Là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) Bộ CHQS tỉnh đã sớm chủ động tham mưu với Ban Chỉ huy PCTT và TKCN của tỉnh xây dựng kế hoạch, lập các phương án bố trí sử dụng lực lượng, đặc biệt là phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão sát với từng tình huống, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ đơn vị, địa phương năm 2021; đồng thời quán triệt, triển khai sâu rộng đến các đơn vị, các lực lượng làm tốt mọi công tác chuẩn bị, sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ khi có các tình huống xảy ra.
Lực lượng vũ trang tỉnh diễn tập tình huống cứu người bị đuối nước. |
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương và Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Nam Định, năm 2021, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai diễn biến bất thường, khó dự báo; trong đó nước ta là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Trên địa bàn tỉnh nhiều công trình PCTT xây dựng từ lâu, đã xuống cấp đặc biệt các công trình đầu mối như một số trạm bơm điện được xây dựng và đưa vào vận hành phục vụ sản xuất trên 30 năm thiết bị máy móc hư hóng, hiệu suất bơm thấp. Nhiều cống qua đê được xây dựng trước những năm 1970, đã hư hỏng, xuống cấp, cống ngắn so với mặt cắt đê. Một số cửa cống các kênh tưới, tiêu bị bồi lấp nhiều, việc nạo vét còn hạn chế. Tỉnh đã xác định 25 trọng điểm (01 trọng điểm cấp tỉnh và 24 trọng điểm cấp huyện) trong công tác PCTT và TKCN. Nhằm nâng cao khả năng tác chiến trong công tác PCTT và TKCN năm 2021, LLVT tỉnh đã chủ động chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, vật lực, kịp thời đối phó khi có thiên tai, thảm họa; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong LLVT phối hợp với các ban, ngành chức năng của tỉnh kiểm tra giám sát thực trạng các tuyến đê, kè, cống để bổ sung kế hoạch phù hợp; kiện toàn 2 sở chỉ huy cơ động của Bộ CHQS tỉnh trên địa bàn huyện Hải Hậu và Vụ Bản; phối hợp hiệp đồng chặt chẽ giữa Ban chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thành phố trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong phòng chống giảm nhẹ thiên tai và TKCN.
Để đảm bảo xử lý kịp thời và có hiệu quả các tình huống, Bộ CHQS tỉnh xây dựng kế hoạch huy động lực lượng thường trực PCTT và TKCN; tổ chức các lực lượng ứng cứu trên địa bàn các huyện, thành phố phối hợp với các lực lượng hiệp đồng của Bộ Quốc phòng, Quân khu 3; đồng thời huy động các lực lượng phòng, chống tại chỗ, lực lượng TKCN, lực lượng hiệp đồng, khắc phục hậu quả, bảo vệ, tuần tra, lực lượng dự bị. Cơ sở vật chất đảm bảo xử lý các tình huống cũng được các cơ quan, đơn vị chuẩn bị đầy đủ bao gồm: xuồng, phao cứu sinh, nhà bạt, ô tô các loại và nhiều loại máy móc, phương tiện đảm bảo khác; đồng thời đảm bảo tốt kỹ thuật cho các phương tiện, thông tin liên lạc, quân y, lương thực, thực phẩm, nơi ăn nghỉ... Duy trì nghiêm chế độ trực cứu hộ cứu nạn, nắm chắc diễn biến tình hình thời tiết, tham mưu đề xuất biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về PCTT và TKCN cho cán bộ, chiến sĩ trong LLVT tỉnh và nhân dân. Phối hợp cùng các lực lượng tăng cường luyện tập các phương án TKCN, PCCN, cháy rừng, cứu sập; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng cơ động tham gia cứu hộ cứu nạn khi có lệnh. Thực hiện tốt nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thành phố xây dựng và chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch TKCN trên địa bàn tỉnh, cùng các lực lượng quân đội đóng quân trên địa bản là lực lượng nòng cốt trong công tác hộ đê và TKCN. Kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp; phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, từng thành viên nâng cao hiệu quả công tác chỉ huy, chỉ đạo, điều hành, xử lý kịp thời các tình huống xảy ra. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, chủ động phòng, tránh ứng phó kịp thời, trong đó lấy phòng tránh là chính; chuẩn bị mọi mặt về lực lượng, trang bị, phương tiện cho các đơn vị làm nhiệm vụ cơ động ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Tập trung xây dựng các kế hoạch ứng phó và kế hoạch phối hợp ứng phó với các thảm họa theo Nghị định số 02/2019/NĐ-CP, ngày 2-1-2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự. Ban CHQS các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với phòng NN và PTNT thường xuyên kiểm tra, rà soát các trọng điểm, các tuyến đê, kè, cống xung yếu để xây dựng phương án huy động, sử dụng lực lượng hợp lý, ứng phó kịp thời có hiệu quả với các tình huống phức tạp xảy ra, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước, quân đội và nhân dân. Phối hợp tham mưu cho UBND các huyện, thành phố chỉ đạo luyện tập, diễn tập phương án PCTT và TKCN tại các địa bàn trọng điểm sát tình hình thực tế; chú trọng triển khai sớm các hoạt động cần thiết như: Gia cố nhà cửa, kho tàng, trạm xưởng, cột điện, cột thu phát sóng có nguy cơ gãy, đổ; cắt tỉa cây; nạo vét, khơi thông kênh mương, cống thoát nước chống ách tắc dòng chảy. Riêng Ban CHQS huyện Giao Thủy tham mưu cho UBND huyện làm tốt công tác chuẩn bị tổ chức diễn tập phòng thủ dân sự theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và Quân khu 3. Ban CHQS các huyện ven biển Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng phối hợp chặt chẽ với các đồn biên phòng nắm chắc số lượng tàu thuyền, số lao động trên các phương tiện và các khu nuôi trồng thủy sản; hoàn thiện việc đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền khai thác hải sản, khuyến khích các chủ phương tiện trang bị, đầu tư, sử dụng các trang thiết bị thông tin 2 chiều giữa tàu cá với đất liền, khi có bão, áp thấp nhiệt đới gần bờ triển khai các biện pháp vận động, kêu gọi ngư dân, phương tiện vào nơi tránh trú an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra. Ban CHQS các huyện, thành phố rà soát, quản lý nắm chắc nguồn lực lượng dân quân tự vệ và các phương tiện kỹ thuật của các doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân trên địa bàn đơn vị quản lý để sẵn sàng tham mưu huy động phục vụ cho công tác PCTT và TKCN./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn