua mạng xã hội đã quen thuộc với nhiều người, nhưng dịch vụ kinh doanh thực phẩm giao hàng tận nhà chỉ thực sự “lên ngôi” kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, người dân lo ngại dịch bệnh, hạn chế ra đường. Ngoài lý do dịch dã, người dân hạn chế ra ngoài mua, các chủ hàng online phần lớn còn có những bí quyết để thu hút khách là thực phẩm phải tươi ngon. Cửa hàng thực phẩm sạch Ngọc Hường trên đường Nguyễn Đức Thuận (thành phố Nam Định) từ lâu đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều bà nội trợ. Ngoài bán thực phẩm tươi sống, chị Hường, chủ cửa hàng còn thuê đội ngũ đầu bếp chế biến thực phẩm ăn sẵn bán trực tiếp và bán trên facebook giao hàng tận nhà. Để hàng hóa rõ nguồn gốc và chất lượng, chị thường tìm những mối hàng ngon, sạch, có thương hiệu như ngô nếp Điện Biên, thạch đen Cao Bằng, lợn mán Hòa Bình, dưa hấu dé Long An, cua, tôm ở Vườn quốc gia Xuân Thủy, chả mực Hạ Long… Nhiều mặt hàng cần độ tươi, chị chọn cách nhập bằng đường hàng không và giao liền trong ngày cho khách. Với những món ăn chín, thường buổi tối ngày hôm trước chị đăng thực đơn trên facebook để người tiêu dùng lựa chọn, đăng ký đến lấy hoặc có ship mang đến tận nhà. Còn chị Thúy ở đường Kênh (thành phố Nam Định) cho biết đã tham gia bán thực phẩm online từ hơn một năm nay. Chị kể, lúc đó dịch bệnh bùng phát ở một số tỉnh nên ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người dân thành phố Nam Định cũng như gia đình chị. Để có thực phẩm sạch ăn hàng ngày, chị đã nhờ mẹ mua gạo, rau củ, gà, trứng… ở quê rồi mang về dự trữ. Ban đầu, chỉ đơn giản “khoe” trên fecebook đồ quê dự trữ đầy nhà để yên tâm chống dịch, không ngờ bạn bè, người thân vào hỏi thăm và có nhiều người ngỏ ý được mua lại để ăn. Vì vậy chị đã về quê tìm mua với số lượng thực phẩm nhiều hơn vừa để nhà ăn vừa rao bán một phần trên mạng xã hội. Thời gian đầu, chị Thúy chỉ bán một đợt vào 2 ngày cuối tuần với số lượng khoảng 50kg gồm cá, thịt lợn, gà, chim bồ câu và rau xanh. Vì bán hàng chất lượng nên khách đến với cửa hàng online của chị Thúy ngày càng đông. Hiện tại, chị đã dừng hẳn việc nấu ăn cho một cơ sở trông giữ trẻ để dành thời gian kinh doanh onile. Cũng luôn đặt tiêu chí chất lượng trong mọi hoàn cảnh, chị Lan chuyên kinh doanh hải sản online ở xã Giao Thiện (Giao Thủy) chỉ gửi hàng cho khách khi gom được thủy hải sản còn sống. “Dù đơn đặt hàng tăng cao, phải hẹn khách tôi vẫn chấp nhận để chọn lựa hàng ngon sạch. Nhờ vậy, lượng khách thân thiết của tôi một tháng đặt hàng ít nhất 2-5 lần”, chị Lan chia sẻ.
Hiện nay để mua thực phẩm online, ai cũng có thể vào các trang mạng xã hội để tìm bất cứ loại thực phẩm nào, từ tươi sống đến chế biến sẵn, thực phẩm nhà làm, đồ ăn vặt, đồ đông lạnh, trái cây, đặc sản các vùng miền... rao tràn lan trên các trang mạng. Hầu hết các điểm bán đều giới thiệu kèm hình ảnh rất bắt mắt, tươi ngon và cam đoan bảo đảm chất lượng, vệ sinh. Các hình thức này thường là tự phát, theo cá nhân hoặc hộ gia đình. Có những người bán hàng khéo tay, nấu ăn, làm bánh giỏi tận dụng ưu thế quảng bá của mạng xã hội để bán đồ ăn, thực phẩm chế biến sẵn. Khách hàng của họ là những người thân, người bạn quen biết, quen ăn đồ họ làm và đặt niềm tin vào người chế biến, bán hàng. Tuy nhiên, có nhiều người cũng kinh doanh thực phẩm qua mạng bằng cách lựa chọn những hình ảnh thực phẩm bắt mắt, lời lẽ bán hàng thuyết phục, dễ nghe, gắn mác “nhà làm”, “tự làm”, “đồ quê”, “đảm bảo an toàn” để tạo lòng tin đối với khách hàng, nhưng thực tế không giống như những gì họ quảng cáo. Đa phần hoạt động của họ là tự phát, quy mô nhỏ lẻ, không chịu sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền, không kiểm soát được chất lượng nguyên liệu đầu vào, quy trình chế biến, bảo quản, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm. Chị Tâm ở đường Văn Cao (thành phố Nam Định) đã phải bỏ ra 800 nghìn đồng để mua 1kg mực khô một nắng Phú Quốc do một “người bạn” trên mạng facebook giao bán với lời hứa “hàng không ngon không lấy tiền”. Tuy nhiên, chỉ đến khi bỏ mực ra nướng chị mới thấy râu mực không có độ quăn, phần thân có các góc thô, không có độ bóng tự nhiên. Hơn nữa, phần trắng bao quanh mực không được dính đều và dễ bị bong mỗi khi chạm tay vào. Khi nướng lên vẫn có mùi mực thơm nhưng quá lửa thì lại có mùi khét lẹt. Phản hồi lại với người bán, chị chỉ nhận được những lời khẳng định “mực ngon mà chị ơi!?”. Nhiều bà nội trợ còn rất dễ “cả tin” khi mua những đặc sản vùng miền ở trên mạng xã hội. Vào các trang Rao vặt Nam Định Vlog, đồ ăn ship Nam Định, Nam Định tin dùng… không khó để tìm các loại “đặc sản” giá rẻ, từ thịt đà điểu, thịt nai, gà tây, bê non, thăn bò, bò Mỹ, mực ống, tôm hùm, chả mực, chả quế, xúc xích, pizza, chân gà ngâm, nem chua, nầm lợn… với giá rất rẻ so với chợ truyền thống. Phần lớn mặt hàng thực phẩm được rao bán này đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có địa chỉ kinh doanh, không chứng nhận an toàn thực phẩm, không địa chỉ chính xác và người bán chỉ làm theo mùa vụ hoặc rao bán qua trung gian. Chất lượng sản phẩm chỉ được chủ cửa hàng... cam đoan bằng miệng, khó kiểm chứng. Chính vì vậy, bên cạnh những tiện ích thì việc mua thực phẩm chế biến sẵn được bán online cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm...
Thay đổi cách mua hàng từ đi chợ truyền thống sang “chợ” online là xu hướng mới và là sự lựa chọn của người tiêu dùng thời công nghệ số bởi sự tiện ích. Song, “lỗ hổng” trong quản lý chất lượng bán hàng trên các trang mạng xã hội hiện nay cho thấy khung pháp lý chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn đời sống khi hầu hết các “chợ thực phẩm” online chưa có một cơ quan chức năng nào đứng ra kiểm tra, kiểm soát chất lượng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Vì vậy, người tiêu dùng cần cân nhắc hơn trong mua sắm, lựa chọn thực phẩm ở những nơi uy tín, có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng để tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình./.
Bài và ảnh: Hồng Minh