Thời gian gần đây, tình trạng ngập úng khi có mưa to trên địa bàn thành phố đang có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, giao thương của người dân. Để ứng phó và giải quyết tình trạng ngập úng trong mùa mưa bão năm nay, thành phố Nam Định đang tích cực triển khai các giải pháp, chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng xử lý các tình huống, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng của mưa lũ đối với đời sống sinh hoạt của người dân.
Ngã 6 Năng Tĩnh (thành phố Nam Định) được xác định là “điểm đen” về ngập úng trong mùa mưa bão năm nay. |
Hiện nay, thành phố Nam Định đang sử dụng hệ thống thoát nước chung có kết cấu hỗn hợp với các đường cống chính đã được kín hóa với tổng chiều dài 48,5km. Trên địa bàn có 60ha hồ điều hòa, gồm các hồ: Vỵ Xuyên, Vỵ Hoàng, Truyền Thống, Sơn Nam, An Trạch, Bảo Bối, Năng Tĩnh, Đầm Đọ, Đầm Bét, Hàng Nan… Trong thời gian qua, mặc dù đã được tỉnh, thành phố quan tâm đầu tư, nâng cấp, cải tạo nhằm gia tăng khả năng tiêu thoát nước song hiện nay trên địa bàn thành phố vẫn còn một số vị trí thường bị ngập nhanh và sâu khi có mưa. Theo Công ty cổ phần Công trình đô thị Nam Định, hiện thành phố có các “điểm đen” về ngập úng là: Ngã tư đường Trần Hưng Đạo - Phan Đình Phùng, đường Trần Hưng Đạo (đoạn cổng chợ Mỹ Tho, đoạn kéo dài ven hồ Truyền thống), Hàn Thuyên - Hùng Vương và chùa Cả, Hàng Tiện, Hàng Cấp, chợ Diên Hồng, đầu đường Quang Trung (Trung tâm Đăng kiểm cũ), ngã 6 Năng Tĩnh - Văn Cao, đường Bến Thóc, Ngô Quyền, Máy Tơ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là tại những vị trí này do địa hình trũng thấp nên khi có mưa thì toàn bộ nước mưa ở những vị trí khác chảy dồn về khiến lượng nước vượt quá khả năng tiêu của hệ thống cống. Hiện nay hệ thống cống thoát nước được xây dựng từ lâu, có nhiều cống được xây dựng từ thời Pháp thuộc hoặc xây dựng không đồng bộ, chắp vá, tiết diện cống nhỏ không bảo đảm tiêu thoát nước khi mưa lớn. Ngoài ra, một số tuyến cống của các tuyến đường chưa được thông nên gây khó khăn cho việc tiêu thoát nước. Chẳng hạn tuyến cống tiêu thoát cho đường Trần Hưng Đạo chỉ thoát ra hồ Truyền Thống và phụ thuộc hoàn toàn vào mực nước của hồ; song hồ đang được thầu nuôi cá, việc điều tiết mực nước hồ phụ thuộc vào các hộ này khiến việc điều hành tiêu nước gặp khó khăn. Bên cạnh đó, Trạm bơm Quán Chuột có nhiệm vụ tiêu nước cho toàn bộ phía đông bắc thành phố với 13 máy bơm tiêu nhưng hiện đã có tới 6 máy hỏng nên ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ tiêu thoát nước khi có yêu cầu…
Trước tình hình trên, để nâng cao hiệu quả tiêu thoát nước, ứng phó với tình trạng thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, cực đoan, một mặt UBND thành phố Nam Định chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai của thành phố và các phường, xã; hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai cho cộng đồng. Đồng thời đẩy mạnh triển khai đầu tư, cải tạo, chỉnh trang, kiên cố hóa hệ thống hồ, đầm, ao; đầu tư xây mới các tuyến cống thoát nước chính như cống: Quán Tây, Chu Văn An, đường Kênh; kín hóa các đoạn kênh thoát nước chính kênh Gia, kênh Mạ Điện. Mặt khác chỉ đạo các ban, ngành, đơn vị chức năng của thành phố tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật thoát nước bảo đảm hoạt động, khả năng tiêu thoát nước; tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không lấn chiếm, xả rác, xây bít cống, cửa ghi tiêu nước; thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Thành phố đã xây dựng 2 kịch bản ứng phó, xử lý với mưa lớn kéo dài từ 2-3 giờ và trên 3 giờ để chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng xử lý hiệu quả các tình huống.
Đồng chí Phạm Thái Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Công trình đô thị Nam Định cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, bước vào mùa mưa bão năm nay, Công ty đã tập trung huy động lực lượng tổ chức duy tu, nạo vét bùn trên các tuyến cống, hố ga, vớt bèo, rác cửa xả, nhặt thu gom phế thải và làm cỏ mái kênh tiêu, tăng tiết diện dòng chảy để tăng năng lực thoát nước. Chủ động phát hiện, xác định nguyên nhân cụ thể gây các điểm ngập úng trên đường Trần Hưng Đạo, Hàn Thuyên, Hùng Vương, Trần Nhật Duật, Lê Hồng Phong… để có giải pháp giải quyết bằng xe cơ giới kết hợp với thủ công; tiến hành phun rửa các cửa ghi thu nước tại các hố ga ngăn mùi để tăng khả năng thu nước mặt đường khi có mưa; tổ chức thay thế các tấm đan, xử lý hố sụt để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên đường. Bên cạnh đó, Công ty tiến hành bảo dưỡng, vận hành trạm bơm, bố trí lực lượng thường trực 24/24h để vớt bèo, rác tại Trạm bơm Kênh Gia, Quán Chuột; thực hiện bơm tiêu nước đệm và duy trì mực nước thấp tại 2 trạm bơm tiêu này, đồng thời chủ động điều tiết nước bằng phai cống từ sông Vĩnh Giang ra, vào các tuyến kênh, mương, cống của thành phố. Trước mắt, tại những vị trí thường ngập sâu, khi có mưa to, Công ty sẽ bố trí, phân công lực lượng thường trực để mở nắp cống ga nhằm tăng khả năng thu và tiêu nước nhanh; phát hiện và xử lý sớm những điểm bị tắc cục bộ.
Thời gian tới, thành phố tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai, ứng phó với tình trạng ngập úng; tổ chức đánh giá rủi ro thiên tai, mưa, bão để xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp, bảo đảm hiệu quả; rà soát các quy hoạch thoát nước bảo đảm hướng tuyến, lưu lượng thoát nước làm cơ sở triển khai nghiên cứu, thực hiện các dự án đầu tư nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng thoát nước mưa, nước thải. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, ưu tiên kiểm soát ngập cho khu vực trọng điểm, có giải pháp ứng phó với mưa lớn. Thực hiện tốt công tác duy tu hệ thống thoát nước, có giải pháp thoát nước kịp thời không để tồn tại úng ngập cục bộ./.
Bài và ảnh: Văn Đại