Theo số liệu của các cơ quan chức năng, toàn tỉnh hiện đang lập hồ sơ quản lý 2.785 người nghiện ở 208/226 xã, phường, thị trấn. So với cùng kỳ năm trước, số người nghiện tăng 72 người (2.785/2.713) và tăng 18 xã, phường, thị trấn (208/190). Số người nghi nghiện trên địa bàn tỉnh là 2.385 người, tăng 572 người so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng lo ngại là tình trạng sử dụng trái phép ma tuý tổng hợp trong giới trẻ có chiều hướng gia tăng, khó kiểm soát. Hiện toàn tỉnh có 198 người nghiện ma túy tổng hợp, 587 người nghi nghiện ma túy tổng hợp, 158 người nghiện có biểu hiện loạn thần, “ngáo đá”. Trên thị trường đang xuất hiện ngày càng nhiều các loại ma túy tổng hợp mới, rất độc hại, gây nghiện nhanh, khó cai, khó bỏ... Số người nghiện ma tuý chưa bị phát hiện tiềm ẩn trong cộng đồng còn nhiều; số người nghiện ma túy chấp hành xong án phạt tù, đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc về địa phương tỷ lệ tái nghiện vẫn ở mức cao; một số người đang điều trị thay thế bằng Methadone vẫn sử dụng các loại ma tuý khác...
Công an thành phố Nam Định ra quân tuyên truyền về phòng, chống ma túy. |
Trước tình hình trên, Công an tỉnh, Sở LĐ-TB và XH đã phối hợp, triển khai các biện pháp công tác. Trong đó đã tham mưu UBND tỉnh ban Kế hoạch số 79/KH-UBND về đổi mới công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh; phân công, giao nhiệm vụ cụ thể từng ngành, đoàn thể phối hợp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện. Tham mưu UBND tỉnh, báo cáo HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 16/2019/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước và các khoản đóng góp đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên địa bàn tỉnh Nam Định. Công an tỉnh, Sở LĐ-TB và XH, UBND các huyện, thành phố đã tổ chức điều tra và thường xuyên rà soát, thống kê người nghiện, nghi nghiện ma túy trên địa bàn. Tuyên truyền, vận động, thuyết phục người nghiện và gia đình tự giác khai báo tình trạng nghiện ma túy; đăng ký tham gia các hình thức cai nghiện ma túy; đồng thời có biện pháp hỗ trợ đối với người tham gia các hình thức tự giác cai nghiện ma túy. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, thành lập 211 tổ công tác cai nghiện ma túy tại 226 xã, phường, thị trấn. Trên địa bàn tỉnh đã triển khai thí điểm 3 mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng” tại thành phố Nam Định và huyện Giao Thủy, hàng năm thu hút trên 500 lượt người nghiện ma túy đến tư vấn. Hiện nay toàn tỉnh có 3 cơ sở cai nghiện ma túy gồm: Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Nam Định (trực thuộc Sở LĐ-TB và XH) tổ chức tiếp nhận, cai bắt buộc và tự nguyện; Trung tâm Bảo trợ và Phòng chống tệ nạn xã hội huyện Giao Thủy và Trung tâm Phòng chống ma túy huyện Nam Trực tổ chức cai nghiện tự nguyện, điều trị thay thế bằng Methadone. Trong đó, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh thường xuyên tiếp nhận, chữa trị, quản lý khoảng 500 học viên. Trong 5 năm gần đây, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Nam Định đã tổ chức cai nghiện cho 1.163 người; trong đó cai nghiện bắt buộc là 416 người và cai nghiện tự nguyện là 747 người. Sở LĐ-TB và XH đã phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các cấp hỗ trợ dạy và học nghề cho người nghiện ma túy tại cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy; đã tổ chức dạy nghề cho 240 học viên cai nghiện bắt buộc chủ yếu là nghề may, đan lát, cơ khí; trong đó đã có 59 học viên có việc làm, thu nhập ổn định, từ bỏ ma túy, tái hòa nhập cộng đồng.
Với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, sự phối hợp, tham gia tích cực của các ngành, đoàn thể, Ban Chỉ đạo 138 các cấp, các đơn vị chức năng đã tham mưu kịp thời, đảm bảo thực hiện các chế độ, chính sách phục vụ công tác cai nghiện đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Công tác tuyên truyền đã được đổi mới cả về nội dung, hình thức, từ đó huy động đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác người nghiện ma túy, tội phạm về ma túy tại cộng đồng; đồng thời xóa dần mặc cảm, kỳ thị với người nghiện ma túy, nhiệt tình tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng. UBND tỉnh đã chỉ đạo, đầu tư xây dựng, trang bị cơ sở vật chất tại các cơ sở cai nghiện ma túy; sắp xếp, kiện toàn cơ cấu bộ máy các cơ sở. Mô hình “Điểm tư vấn, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng” bước đầu phát huy hiệu quả. Các ngành chức năng làm tốt công tác rà soát, phát hiện, lập hồ sơ đưa đối tượng vào cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; phân loại, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chăm sóc chữa trị phục hồi cho người nghiện được nâng lên…
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống ma túy. Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức cai nghiện; phát huy vai trò của UBND, Ban Chỉ đạo 138 cấp huyện, cấp xã về công tác phòng chống ma túy, công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện. Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền về phòng chống và cai nghiện ma túy; đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy. Tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, áp dụng các biện pháp điều trị hiệu quả, phù hợp để nâng cao chất lượng chăm sóc phục hồi cho người nghiện. Thí điểm cung cấp dịch vụ điều trị, cai nghiện theo hình thức ngoại trú; cung cấp dịch vụ chăm sóc người nghiện tại gia đình và cộng đồng. Duy trì và từng bước mở rộng mạng lưới các cơ sở điều trị thay thế bằng Methadone. Nhân rộng mô hình điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng; phấn đấu mỗi huyện có ít nhất 1 điểm tư vấn. Các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở tích cực tham gia công tác quản lý người sau cai, triển khai các giải pháp hỗ trợ người đã cai nghiện ma túy được học nghề, tạo việc làm, vay vốn sản xuất, kinh doanh và tiếp cận với các dịch vụ y tế, xã hội, phòng chống tái nghiện, sớm hòa nhập cộng đồng./.
Bài và ảnh: Xuân Thu