Được đưa vào chương trình đào tạo chính quy từ những năm 1986-1987, nghề mỹ nghệ của Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định đến nay cũng đã có lịch sử trên 30 năm. Mỗi năm, từ ngôi trường này đào tạo ra hàng trăm thợ đục, thợ điêu khắc, thợ khảm… có tay nghề cao, trở thành những thợ cả tài hoa trong các làng nghề. Đặc biệt, đây còn là ngôi trường duy nhất trong toàn quốc dạy nghề chạm khắc đá, một nghề đòi hỏi óc thẩm mỹ, bàn tay khéo léo cực cao của người thợ.
Thầy và trò Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định trong một giờ học kỹ thuật khảm trai (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). |
Trò chuyện với chúng tôi trong phòng họp lớn với rất nhiều sản phẩm trưng bày, giảng viên, nghệ nhân chạm khắc đá Trần Phú Thuần, Phó Khoa Đào tạo chỉ tay vào bức tranh trống đồng treo trên tường nói đầy tự hào: “Không chỉ bức tranh này, toàn bộ bàn ghế, tranh gỗ, đá trong phòng họp này đều là của “cây nhà, lá vườn”. Quan sát kỹ bức tranh, chúng tôi mới thấy hết sự tỉ mỉ, tinh xảo trong từng đường nét đắp nổi, cách dát đồng; từ đó, càng cảm phục bàn tay, khối óc của những thầy cô giáo và học sinh, sinh viên nhà trường. Trong thời đại hiện nay, khi công nghệ điêu khắc bằng máy móc công nghệ cao đã dần thay thế bàn tay của con người, vẫn có một nơi đào tạo chính quy những nghề truyền thống. Để “truyền lửa” đam mê, giúp người học, nhà trường có cách ưu đãi, đào tạo rất khác biệt. Ngoài học bổng trao cho các sinh viên có thành tích xuất sắc, nhà trường không thu học phí những học sinh, sinh viên theo học nghề. Thầy giáo Thuần còn chia sẻ thêm về cách dạy nghề ở trường. “Nếu như ở các làng nghề, những thợ trẻ muốn học sẽ được dạy theo kiểu “cha truyền con nối”, dạy từng công đoạn thì cách dạy ở trường chúng tôi là dạy cho người học có thể làm hoàn thiện sản phẩm. Bởi ở đây các em không chỉ được học về khả năng thực hành thành thạo mà còn được cung cấp thêm những kiến thức chuyên sâu về nghề. Khi ra đời các em không chỉ đánh giá được độ thẩm mỹ mà còn đảm bảo được các yêu cầu về kỹ thuật của sản phẩm. Như vậy, khi ra trường, mỗi người sẽ có cơ hội thử sức cũng như làm thành thạo được nhiều sản phẩm khác nhau”. Với cách đào tạo này, nhà trường căn cứ theo nguyện vọng, xác định được sinh viên có hứng thú, đam mê với nghề mới nhận đào tạo. Sinh viên mới vào trường sẽ được dạy từng công đoạn, làm quen từ những hình khối cơ bản cho đến khi có thể tự mình vẽ được các hoạ tiết và thực hành thực tế. Để thực hiện được mục tiêu đó, nhà trường đang có những đổi mới sáng tạo, những cách làm khác biệt. Cụ thể, trong chương trình đào tạo, nhà trường đưa ra một môn học dành riêng cho ngôn ngữ nghề Mỹ thuật. Đặc biệt, với bộ môn này các giảng viên, nghệ nhân không hoàn toàn bê nguyên những kiến thức có được từ các trường dạy nâng cao mà đưa ra những phương án thích hợp vào bài giảng để trong lúc học, học sinh không thấy nhàm chán. Bục giảng hàng ngày của mỗi lớp học thay vì bảng đen phấn trắng là những mẫu sản phẩm thực tế. Ở đó, mỗi người thầy giữ vị trí một người “truyền lửa”, hướng dẫn, khơi gợi sự đam mê của học sinh. Quá trình học, ngoài những giờ học thực tế trên lớp học sinh được xuống các xưởng mộc, xưởng đá học thực hành. Bục giảng đặc biệt, học sinh, sinh viên cũng đặc biệt không kém. Có những năm, nhà trường đón sinh viên có tuổi đời gần 60. Có lớp, hai bố con cùng theo học. Không chỉ học sinh học nghề, làm nghề ngay tại các xưởng, những thầy cô giáo trong khoa cũng thường xuyên xuống các làng nghề để vừa dạy vừa thực hành nghề. Nghệ nhân khảm trai, thầy giáo Vũ Văn Công vốn là một cựu sinh viên của trường. Với “thâm niên” đứng trên bục giảng vài chục năm, anh Công đã đến nhiều làng nghề trong cả nước để truyền dạy những kinh nghiệm trong nghề khảm mà anh tích lũy được. Quá trình dạy tại các làng nghề, anh cũng như một số giảng viên khác còn sáng tạo thêm các mẫu mã mới cho người dân làng nghề, giúp những thợ nghề đa dạng hóa sản phẩm. Anh đã tạo ra một số sản phẩm như các mẫu tranh, hộp, khay, hàng lưu niệm với hoa văn độc đáo, là cơ sở để một số làng nghề lên mẫu mới dùng cho xuất khẩu. Coi trọng từ khâu lý thuyết đến thực hành nghề, mỗi sản phẩm mỹ nghệ làm ra từ trường đều được những người sành chơi đánh giá cao, là những mặt hàng “kỹ” của những người có tay nghề và am hiểu mỹ thuật. Chia sẻ về giờ học chạm khắc đá anh Thuần cho biết: “Muốn chạm khắc được sản phẩm, trước tiên chúng tôi giúp học sinh phân biệt các loại đá và cách xử lý “chất liệu” cho phù hợp. Có hàng trăm dòng đá khác nhau. Ví dụ như “chất” đá Ninh Bình thường cứng và dai hơn đá trắng Đà Nẵng nên khi gọt, đục, mài cần nhẹ nhàng, khéo léo, tránh làm tách đá. Chỉ cần một lỗi nhỏ, có thể cả khối đá nặng nề sẽ bị tách vỡ. Làm nghề chạm khắc, do đó càng yêu cầu tỉ mẩn, dày công. Quá trình làm nghề cũng là để “rèn” nết, tính người là vì thế”. Tỉ mỉ, kỳ công trong mọi công đoạn đào tạo nghề nên nhiều sản phẩm từ ngôi trường này đã vang danh cả nước. Đó là các dự án trùng tu di tích có sử dụng các sản phẩm mỹ nghệ truyền thống của trường như: Những bức tượng đá trong Cụm công trình, khu di tích tâm linh đền Trần; một số hạng mục bằng đá của Chùa Tháp; 500 bức tượng La Hán bằng đá ở Chùa Bái Đính… Ngoài ra, thầy và trò nhà trường còn là “tác giả” của các bức phù điêu Tháp Phổ Minh được khách xa gần yêu thích; tượng gỗ mô phỏng lại bức tượng đồng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn…
Rời Trường Cao đẳng Xây dựng Nam Định vào một buổi sáng mùa hè oi ả, chúng tôi vẫn còn cảm giác vương vấn, bâng khuâng khi được tận mắt ngắm nhìn những sản phẩm mỹ nghệ của thầy và trò được trưng bầy trang trọng. Đó là thành quả vài chục năm của những thế hệ thầy cô, học trò, người thợ yêu nghề tài hoa. Trong bối cảnh công tác đào tạo của nhiều trường đại học, cao đẳng nghề trên cả nước nói chung khó khăn, những lớp học mộc, mỹ nghệ của trường vẫn thu hút được lượng học sinh, sinh viên nhất định. Đơn giản, đó không chỉ là nơi để họ học nghề kiếm sống mà còn là nơi truyền đi nhiệt huyết, nuôi dưỡng đam mê. Mỗi năm nhà trường đón hàng trăm sinh viên từ các tỉnh, thành phố trên cả nước về nhập học. Có những người ở tận Vũng Tàu cũng ra theo học. Đặc biệt, những năm gần đây, nhà trường có nhiều học sinh, sinh viên trẻ ở các làng nghề trong tỉnh đăng ký học. Đây chính là “tín hiệu” vui cho một cơ sở đào tạo góp phần lưu giữ, phát triển những nghề truyền thống của quê hương./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân